HSC dựng trần vì nghi án M&A?

(ĐTTCO) - Những ngày gần đây, mã HCM (CTCK TPHCM-HSC) là một trong những CP tăng mạnh nhất thị trường. 
Chưa đầy 1 tháng trước, giá của HCM chỉ hơn 30.000 đồng/CP nhưng đến cuối tuần rồi sau 1 phiên tăng kịch trần, HCM đã đạt 39.350 đồng/CP. Khi CP dựng trần, ngoài những thông tin cơ bản cũng kèm theo những tin đồn, những suy đoán chưa kiểm chứng, với riêng HSC đó là khả năng mua bán, sáp nhập (M&A).
Lấy lại vị trí số 1?

 Tin đồn hay khả năng HSC có một thương vụ M&A vẫn chỉ là tin đồn còn để ngỏ, chưa có gì kiểm chứng. Nhưng ít nhất nó cũng cho thấy được ngành CK đã trỗi dậy thực sự. Nhiều năm rồi, chẳng bao giờ nghe đến khả năng M&A của các CTCK, kể cả những thương vụ sang nhượng giấy phép. Giờ đây lại hé lộ khả năng M&A tại một CTCK thuộc hàng lớn nhất thị trường cũng đáng để chờ đợi và kỳ vọng.
Thực ra, tin đồn liên quan đến M&A của HSC đã xuất hiện trên thị trường từ khá lâu, nhưng chỉ ở mức độ loáng thoáng, nghe rồi để đó và khả năng đi đến đâu chưa rõ ràng và bây giờ cũng vậy. Nhưng không có lửa làm sao có khói, bởi nói đến M&A, HSC cũng ít nhiều có liên quan. 5 năm trước, khi quyết định thu hẹp dịch vụ môi giới CK, CTCK Chợ Lớn (CLSC) đã quyết định chọn HSC làm đối tác. Theo đó, CLSC đã “sang nhượng” khách hàng của mình cho HSC và HSC cũng đảm bảo quyền lợi cho các khách hàng này ở mức tốt nhất. 

Trong đội ngũ lãnh đạo của HSC hiện nay có ông Phạm Công Thiện là Phó Tổng giám đốc, người đã từng làm Tổng giám đốc CLSC giai đoạn 2007-2008. Vậy nên, nếu có lập luận HSC đã từng có một thương vụ M&A thị phần nhẹ nhàng như đã từng làm với CLSC, thì lịch sử có lặp lại một lần nữa ở tầm mức cao hơn cũng hoàn toàn có thể xảy ra. 

Nhìn vào quy mô cũng như hoạt động của HSC thời gian qua cũng có thể gợi mở về khả năng M&A nếu có cơ hội. Sau một giai đoạn vươn lên dẫn đầu về thị phần, HSC đã bị SSI vượt mặt và phải lui xuống vị trí thứ 2. Vấn đề là khoảng cách giữa SSI và HSC ngày càng rộng, tức khả năng quay trở lại vị trí dẫn đầu của HSC rất gian nan.
Cụ thể, thị phần của SSI (dẫn đầu) trong quý I-2017 tại HOSE đạt 14,12%, trong khi HSC (á quân) chỉ 10,59%, tức thị phần của SSI nhiều hơn HSC đến hơn 33%, một mức chênh lệch khá lớn. Trong trường hợp HSC từ các vị trí bên dưới vươn lên được vị trí thứ 2 mức chênh lệch này không đáng nói, nhưng do HSC từng dẫn đầu để rồi bị vượt qua và dần bị bỏ cách, rõ ràng cảm giác rất nặng nề.  Xét về động lực tăng trưởng, chắc chắn HSC không thể cam phận làm “bác Hai” mãi được. Và đương nhiên, trong rất nhiều giải pháp có thể được tính đến để gia tăng cho sức mạnh của mình, M&A hoàn toàn có thể là một lựa chọn hợp lý. Việc M&A sẽ đẩy sức mạnh của HSC gia tăng nhanh chóng, thị phần cũng tăng nhanh hơn là việc tự thân đầu tư, vì mất rất nhiều thời gian nhưng chưa chắc đuổi kịp đối thủ. 
HSC dựng trần vì nghi án M&A? ảnh 1 Khả năng HSC có một thương vụ M&A vẫn chỉ là tin đồn còn để ngỏ. 
Vẫn còn nhiều thách thức
Tuy nhiên, thách thức đặt ra là khoảng cách của HSC với những CTCK còn lại cũng tương đối lớn, khi các đối thủ khác trong top 5 chiếm khoảng 7% thị phần, nhóm các CTCK xếp từ thứ 5 đến thứ 10 có thị phần trung bình chỉ tầm 4-5%. Những con số này chỉ ra rằng dù muốn tăng thị phần, HSC cũng rất khó tìm được CTCK phù hợp, vì với những CTCK ngoài top 10 thị phần sẽ không đáng kể, còn với những CTCK trong top 10 sẽ khó có đối tác chịu “bán mình”.
Bản thân các CTCK còn tồn tại được đến nay hầu như đã sống được, khi thị trường thuận lợi lại có thêm cơ hội phát triển, nếu đã nằm trong top lại càng có nhiều khả năng huy động vốn. 

Nhưng nói gì thì nói, việc M&A cũng giống như một thương vụ, bên bán sẽ chấp nhận bên mua nếu có một lời đề nghị được giá, “cái gì không mua được bằng tiền sẽ mua được bằng rất nhiều tiền”. Và nhìn ở góc độ này, còn một khả năng khác cùng với mục đích khác liên quan đến chuyện M&A của HSC. HSC là một CTCK lớn và mạnh, nhưng trong thực tế lại chưa mạnh toàn diện, điều này có thể thấy rất rõ ở 2 mảng không được như kỳ vọng của NĐT là tự doanh và tư vấn.
Trong một chừng mực nào đó, việc rụt rè với tự doanh đã giúp HSC vững vàng trong một giai đoạn để tận dụng cơ hội xây dựng vị thế như hiện nay. Tuy nhiên, cũng có lý do để đặt ra câu hỏi tại sao cùng đẳng cấp với nhau nhưng HSC không thể dự doanh rồi tách bạch hoạt động này ra một đơn vị theo kiểu SSI đã làm với SSIAM. 

Củng cố sức mạnh toàn diện?

Riêng trong mảng tư vấn, nhiều năm nay, NĐT thường thấy những thương vụ tư vấn cổ phần hóa, tư vấn niêm yết đình đám nhất thuộc về các đối thủ của HSC nhiều hơn là CTCK này. Mảng tư vấn đòi hỏi quá trình tích lũy trình độ nghiệp vụ, quan hệ rất lâu dài, nghĩa là dù có đầu tư tiền tấn hay tiền tỷ cũng không thể nhanh được.
Như vậy, nếu có khả năng HSC tiến hành M&A không vì mục tiêu thị phần mà gia tăng sức mạnh ở những lĩnh vực khác đồng thời có một CTCK khác cũng đồng ý, thì thương vụ M&A này có thể tạo ra một CTCK có sức mạnh toàn diện. Tất nhiên phía CTCK còn lại cũng phải có mục tiêu M&A và mạnh hơn HSC ở một số mảng. 

Ngoài những khả năng nói trên, việc HSC là một CTCK lớn, có thương hiệu trên thị trường nên việc lọt vào tầm ngắm của một định chế tài chính lớn cũng có khả năng xảy ra. Khả năng này được củng cố hơn khi HSC tiến hành mở room ngoại lên 100%, nhưng đâu chỉ có mình HSC mở room.
CK Việt Nam đã tăng trưởng khả quan trở lại nên sự chú ý của vốn ngoại vào ngành này cũng sẽ tăng dần lên, đặt trong bối cảnh hiện nay các CTCK lớn đều “có số, có phần” việc một tên tuổi mới xuất hiện, thành lập công ty từ đầu, hay mua CTCK yếu để phát triển mạnh lên đều khá mông lung.
Vậy nên, việc tìm mua cổ phần (tùy mức độ) của một CTCK xem chừng cũng là một giải pháp khả thi và người ta cũng nghe loáng thoáng thông tin một định chế lớn chú ý đến HSC. 

Các tin khác