Khắc nghiệt startup

(ĐTTCO) -Ngày 11-4 vừa qua, Quỹ tăng tốc Khởi nghiệp Việt Nam (VIISA) được sáng lập bởi FPT, Dragon Capital và Hanwa (Hàn Quốc), đã tổ chức Ngày hội đầu tư khởi nghiệp (VIISA Investment Day) với mục tiêu kết nối cộng đồng startup (khởi nghiệp) để gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội gọi vốn.

(ĐTTCO) -Ngày 11-4 vừa qua, Quỹ tăng tốc Khởi nghiệp Việt Nam (VIISA) được sáng lập bởi FPT, Dragon Capital và Hanwa (Hàn Quốc), đã tổ chức Ngày hội đầu tư khởi nghiệp (VIISA Investment Day) với mục tiêu kết nối cộng đồng startup (khởi nghiệp) để gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội gọi vốn.

Startup không chỉ cho người trẻ

Những ai tham dự sự kiện này chắc chắn sẽ có những ấn tượng rất rõ ràng về xu hướng startup tại Việt Nam. Hình ảnh ông Trần Đắc Sinh, cựu Chủ tịch HĐQT HOSE, liên tục trò chuyện sôi nổi với các bạn trẻ về các vấn đề gọi vốn, theo đuổi ý tưởng, chiến lược. Ngôn ngữ được sử dụng là tiếng Anh xuyên suốt và sự kiện diễn ra tại một quán cà phê được cho là “chất” và “độc”: Hard Rock.

Ai cũng thấy đó nhiệt huyết khởi nghiệp xuất hiện rất rõ trên khuôn mặt, trong từng lời nói, cử chỉ của những người làm startup. Không chỉ những người trẻ, còn rất nhiều người xét về số tuổi có thể gọi là “già” nhưng vẫn mang bầu nhiệt huyết tuổi trẻ khởi nghiệp. Tất cả những ý tưởng, kinh nghiệm đều được trình bày trực quan, sinh động thông qua các clip, slide và tất nhiên là hứa hẹn rất nhiều tiềm năng.

Hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam nhìn chung đã được định hình, có nguồn vốn, có ý tưởng, sự chia sẻ, hỗ trợ, kết nối lẫn nhau cũng được thúc đẩy. Còn những hạn chế kiểu như vốn khó vào startup vì quy mô nhỏ, hoặc sự hỗ trợ chưa đồng đều thực ra là rất... bình thường vì đơn giản startup là mạo hiểm, là khó khăn buộc ai có “máu” startup phải vượt qua.

Ông Trần Hữu Đức, Giám đốc FPT Ventures, cho biết: “VIISA giúp các startup được tiếp cận sớm với cộng đồng khởi nghiệp quốc tế thông qua việc thường xuyên kết nối họ với các nhà đầu tư, đội ngũ tư vấn... Điều đó sẽ giúp họ định hình rõ chiến lược toàn cầu hóa (go global) ngay từ những bước đi đầu tiên. Trong thời gian tới, VIISA sẽ còn phải cố gắng nhiều hơn nữa để góp phần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam”.

Theo ông Hian Goh, Nhà sáng lập của NSI Ventures: “Thông qua các hoạt động hỗ trợ startup của VIISA, tôi tin rằng Việt Nam sẽ xây dựng thành công những startup có mức vốn hóa thị trường lên tới hàng trăm triệu USD trong thời gian tới”.

Ông Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Đối ngoại Dragon Capital, chia sẻ: “Có những bạn trẻ trong sự kiện này chỉ bằng tuổi... con tôi, nhưng không vì vậy mà tôi nghĩ mình... già. Startup không chỉ dành cho những người trẻ, mà rộng hơn sẽ dành cho những ai luôn có khao khát, làm mới bản thân, chấp nhận mạo hiểm. Startup sẽ là một xu hướng kéo dài trong nhiều năm và điều quan trọng nhất là phải duy trì được nhiệt huyết, sự quan tâm chứ không chỉ là nguồn vốn hay công nghệ”. 

Các bạn trẻ rất hào hứng tham gia ngày hội đầu tư khởi nghiệp.

Các bạn trẻ rất hào hứng tham gia ngày hội đầu tư khởi nghiệp.

Đừng ảo tưởng

Không chỉ nhận được sự đầu tư về vốn và cơ sở vật chất, trong 3 tháng qua các startup trong chương trình đào tạo của VIISA còn được đào tạo nhiều kỹ năng quan trọng trong khởi nghiệp, như phát hiện và tìm kiếm khách hàng tiềm năng, gọi vốn, bán hàng… từ những nhà đầu tư và doanh nghiệp hàng đầu khu vực như NSI Ventures, Golden Gate Ventures, FPT, Dragon Capital Group…

Ngoài ra, VIISA cũng sẽ tiếp tục dành từ 200.000-500.000 USD để đầu tư cho các startup. Nhưng có một điều chắc chắn, sẽ chỉ có một số rất ít các ý tưởng hiện diện trong ngày hội có thể trở nên lớn mạnh và phát triển về sau, cũng đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều startup không thể tồn tại và bị xóa sổ.

Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình đã từng nói: “Bên dưới một startup thành công là “xác” của rất nhiều startup thất bại”. Ông Bùi Ngọc Quang, Giám đốc hệ thống điện hoa trực tuyến Ciaoflora, bộc bạch: “Tôi chỉ mong các bạn startup đừng nói chuyện quá nhiều trên... slide. Có rất nhiều dự án được gắn với cái mác “startup”, nhưng thực tế chỉ đi sao chép, biến đổi chút trong khi hiệu quả chắc chắn không cao. Đây là một kiểu khởi nghiệp phong trào, phi thực tế, thậm chí tạo ra những ảo tưởng cho người tham gia”. 

Những ai đã từng startup có lẽ đều thấu hiểu nỗi khổ của việc hợp tác giữa một bên có ý tưởng, bên có lực và những NĐT có vốn. Nỗi khổ này thậm chí lớn gấp nhiều lần so với việc phải thâm nhập thị trường, thiếu chi phí vận hành, thậm chí tìm cách để tồn tại.

Do vậy những CEO, founder của một dự án khởi nghiệp hoành tráng phải quỵ lụy trước các NĐT không phải là chuyện hiếm. Về lý mà nói, người có tiền muốn đảm bảo nguồn vốn mình phải được chảy đúng chỗ, cả 2 bên cũng đã ngồi lại với nhau bàn bạc và chấp nhận, nhưng thực tế đôi khi vượt quá dự kiến.

Sự thận trọng thái quá của NĐT có thể là một cách quản lý tiền hiệu quả, nhưng đôi khi cũng có thể là một nguyên nhân gián tiếp bóp nghẹt sự sáng tạo của startup và qua đó khiến cho dự án thất bại. Một số startup vì thấy bài học này nên lại có chủ trương “tự làm”, đôi khi thành công, nhưng cũng có lúc vì nguồn lực quá hạn chế mà thất bại.

Trong rất nhiều dự án khởi nghiệp hấp dẫn, đẹp và hay nhưng đôi khi sự lựa chọn của các quỹ đầu tư phụ thuộc rất nhiều vào sự hên xui, không chỉ có định lượng mà còn phải bằng cảm tính. Chẳng hạn, một quỹ đầu tư vào 10 dự án startup sẽ chấp nhận khoảng 6-7 dự án thất bại, còn 3-4 dự án sẽ phải có lãi và tăng trưởng khoảng 2-3 lần để bù lại cho phần thua lỗ.

Vấn đề là tiềm năng đến đâu cũng không ai chắc chắn viễn cảnh của một dự án trong tương lai sẽ như thế nào. Nghĩa là sau rất nhiều sự giúp đỡ, hỗ trợ, chính những người làm startup, cha-mẹ của các ý tưởng sẽ phải nỗ lực lớn nhất và học startup thậm chí còn phải học cách dự liệu, đối mặt với thất bại.

Các startup được lựa chọn thuyết trình tại VIISA Investment Day

Butterfly Salon: Ứng dụng di động áp dụng khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo vào ngành công nghiệp sắc đẹp, giúp người dùng luôn được cập nhật với các mốt thời trang mới nhất và tìm được kiểu tóc phù hợp với vẻ nhìn của họ.

Fastsell: Nền tảng cho phép người dùng đăng tải, khám phá và mua hàng từ những người bán xung quanh bạn một cách nhanh chóng, an toàn và đáng tin cậy. Ứng dụng này đã có hơn 100.000 lượt tải về.

Lexis: Nền tảng di động giúp kết nối các luật sư với khách hàng của mình. Thông qua ứng dụng này, người sử dụng sẽ được trợ giúp mọi lúc mọi nơi thông qua gói cước trả trước và đường dây hỗ trợ miễn phí.

Usedata: Công nghệ phân tích dữ liệu lớn, qua đó cung cấp dịch vụ gợi ý sản phẩm đến từng người dùng, giúp khách hàng tối ưu hóa kinh doanh. Hiện có hơn 250 doanh nghiệp đang sử dụng dịch vụ của Usedata.

Wefit: Cung cấp giải pháp tập luyện fitness mới tại Việt Nam. Ứng dụng cung cấp cho người dùng hơn 300 địa chỉ phòng tập thể dục và lựa chọn các lớp tập theo gói đăng ký tháng của họ.

Fixir: Ứng dụng di động giúp người điều khiển xe máy tìm kiếm và đặt cuộc hẹn sửa xe/bảo trì xe ở các cửa hàng dịch vụ tin cậy.

Các tin khác