HT1 mất động lực tăng trưởng

(ĐTTCO) - Hoạt động sản xuất kinh doanh CTCP Xi măng Hà Tiên (HT1) mới được cải thiện kể từ năm 2014, sau nhiều năm không biết lãi. 
Thế nhưng, nỗ lực của doanh nghiệp có khả năng bị kéo lùi do thực hiện tái cơ cấu. Trong đó, HT1 phải “ôm” một doanh nghiệp đang làm ăn thua lỗ là CTCP Xi măng Hạ Long (HLCC).
Vừa qua khó khăn

HT1 là công ty thành viên trực thuộc Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) có thể tự sản xuất một phần clinker, hoàn thiện chuỗi giá trị. HT1 cũng là công ty số 1 tại thị trường miền Nam với 28% thị phần.
Mặc dù hưởng nhiều lợi thế so với các doanh nghiệp xi măng phía Bắc nhưng trong giai đoạn 2011-2013, HT1 rơi vào tình trạng u ám với lợi nhuận gần như bằng 0 do lãi suất ngân hàng tăng cộng với thị trường bất động sản đóng băng. Trước tình cảnh khốn khó này, cuối năm 2013, HT1 đã phải phát hành 120 triệu CP cho công ty mẹ là VICEM để trừ công nợ trị giá 1.200 tỷ đồng thành vốn góp.

Tuy nhiên, từ năm 2014, HT1 bắt đầu chuyển mình nhờ những chính sách cắt giảm chi phí lãi vay cùng với triển vọng thị trường xi măng thuận lợi hơn. Có thể điểm lại kết quả kinh doanh của HT1 từ năm 2014. Cụ thể, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế năm 2014 đạt lần lượt 6.758 tỷ đồng và 396 tỷ đồng; năm 2015 đạt lần lượt 7.608 tỷ đồng và 950 tỷ đồng; năm 2016 đạt lần lượt 8.237 tỷ đồng và 1.019 tỷ đồng.
Đặc biệt, lần đầu tiên sau nhiều năm, HT1 đã chi trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 20% cho năm 2015 và 10% cho năm 2016. Thế nhưng, tại ĐHCĐ thường niên được tổ chức tháng 4 vừa qua, cổ đông của HT1 đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2017 với doanh thu thuần ước đạt 10.116 tỷ đồng (tăng 22,81%), lợi nhuận trước thuế đạt 797 tỷ đồng (giảm 21,79%). 

Gánh thêm “cục nợ”

Việc HĐQT của HT1 bất ngờ trình kế hoạch lợi nhuận giảm mạnh trong năm 2017 xuất phát từ những khó khăn doanh nghiệp này đang đối mặt. Cụ thể, giữa năm 2016, HT1 nhận được sự chỉ đạo của công ty mẹ VICEM yêu cầu doanh nghiệp tham gia vào nỗ lực cơ cấu cho doanh nghiệp đang thua lỗ nặng là HLCC.
Đây là 1 trong 2 công ty đang gặp khó khăn VICEM được Chính phủ chỉ đạo tiếp quản. Trong ngắn hạn VICEM phải hỗ trợ vực dậy các công ty này, giúp tạo ra lợi nhuận để xóa đi những khoản lỗ lũy kế đang rất lớn và trả các khoản nợ tồn đọng, và cuối cùng HT1 sẽ mua lại những công ty này.
Với kế hoạch “giải cứu” này, HT1 phải hy sinh lợi ích của mình cho trạm nghiền của HLCC tại miền Nam (công suất 1,4 triệu tấn/năm), thông qua việc gia công sản phẩm và cho phép HLCC sử dụng hệ thống kênh phân phối để bán sản phẩm dưới thương hiệu của HT1. Do vậy, HT1 có nhiều khả năng sẽ ưu tiên cho việc nâng cao hiệu suất hoạt động của trạm nghiền này. Thậm chí HT1 còn phải trợ giúp HLCC cả trong việc bán sản phẩm.
HT1 mất động lực tăng trưởng ảnh 1
 Theo thống kê, tổng lỗ lũy kế của HLCC tính đến cuối năm 2014 là 2.637 tỷ đồng, tức trung bình mỗi năm HLCC lỗ 400-600 tỷ đổng. Nhờ vào sự giúp đỡ của VICEM (bắt đầu từ giữa năm 2016), công ty này đã tạo ra 70 tỷ đồng lợi nhuận cho cả năm 2016, sau khi lỗ 293 tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm.
Giả định từ năm 2017 trở đi lợi nhuận hàng năm sẽ đạt mức 500-600 tỷ đồng, dựa vào chia sẻ của ban lãnh đạo VICEM với kỳ vọng cơ chế hỗ trợ HLCC đang nhận sẽ kéo dài 5-6 năm tới để bù đắp lại các khoản lỗ lũy kế của công ty này.
Có thể nói, gánh nặng từ HLCC đã khiến HT1 gần như mất hẳn động lực tăng trưởng không chỉ trong năm 2017 mà còn kéo dài đến năm 2019. Điều này giải thích vì sao tăng trưởng doanh thu của HT1 trong quý I vừa qua ở mức thấp (tăng 8,8%) so với mức tăng trưởng về khối lượng 15%, trong khi giá xi măng vẫn giữ mức ổn định.
Ước tính biên lợi nhuận gộp của hoạt động gia công xi măng sau khi gánh thêm HLCC chỉ khoảng 4-5%, so với mức 19-21% cho dây chuyền sản xuất riêng của HT1. Gánh nặng HLCC cũng đã phản ánh vào giá CP của HT1. Từ mức giá hơn 37.000 đồng/CP thời điểm giữa năm 2016, đến nay HT1 giảm chỉ còn hơn 20.000 đồng/CP (tương đương với mức giảm lên đến 45%). 

Một yếu tố có thể tạo nên rủi ro cho HT1 chính là sự tăng giá của EUR/hoặc USD. Điều này nếu xảy ra có thể gây ra lỗ tỷ giá cho doanh nghiệp này. Hiện HT1 vẫn còn khoản nợ 33,6 triệu EUR và 21,8 triệu USD vào cuối năm 2016. Đó là chưa kể đến rủi ro về thị trường tiêu thụ.
Theo thống kê, thị trường xi măng Việt Nam đến năm 2025 vẫn trong tình trạng cung vượt cầu. Năm 2017, tổng cung dự kiến vượt cầu khoảng 22-25 triệu tấn, tương đương 25-27% tổng công suất của các nhà máy và trạm nghiền.

Các tin khác