HSG - Trả giá vì tham vọng?

Lãi suất, tỷ giá, nội bộ lình xình là những vấn đề gian nan mà CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đang gặp phải. Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT HSG, sẽ có giải pháp nào đưa công ty vượt qua khó khăn?

Lãi suất, tỷ giá, nội bộ lình xình là những vấn đề gian nan mà CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đang gặp phải. Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT HSG, sẽ có giải pháp nào đưa công ty vượt qua khó khăn?

Ngấm đòn tỷ giá, lãi suất

HSG chọn năm tài chính bắt đầu từ ngày 1-10 và kết thúc vào ngày 30-9. Với cách này, công ty có thể tránh được mùa cao điểm quyết toán vào quý I hàng năm. HSG công bố KQKD của công ty mẹ quý II niên độ tài chính 2010-2011 (từ ngày 1-1-2011 đến 31-3-2011) với doanh thu thuần hơn 2.860 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế hơn 2 tỷ đồng.

Những con số này khiến nhiều người ngạc nhiên bởi lẽ KQKD của nhiều DN trong ngành tôn, thép khác trong cùng giai đoạn này tương đối tốt.

 Việc HSG đầu tư máy móc, thiết bị đã làm tăng dư nợ vay. (Ảnh: Internet)

Việc HSG đầu tư máy móc, thiết bị đã làm tăng dư nợ vay.
(Ảnh: Internet
)

Theo lý giải từ phía HSG, sự giảm sút lợi nhuận bắt nguồn từ 2 nguyên nhân chính: Thứ nhất chi phí lãi vay tăng từ 30,3 tỷ đồng lên 67,9 tỷ đồng. Tháng 3-2010, Nhà máy Tôn Hoa Sen - Phú Mỹ đi vào hoạt động đã làm tăng dư nợ vay ngắn hạn tài trợ cho việc nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất.

Ngoài ra, việc công ty tiếp tục đầu tư máy móc thiết bị cho nhà máy đã làm tăng dư nợ vay trung và dài hạn. Lãi suất vay bình quân trong quý II niên độ tài chính 2010-2011 tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Thứ hai, chênh lệch tỷ giá tăng từ 51,3 tỷ đồng lên 124,9 tỷ đồng do NHNN đã điều chỉnh tỷ giá VNĐ/USD từ 18.932 đồng/USD lên 20.693 đồng/USD.

Trở lại với BCTC công ty mẹ HSG quý II niên độ tài chính 2010-2011, tổng tài sản của công ty đạt gần 5.300 tỷ đồng. Nhưng khoản mục nợ phải trả gần 3.660 tỷ đồng, xấp xỉ 70% tổng tài sản lại khiến không ít NĐT phải lo ngại. Đáng chú ý là hơn 2.430 tỷ đồng vay ngắn hạn và hơn 610 tỷ đồng vay dài hạn của ngân hàng.

Từ đầu niên độ tài chính 2010-2011 đến nay, cứ mỗi quý nợ dài hạn ngân hàng của HSG lại tăng thêm khoảng 100 tỷ đồng. Vay 600 tỷ đồng với lãi suất khoảng 16%/năm, mỗi tháng tiền trả lãi vào khoảng 8 tỷ đồng, lớn gấp 4 lần lợi nhuận trước thuế trong quý II của HSG.

Cộng 2 khoản mục vay ngắn hạn và vay dài hạn của HSG sẽ được con số hơn 3.000 tỷ đồng, tức gấp 3 lần vốn điều lệ của HSG. Cuối tuần qua, HSG đóng cửa tại mức hơn 1.3, mức giá bị cho “rẻ mạt” hiện nay, nhưng cũng không ai dám chắc đây đã là giá đáy khi nhìn vào những khoản nợ vay của công ty.

Tham vọng cũng dễ thất vọng

Việc ông Phạm Văn Trung được HĐQT HSG bổ nhiệm làm tổng giám đốc thay cho ông Lê Phước Vũ từ ngày 1-4 nhưng đã từ chức sau 18 ngày tại vị là một cú sốc thực sự không chỉ với cổ đông của công ty. Trước khi sự kiện liên quan đến ông Phạm Văn Trung diễn ra, đã xuất hiện hàng loạt tin đồn liên quan đến chính ông Lê Phước Vũ mà cụ thể là tin ông bán luôn cả HSG và tin chào bán nhà máy sản xuất tôn của mình cho một số đơn vị trong lẫn ngoài nước nhưng không ai thèm mua.

Ông Lê Phước Vũ khởi nghiệp kinh doanh từ một cơ sở bán lẻ tôn vào năm 1994, sau 7 năm ngắn ngủi đã lập ra Công ty Hoa Sen. Từ đó đến nay HSG đã trở thành một đơn vị hàng đầu trong ngành tôn, thép và hướng đến tập đoàn đa ngành. Chỉ trong 10 năm, vốn điều lệ của HSG đã tăng hơn 33 lần, từ 30 tỷ đồng lên 1.008 tỷ đồng. Những người đã từng biết, từng nói chuyện với ông Vũ đều rất khâm phục ý chí, bản lĩnh và đặc biệt là tham vọng trong kinh doanh.

Nói vậy để thấy rằng việc ông bán đi cơ ngơi, tâm huyết của mình là điều khó xảy ra. Nhưng thẳng thắn nhìn nhận, tham vọng là điều tốt nhưng không phải không có mặt trái. Bao nhiêu lãnh đạo doanh nghiệp đang phải trả giá vì tham vọng đa ngành, đa nghề. Mong muốn là một chuyện, nhưng có đủ sức làm hay không lại là chuyện khác.  Ngoài sản xuất kinh doanh tôn, thép, HSG còn đang theo đuổi thêm ngành vật liệu xây dựng, bất động sản, cảng và logistics.

Trong ngành vật liệu xây dựng, HSG hiện có 12 dây chuyền sản xuất ống nhựa uPVC, công suất 30.000 tấn/năm. Những người ủng hộ HSG cho rằng đây là chiến lược hợp lý của HSG nhằm tạo ra quy trình cung cấp sản phẩm khép kín, từ tôn đến nhựa, vả lại HSG cũng có hệ thống phân khối mạnh nên có thể tận dụng tốt.

Nhưng ý kiến phản bác cho rằng việc đầu tư cho ngành nhựa của HSG không khác nào lấy trứng chọi đá vì 2 ông lớn là Nhựa Bình Minh và Nhựa Tiền Phong đang chi phối thị phần tại miền Nam và miền Bắc. Cũng cần nói thêm về hệ thống phân phối của HSG với 93 chi nhánh mục đích đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Đây là một chiến lược hay vì giúp cho công ty có được quy trình sản xuất kinh doanh khép kín, từ đầu vào đến đầu ra.

HSG công bố chiếm 33,7% thị phần tôn mạ trong năm 2010. Nhưng theo các chuyên gia tài chính, khi đơn vị sản xuất “kham” luôn cả hệ thống phân phối sẽ dẫn đến việc gia tăng chi phí như nhà xưởng, đất đai, nhân sự…, nếu không kiểm soát chặt sẽ dẫn đến tác dụng ngược. Đối với lĩnh vực cảng biển và bất động sản, có lẽ không cần phải nói nhiều trong giai đoạn này vì đây là những ngành ngốn rất nhiều tiền của, vốn liếng trong khi đây lại là giai đoạn khó khăn.

 "Ghế nóng" tổng giám đốc

Theo như HSG công bố, công ty chiếm 33,7% thị phần tôn mạ trong năm 2010 (năm 2009 là 28,6%). Tức là về đầu ra, công ty vẫn khá ổn, nhưng 2 khúc mắc lớn nhất hiện nay chính là vấn đề nhân sự và tài chính. Mới đây, HSG đã bổ nhiệm ông Trần Ngọc Chu, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc lên làm tổng giám đốc công ty và là người đại diện theo pháp luật.

Nhiều người suy đoán việc ông Chu có hơn 25 kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, kế toán, thuế, lên ngồi "ghế nóng" tại HSG là để giải quyết những vấn đề liên quan đến nợ vay của công ty. Tháng 6 tới đây, HSG sẽ tổ chức ĐHCĐ bất thường để đề xuất thông qua việc sửa đổi tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật thành chủ tịch HĐQT là người đại diện theo pháp luật và giảm số lượng thành viên HĐQT từ 7 thành viên xuống còn 5.

Nhiều người “độc miệng” cho rằng, việc phải đổi người đại diện theo pháp luật từ tổng giám đốc sang chủ tịch HĐQT để còn có người “dám” làm tổng giám đốc của HSG nếu cứ giữ như điều lệ cũ sẽ chẳng ai dám ngồi lên “ghế nóng”.

Khả năng HSG có vượt khó hay không sẽ được minh chứng trong KQKD quý III và quý IV (từ 1-4 đến 30-9). Thiết nghĩ, công ty nào cũng phải có giai đoạn khó khăn, nếu vượt qua được uy tín sẽ tiếp tục được củng cố, bản lĩnh và tầm vóc cũng được nâng lên.

Lãnh đạo doanh nghiệp cần phải thể hiện mình không chỉ trong thời điểm thuận lợi mà còn phải trở thành đầu tàu để kéo doanh nghiệp đi lên lúc khó khăn. HSG được đánh giá cao trong việc công bố thông tin đối với NĐT rất mau mắn, sốt sắng, như vậy NĐT đang kỳ vọng sẽ được chứng kiến từng bước vượt khó của công ty.

Các tin khác