Kế hoạch lãi khủng: Mừng và lo

(ĐTTCO) - Nối tiếp thành công của năm 2017, tại mùa ĐHCĐ năm nay, nhiều doanh nghiệp niêm yết tiếp tục lên kế hoạch lợi nhuận khủng cho năm 2018.
Tuy nhiên, cổ đông của các doanh nghiệp này lại đón nhận thông tin theo cách khác nhau, trong đó có cả hy vọng và sự hồ nghi.
Cuộc đua của các ông lớn
Theo báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán năm 2017, lợi nhuận của Tổng CTCP Khí Việt Nam (GAS) có sự bứt phá mạnh. Theo đó, doanh thu thuần hợp nhất cả năm 2017 đạt 64.569 tỷ đồng (tăng 9,2%), lợi nhuận ròng đạt 9.843 tỷ đồng (tăng 37,2%).
Năm 2018, GAS được kỳ vọng sẽ tiếp tục bước đột phá nhờ tận dụng được những yếu tố thuận lợi khi nhu cầu điện được dự báo tăng trưởng và việc Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thay thế nhiệt điện than bằng nhiệt điện khí. Với điều kiện kinh doanh thuận lợi, giới phân tích đưa ra dự báo về khả năng GAS sẽ quay lại top 3 về lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết.
Dự báo, GAS sẽ ghi nhận 75.320 tỷ đồng doanh thu thuần (tăng 16,1%), lợi nhuận ròng 10.950 tỷ đồng (tăng 11%) dựa trên giả định giá dầu ở mức 65USD/thùng và kỳ vọng biên lợi nhuận gộp tăng nhẹ nhờ vào nguồn cung từ các mỏ khí có chi phí cao.
Kế hoạch lãi khủng: Mừng và lo ảnh 1 Dù đưa ra mức lợi nhuận cao, nhưng nhiều NĐT không đánh giá cao VNM vì tốc độ tăng trưởng quá chậm. 
Con số lợi nhuận 10.000 tỷ đồng năm 2018 đang là mục tiêu của các ông lớn khác, trong đó có các ngân hàng (NH) TMCP. Tại ĐHCĐ của NHTMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB) được tổ chức vào ngày 19-3, cổ đông của NH này đã đồng ý thông qua chỉ tiêu kinh doanh năm 2018 với các nội dung chính như: tổng tài sản đạt 359.477 tỷ đồng, huy động khách hàng và phát hành giấy tờ có giá đạt 241.675 tỷ đồng, dư nợ cấp tín dụng đạt 234.320 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu dưới 3% và lợi nhuận trước thuế đạt 10.800 tỷ đồng. 
Ấn tượng nhất là NHTMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB). Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2018, VCB đã công bố lợi nhuận trước thuế năm 2017 đạt 11.018 tỷ đồng (tăng 33%). Theo lãnh đạo VCB, tỷ lệ nợ xấu tiếp tục giảm mạnh (hiện ở mức 1,1%), các hệ số an toàn, hiệu quả hoạt động của VCB trong năm qua tiếp tục được cải thiện và dần sát với các thông lệ quốc tế. Từ kết quả này, VCB mạnh dạn lên mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2018 đến 12.000 tỷ đồng.

Lãi lớn vẫn lo
Cùng nằm trong cuộc đua lợi nhuận 10.000 tỷ đồng như các ông lớn trên, nhưng cổ đông vẫn không đánh giá cao về chỉ tiêu kinh doanh của CTCP Sữa Việt Nam (VNM). Tại ĐHCĐ được tổ chức ngày 31-3, HĐQT của doanh nghiệp đã có tờ trình về mục tiêu kinh doanh năm 2018 với doanh thu ước đạt 55.500 tỷ đồng (tăng 8,5%) và lợi nhuận đạt 10.752 tỷ đồng (tăng 4,6%).
Thực tế, đã có không ít cổ đông lên tiếng chất vấn HĐQT VNM về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận quá chậm (chỉ từ 5-7%) của doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây.
Theo giải trình của HĐQT, đây là số tối thiểu cần đạt được nhằm giữ tăng trưởng ổn định, đồng thời đảm bảo tính thực tế trong tình hình thị trường xuất khẩu không ổn định. Kế hoạch đề ra đã tính đến các yếu tố, trong đó có yếu tố về thị trường xuất khẩu gặp khó khăn do ảnh hưởng của bất ổn chính trị ở những quốc gia; giá của một số nguyên liệu đầu vào như sữa bột gầy có giảm, nhưng giá sữa bột béo và bơ vẫn đang ở mức cao và biến động mạnh.
Tương tự là trường hợp của CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG). Tại ĐHCĐ năm 2018, cổ đông của MWG đã thông qua chỉ tiêu kinh doanh 2018 với doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh so với năm trước.
Cụ thể, doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt lần lượt 86.390 tỷ đồng (tăng 30%) và 2.207 tỷ đồng (tăng 18%), cổ tức tiền mặt 15% sẽ được thanh toán trong quý II. Dù HĐQT đưa ra những chỉ tiêu hết sức ấn tượng, nhưng có không ít cổ đông vẫn tỏ ra bất an về bước đi của doanh nghiệp trong thời gian tới, đặc biệt là quyết định dốc toàn lực nhảy vào chuỗi bán lẻ Bách Hóa Xanh trong năm 2018. Lo ngại này là hoàn toàn có cơ sở bởi chuỗi bán lẻ Bách Hóa Xanh đã được MWG cho ra mắt từ năm 2015, nhưng hiệu quả vẫn chưa như kỳ vọng.
Cũng vì lý do này, nhiều cổ đông đã chọn giải pháp thoái lui khiến cho MWG liên tục rớt giá sau ngày tổ chức ĐHCĐ. Từ mức giá 114.000 đồng/CP, MWG liên tục sụt giảm và lần đầu tiên sau nhiều năm, mã CP này giảm xuống dưới mốc 100.000 đồng/CP trong phiên giao dịch ngày 11-4 vừa qua.

Kỳ vọng bứt phá
ĐHCĐ vừa được tổ chức ngày 5-4 vừa qua, nhiều cổ đông của CTCP Tập đoàn FPT (FPT) hết sức bất ngờ khi doanh nghiệp này công bố tờ trình về kế hoạch kinh doanh năm 2018, với những con số kém ấn tượng so với năm trước. Cụ thể, doanh thu ước đạt 21.900 tỷ đồng (giảm 50,1%) và lợi nhuận trước thuế đạt 3.484 tỷ đồng (giảm 18,1%).
Nguyên nhân khiến cho FPT hạ thấp chỉ tiêu cho năm 2018 là do doanh nghiệp này vừa bán cổ phần đáng kể tại FPT Trading và FPT Retail. Do FPT hiện chỉ còn nắm 48% cổ phần FPT Trading và 45% cổ phần FPT Retail, nên 2 công ty này không còn hợp nhất vào doanh thu của FPT trong năm 2018. Trong khi đó lợi nhuận trước thuế từ 2 công ty này sẽ được hạch toán vào lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết tương ứng với tỷ lệ sở hữu của FPT.
Thế nhưng, thay cho sự thất vọng về sự sụt giảm mạnh về chỉ tiêu kinh doanh, cổ đông FPT lại tỏ ra tin tưởng về những bước đi sắp tới của doanh nghiệp được HĐQT tiết lộ tại ĐHCĐ. Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT, công nghệ dành cho ô tô là trọng điểm mới của tập đoàn.
Hiện FPT đã giành được một số hợp đồng với các nhà sản xuất ô tô tại Nhật Bản và Đức về phát triển phần mềm cho mẫu xe mới. Trong khi đó FPT cũng đã đầu tư cho nghiên cứu và phát triển công nghệ ô tô, với mục tiêu trở thành nhà cung cấp phần mềm cấp 1 ở lĩnh vực này. Đơn cử là phát triển hệ điều hành mới cho ô tô không người lái. Nếu FPT thành công, không chỉ tỷ suất lợi nhuận được cải thiện, mà sự thành công này còn giúp FPT ghi tên vào bản đồ công nghệ toàn cầu. 

Các tin khác