IPO Nhà máy Lọc dầu Dung Quất: Mỏ vàng có tận dụng được vàng

(ĐTTCO) - Theo kế hoạch, tháng 11-2017, Công ty TNHH MTV Lọc-hóa dầu Bình Sơn (BSR) sẽ chào bán cổ phần lần đầu (IPO) Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

 Những bước chạy đà cơ bản để thực hiện IPO đang được BSR chuẩn bị chi tiết từ việc công bố giá trị doanh nghiệp đến ghi nhận ý kiến các chuyên gia có uy tín về thời điểm IPO.

Vốn “khủng” IPO

Ông Trần Ngọc Nguyên, Tổng giám đốc BSR, cho biết Bộ Công Thương đã ký quyết định xác định giá trị doanh nghiệp với BSR trước thềm IPO. Theo đó, giá trị doanh nghiệp của BSR tại thời điểm 31-12-2015 được xác định 72.879,91 tỷ đồng, tương đương 3,2 tỷ USD. Với mức định giá này BSR sẽ là DNNN lớn nhất từ trước đến nay được cổ phần hóa, vượt qua hàng loạt tên tuổi trước đó như Vietnam Airlines, Petrolimex, Sabeco, Habeco…

BSR hiện là đơn vị quản lý và vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Dung Quất là nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam, khởi công từ tháng 11-2005, sản xuất sản phẩm đầu tiên từ tháng 2-2009 và chính thức khánh thành vào tháng 1-2011 với công suất thiết kế 6,5 triệu tấn/năm, chuyên sản xuất khí hóa lỏng LPG, propylene, polypropylene, xăng A92, A95, dầu hỏa, nhiên liệu phản lực, diesel, dầu nhiên liệu FO…
Hiện tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang thực hiện dự án nghiên cứu mở rộng với tổng mức đầu tư khoảng 1,82 tỷ USD,  nhằm nâng công suất lên 8,5 triệu tấn dầu thô/năm, đáp ứng tiêu chuẩn EURO 5 và chiếm khoảng 40% nhu cầu xăng dầu của cả nước. Từ khi đi vào hoạt động, Dung Quất đã được nhận nhiều ưu đãi của Chính phủ, như kéo dài thời gian khấu hao nhà máy lên 20 năm, dài hơn 5 năm so với báo cáo nghiên cứu khả thi ban đầu. Nhà máy cũng được hưởng cơ chế ưu đãi thuế như: áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 30 năm, trong đó miễn thuế hoàn toàn trong vòng 5 năm đầu, giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo... “Cơ chế điều tiết nguồn thu” mà Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được hưởng chính là lợi thế lớn của doanh nghiệp. Hiện BSR không được giữ lại phần thuế ưu đãi như trước, nhưng đồng thời cũng không phải đóng thuế nhập khẩu như xăng dầu nhập từ nước ngoài. Bên cạnh việc hoạt động theo cơ chế thị trường, trong chiến lược cổ phần hóa lần này, mục tiêu của BSR là tìm được một cổ đông chiến lược nước ngoài để tận dụng kinh nghiệm quản trị điều hành của họ, hỗ trợ công ty đầu tư phát triển phân khúc hóa dầu và chế biến sâu nhằm mang lại hiệu quả cao trong tương lai.
IPO Nhà máy Lọc dầu Dung Quất: Mỏ vàng có tận dụng được vàng ảnh 1 Việc IPO Nhà máy Lọc dầu Dung Quất do BSR quản lý đang nhận được nhiều sự quan tâm
của các chuyên gia và NĐT. 
Kỳ vọng phát huy những thế mạnh
Vừa qua, BSR đã tổ chức buổi tọa đàm riêng với sự tham gia hiến kế của các chuyên gia kinh tế đầu ngành. GS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Trung ương, đặt 3 vấn đề: Triển vọng IPO của BSR như thế nào trong bối cảnh kinh tế Việt Nam và thế giới? IPO như thế nào để có kết quả cao nhất? Sau IPO, BSR phát triển với bức tranh gam màu gì? Tất cả những tư vấn này phải được thể hiện trên các kênh truyền thông báo chí để NĐT quan tâm, người dân giám sát, Chính phủ đồng hành. TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, có những yếu tố vĩ mô tác động đến BSR như năng lượng tái tạo phát triển, nhu cầu năng lượng truyền thống giảm dần; xe điện tự lái lên ngôi tầm khoảng sau năm 2035; xu thế hội nhập và cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Vì vậy TS. Doanh tư vấn BSR cần chú ý đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, áp dụng internet vạn vật, cảm biến, robot; từ đó giảm chi phí sản xuất, giảm vốn lưu động, tăng thêm độ an toàn cho bộ máy quản lý. Nghiên cứu phát triển công nghệ là điều quan trọng, cần đầu tư và liên kết giá trị gia tăng với trình độ khoa học công nghệ của nhà máy Dung Quất.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển phân tích: kế hoạch kinh doanh và lợi nhuận là điểm mấu chốt NĐT quan tâm. Do vậy công tác mở rộng sản phẩm hiện có và các sản phẩm mới cũng phải có lộ trình cụ thể. Ông Tuyển cũng cho rằng phương pháp quản trị doanh nghiệp quyết định tính sống còn của doanh nghiệp sau IPO, chứ không phải là tính chất của doanh nghiệp đó là của Nhà nước hay tư nhân.
Đồng quan điểm trên, chuyên gia Võ Trí Thành nhận định, BSR cần thể hiện 4 giá trị thành công: quản trị, thương hiệu, công nghệ và chiến lược. Những nước xung quanh ta họ có quản trị rất tốt như Thái Lan phải học ngay. Tư duy của CEO phải là tư duy theo thị trường chứ không phải tư duy công chức nhà nước. Và BSR đang có lợi thế lớn bởi chủ trương cổ phần hóa các DNNN hiện nay đang có “cuộc chơi thật”.
Dưới góc nhìn là chuyên gia tài chính, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng nhìn nhận: BSR IPO thời điểm này là hợp lý và cần thiết, do vậy cần xác định giá bán khởi điểm và mỗi đối tượng khách hàng, BSR có cách tiếp cận, giới thiệu khác nhau.

Các tin khác