HVG khó lấy lại vị thế “vua cá tra”

(ĐTTCO) - Với mức tăng xấp xỉ 300% trong gần 3 tháng, mã HVG của CTCP Hùng Vương giúp nhiều NĐT bớt áp lực sau chuỗi giảm giá mạnh trước đó. Tuy nhiên, để quay lại với vị thế “vua cá tra” như thời kỳ hoàng kim không hề đơn giản, thậm chí quá sức với doanh nghiệp đang ngụp lặn trong thua lỗ như HVG. 
Quá khứ huy hoàng
HVG niêm yết 60 triệu CP trên HOSE trong phiên giao dịch ngày 25-11-2009 với giá tham chiếu 50.000 đồng/CP. Đây là thời điểm HVG bước vào giai đoạn bứt phá của doanh nghiệp có vốn điều lệ thành lập năm 2003 chỉ vỏn vẹn 32 tỷ đồng.
Có thể điểm qua sơ nét những mốc quan trọng của HVG. Năm 2007 chính thức chuyển sang hoạt động dưới hình thức CTCP với vốn điều lệ 120 tỷ đồng, sau đó nâng lên 420 tỷ đồng. Năm 2008 phát hành CP thưởng tăng vốn lên 495 tỷ đồng.
 Theo nhận định của giới phân tích, khả năng HVG quay trở lại với thời kỳ hoàng kim không thể xảy ra. Thậm chí, để HVG tăng trở về mệnh giá (10.000 đồng/CP) cũng là điều khá xa vời. 
Năm 2009 tiếp tục phát hành CP thưởng cho cổ đông hiện hữu từ nguồn thặng dư vốn cổ phần và phát hành CP cho cán bộ công nhân viên, tăng vốn lên 600 tỷ đồng. Năm 2011, HVG trở thành doanh nghiệp chế biến cá da trơn xuất khẩu lớn nhất Việt Nam, với quy trình khép kín từ sản xuất thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra, basa.
Đặc biệt, với kim ngạch xuất khẩu cá tra dẫn đầu cả nước, HVG được mệnh danh là “vua cá tra”. Năm 2013, phát hành 39,5 triệu CP thưởng tỷ lệ 2:1 cho cổ đông hiện hữu, cùng với 1,2 triệu CP ESOP cho người lao động, nâng vốn lên 1.199 tỷ đồng. Năm 2015 chào bán cho cổ đông hiện hữu 43,5 triệu CP, đồng thời phát hành thêm gần 13,2 triệu CP, nâng vốn lên 1.891 tỷ đồng. Năm 2016 phát hành 37,8 triệu CP, nâng vốn lên 2.270 tỷ đồng.
Với tốc độ tăng vốn chóng mặt, HVG đã vung tiền thực hiện hàng loạt thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) nhằm hoàn thiện quy trình theo chuỗi cung ứng khép kín, từ nuôi trồng, chế biến và phân phối, nhắm đến mục tiêu trở thành công ty hàng đầu về lĩnh vực thủy sản.
Tính đến thời điểm cuối năm 2017, HVG có 23 công ty con, công ty liên doanh, công ty liên kết, như CTCP Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (VTF), CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (AGF), CTCP Châu Âu (EUR). Công ty TNHH Châu Á (ASI), CTCP Nuôi trồng thủy sản Hùng Vương Miền Tây (HMT)…
HVG khó lấy lại vị thế “vua cá tra” ảnh 1 Chế biến cá tra tại HVG. 
Bên vực phá sản
Trong khi tham vọng bành trướng chưa để lại dấu ấn, HVG đã rơi vào tình cảnh nợ nần chồng chất do huy động vốn lớn cho các hoạt động thâu tóm doanh nghiệp, trong khi hiệu quả đầu tư không như mong đợi.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III niên độ 2017-2018 (từ ngày 1-10-2017 đến 30-9-2018) HVG bất ngờ báo lỗ ròng lũy kế từ đầu niên độ tới nay 347 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên trên 645 tỷ đồng. Kết quả này khiến kế hoạch lợi nhuận trước thuế 100 tỷ đồng trong niên độ tài chính 2017-2018 của HVG xem như thất bại hoàn toàn. Tính đến cuối quý III, tổng tài sản của HV chỉ còn 8.270 tỷ đồng (giảm hơn 40% so với đầu niên độ), nợ phải trả 6.158 tỷ đồng.
Trước đó, tại ĐHCĐ thường niên 2018, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT, cho biết HVG sẽ thanh lý tất cả lĩnh vực kinh doanh như nuôi heo, thức ăn chăn nuôi, nuôi tôm, bất động sản để tập trung vào lĩnh vực cốt lõi là cá tra. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh 3 quý gần đây lại cho thấy bức tranh kém sáng sủa của HVG trong lĩnh vực kinh doanh cốt lõi. Cụ thể, doanh thu xuất khẩu giảm từ 5.234 tỷ đồng xuống còn 2.682 tỷ đồng, doanh thu nội địa giảm từ 7.041 tỷ đồng xuống còn 3.761,8 tỷ đồng.
Không chỉ thua lỗ, HVG còn nhận được ý kiến của Kiểm toán viên liên quan đến việc chưa trích lập dự phòng cho khoản phải thu ngắn hạn khó đòi với số tiền 96,76 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân khiến Sở Giao dịch CK TPHCM (HOSE) tiếp tục giữ nguyên diện kiểm soát do lỗ đối với HVG.
Ngoài ra, HVG cũng đang nằm trong diện kiểm soát đặc biệt do vi phạm công bố thông tin theo Quyết định 188/QĐ-SGDHCM kể từ ngày 28-5. Đây chính là nguyên nhân khiến NĐT bán tháo và đẩy giá CP HVG liên tục phá đáy, và chạm mốc thấp nhất trong lịch sử giao dịch 2.280 đồng/CP trong phiên giao dịch ngày 5-7.

Kỳ vọng xuất khẩu 
Từ phiên giao dịch ngày 6-9, HVG bắt đầu bước vào đợt sóng tăng mạnh. Đến phiên giao dịch cuối tháng 9, HVG tăng lên mức 6.670 đồng/CP, ghi nhận mức tăng gấp 3 lần so với hồi tháng 7. Nguyên nhân đợt sóng tăng của HVG bắt nguồn từ đề xuất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ công nhận cá tra của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu sang quốc gia này. Ngoài ra, đợt sóng tăng của HVG còn được cộng hưởng bởi cơ hội mang lại từ cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc.
Theo giới phân tích, ngành thủy sản của Việt Nam, điển hình là sản phẩm cá da trơn, được đánh giá sẽ hưởng lợi lớn từ xung đột thương mại nếu như biết nắm bắt cơ hội. Cụ thể, trong gói đánh thuế của Tổng thống Donald Trump, các sản phẩm thủy sản nhập khẩu từ Trung Quốc đã bị áp mức thuế 10%. Năm 2017, cá rô phi Trung Quốc chiếm gần 45% tổng giá trị nhập khẩu cá thịt trắng của Hoa Kỳ, trong khi cá tra, basa chỉ chiếm gần 25%. 
Diễn biến này mở ra cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu cá thịt trắng sang Hoa Kỳ để giành giật thị phần sụt giảm từ cá rô phi của Trung Quốc. Về phía Trung Quốc, năm 2017 lần đầu tiên quốc gia này vượt Hoa Kỳ để trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất sản phẩm cá tra của Việt Nam.
Vì thế, dù các sản phẩm thủy sản Hoa Kỳ xuất khẩu vào Trung Quốc đang bị áp thuế trả đũa không phải là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như tôm hùm, ngao, cua... nhưng việc giá các mặt hàng này tăng lên do thuế có thể khiến người tiêu dùng Trung Quốc cân nhắc hơn trong việc lựa chọn các sản phẩm thay thế khác, trong đó có thể có cá tra của Việt Nam. 

Các tin khác