Kế hoạch lợi nhuận - Thùng rỗng kêu to

Trong bối cảnh tất cả yếu tố khách quan đều gây khó cho hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp (DN), nhưng mùa ĐHCĐ năm nay không ít DN hùng hồn đề ra kế hoạch lợi nhuận tăng mạnh trong năm 2011.

Trong bối cảnh tất cả yếu tố khách quan đều gây khó cho hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp (DN), nhưng mùa ĐHCĐ năm nay không ít DN hùng hồn đề ra kế hoạch lợi nhuận tăng mạnh trong năm 2011.

Mục tiêu khó tiêu

ĐHCĐ thường niên năm 2011 của CTCP Vinpearl (VPL) đã thống nhất kết quả kinh doanh năm 2010 với 1.127 tỷ đồng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 119,5 tỷ đồng. So với kế hoạch vượt 14,4% doanh thu và 57,2% về lợi nhuận. Do vậy VPL đặt mục tiêu cho năm 2011 là 1.950 tỷ đồng doanh thu (tăng 73% so với năm 2010) và 545,55 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất, (tăng 356% so với năm 2010).

ĐHCĐ thường niên 2011 của CTCP Đầu tư và Thương mại dầu khí Sông Đà (SDP) đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2011 doanh thu đạt 846,05 tỷ đồng (tăng 141,9% so với năm 2010) và lợi nhuận trước thuế đạt 28,33 tỷ đồng (tăng 152,8% so với năm 2010).

ĐHCĐ thường niên 2011 của CTCK Phố Wall (WSS) cũng thông qua kế hoạch lợi nhuận năm 2011 với doanh thu 123 tỷ đồng, chi phí chiếm 44,43 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 59 tỷ đồng (gấp 4,2 lần so với thực hiện của năm 2010 là 14 tỷ đồng).

Quang cảnh ĐHCĐ năm 2011 của CTCP Tập đoàn Hoa Sen. Ảnh: THẾ ANH

Quang cảnh ĐHCĐ năm 2011 của CTCP Tập đoàn Hoa Sen.
Ảnh: THẾ ANH

Trong năm 2010, CTCP Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải (VSP) đạt gần 891 tỷ đồng tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 827 triệu đồng (chỉ hoàn thành gần 10%, kế hoạch năm là 107 tỷ đồng). Đây là năm thứ 2 liên tiếp VSP không hoàn thành kế hoạch đã đăng ký với cổ đông (VSP sẽ không chi trả cổ tức cho năm 2010) mà nguyên nhân chủ yếu là do cước vận tải biển quốc tế chưa hồi phục.

Thế nhưng theo tờ trình ĐHCĐ năm 2011, VSP đặt mục tiêu đạt 1.500 tỷ đồng tổng doanh thu (tăng 68,3% so với năm 2010), lợi nhuận trước thuế đạt 133,35 tỷ đồng (tăng gấp 161,2 lần so với năm 2010). Tuy nhiên, tờ trình này chưa được thông qua tại ĐHCĐ vừa được tổ chức ngày 5-4.

Nguyên nhân là do cổ đông lớn là Tập đoàn Vinashin bỏ phiếu phủ quyết do chưa nhận được chỉ đạo từ lãnh đạo Tập đoàn. Theo ông Phạm Thanh Sơn, thành viên HĐQT, đại diện vốn góp của Vinashin, chỉ tham dự chứ không biểu quyết thông qua các tờ trình với lý do chưa nhận được tài liệu ĐHCĐ đề trình lãnh đạo tập đoàn xem xét trước.

Tự tin vào bất động sản

Dù chưa được thông qua, nhưng với chỉ tiêu lợi nhuận tăng 161 lần so với năm 2010 cũng đủ thấy lãnh đạo VSP tự tin thái quá về khả năng “lèo lái” DN trong hoàn cảnh khó khăn năm nay. Sở dĩ VSP tự tin về tình hình hoạt động của mình trong năm 2011 là từ những dự án bất động sản (BĐS) mà DN này đang nắm giữ, chứ không đến từ những biện pháp tháo gỡ khó khăn đối với hoạt động vận tải biển.

Phát biểu tại ĐHCĐ, ông Nguyễn Duy Hùng, thành viên HĐQT VSP, cho biết kế hoạch của DN là đẩy mạnh triển khai các dự án BĐS. Cụ thể, VSP đang tìm kiếm các đối tác có tiềm lực tài chính để triển khai dự án khu đô thị Mê Linh-Hà Nội với diện tích 217ha (đã chuyển mục đích từ sân golf thành khu đô thị). Ngoài ra, VSP cũng đang huy động vốn cho dự án BĐS tại Cần Giuộc-Long An. Hiện đã có một số tổ chức quan tâm đặt vấn đề hợp tác, VSP đang cân nhắc lựa chọn và cố gắng triển khai trong năm nay.

Chưa biết những tổ chức đang quan tâm đến các dự án BĐS của VSP là những tổ chức nào, nhưng trong cảnh ảm đạm của thị trường BĐS hiện nay khả năng tìm kiếm được đối tác có năng lực tài chính như VSP mong muốn không dễ. Thêm nữa, TTCK đang đi xuống, khả năng huy động từ TTCK cũng rất khó. Xem ra mục tiêu này không khác gì hành động “hái sao trên trời” của VSP bởi những dự án này vẫn chưa đâu vào đâu, lấy đâu ra lợi nhuận ngay trong năm 2011.

Khi phần lớn CTCK khác đang đứng bên bờ vực phá sản do thua lỗ (ngay cả SSI cũng có nguy cơ thua lỗ trong quý I-2011), WSS lại mạnh miệng tuyên bố sẽ có lãi trong năm 2011, trong khi giá CP của WSS đang thấp nhất trong nhóm CP của các CTCK giao dịch trên sàn. Vậy lãnh đạo WSS dựa trên cơ sở nào để đặt ra mục tiêu này?

Theo ông Phạm Đức Long, Phó Tổng giám đốc WSS, hướng đầu tư kinh doanh trong năm 2011 của WSS là tập trung đầu tư vào các dự án BĐS và nhiều dự án dài hạn khác (chiếm 70% tổng vốn đầu tư). Trong khi đó, với lĩnh vực cốt lõi là đầu tư tài chính, WSS sẽ tiến đến giảm bớt, không dành nhiều vốn để đầu tư ngắn hạn CP (tỷ lệ dưới 30% tổng vốn đầu tư). Như vậy, với chiến lược đầu tư mới này, WSS đang định lấy sở đoản là BĐS để hỗ trợ cho sở trường là đầu tư tài chính.

Tương tự, cơ sở để SDP tự tin về lợi nhuận trong năm 2011 là hàng loạt dự án BĐS sẽ triển khai trong năm. Tổng vốn đầu tư cho các dự án BĐS là 164 tỷ đồng, trong khi vốn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh chỉ 76 tỷ đồng.

Các tin khác