Họ Gia Lai tương lai bất định - Bài 2: QCG - DLG cùng lao dốc

(ĐTTCO) - Đưa CP lên sàn với mục tiêu huy động vốn trên TTCK để hiện thực hóa tham vọng trở thành doanh nghiệp đầu ngành, nhưng đến thời điểm hiện tại, CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) và CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG), đang giao dịch ở mức giá thấp không tưởng.

QCG: Mập mờ thông tin
Giữa năm 2017, QCG bất ngờ có đợt sóng tăng mạnh từ mức giá hơn 6.000 đồng/CP lên chạm mốc 31.000 đồng/CP trong phiên giao dịch ngày 29-6. Đợt sóng tăng này xuất phát từ tin đồn doanh nghiệp đạt được thỏa thuận chuyển nhượng 100% dự án khu dân cư Phước Kiển cho Sunny Island.
 Dự án Phước Kiển được QCG triển khai thực hiện từ năm 2010, với tổng diện tích quy hoạch lên tới hơn 91ha tại huyện Nhà Bè (TPHCM). Đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn chưa hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng.
Theo đó, đối tác này đã tạm ứng cho QCG 50 triệu USD vào cuối quý I-2017, giúp tất toán khoản nợ trị giá 1.352 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Theo giới phân tích, thương vụ Phước Kiển ngoài việc giúp QCG ghi nhận khoản đột biến lớn về lợi nhuận, còn giúp doanh nghiệp cải thiện tiềm lực tài chính. Cơ cấu tài chính cân bằng sẽ là nền tảng thúc đẩy hoạt động kinh doanh của QCG trong thời gian tới. 
Thế nhưng, tại ĐHCĐ thường niên 2017 được tổ chức đầu tháng 7, bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT QCG, cho biết dự án vẫn đang vướng ở khâu đền bù, giải tỏa. Cụ thể, ở thời điểm đó, dự án Phước Kiển đã tiến hành đền bù được 92% tổng diện tích, 8% diện tích còn lại đang vướng bởi 2 vấn đề: 4% là đất bờ đê (đất công) và 4% là đất của dân.
Theo thống kê, hơn 70% hộ dân mua bán bằng giấy tờ sang tay, nên QCG gặp nhiều khó khăn trong đền bù do người dân đòi giá quá cao. Thông tin này khiến NĐT đang nắm giữ CP QCG nháo nhào bán ra, đã khiến mã CP này có chuỗi lao dốc xuống mốc 15.600 đồng/CP trong phiên ngày 18-8. Điều đáng nói, trước ngày tổ chức ĐHCĐ, khi QCG đang giao dịch ở mức xấp xỉ 30.000 đồng/CP, vẫn có CTCK khuyến nghị NĐT nên mua mạnh QCG.
Họ Gia Lai tương lai bất định - Bài 2: QCG - DLG cùng lao dốc ảnh 1
Trong khi dự án Phước Kiển vẫn chưa có những thông tin rõ ràng, mới đây giới đầu tư lại đón nhận tin doanh nghiệp này ém nhẹm thông tin về 14 giao dịch có giá trị lên đến 3.400 tỷ đồng (giai đoạn 2013-2017). Đơn cử, các giao dịch nhận chuyển nhượng 24,75% cổ phần tại CTCP Quốc Cường Liên Á (năm 2013); nhận chuyển nhượng 50% vốn góp tại CTCP Du lịch Hoàng Cường (2014); chuyển nhượng 5,5% vốn góp tại Công ty TNHH Phú Việt Tín cho bà Lại Thị Hoàng Yến (năm 2014); nhận chuyển nhượng 39% vốn tại Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng (năm 2016); nhận chuyển nhượng 99,8% vốn tại Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Sông Mã (năm 2017); nhận chuyển nhượng cổ phần tại Công ty TNHH Sparkle Value Homes (năm 2017)... 
Việc vi phạm công bố thông tin trên, QCG còn nhận được quyết định nhắc nhở vi phạm trên toàn thị trường, CP QCG bị bán ra mạnh và rơi xuống dưới mốc 4.000 đồng trong phiên giao dịch ngày 3-1 vừa qua. Đây là mức giá thấp nhất trong lịch sử giao dịch, cho thấy sự tụt giảm thê thảm về niềm tin của cổ đông với QCG.

DLG: Sử dụng vốn tràn lan
Chốt phiên giao dịch ngày 21-1, DLG giảm xuống còn 1.400 đồng/CP. Mức giá này khiến nhiều người không khỏi giật mình khi CP này chào sàn HOSE (năm 2010) với giá tham chiếu 25.000 đồng/CP. Mức giá trên ngoài việc phản ánh tình trạng kinh doanh không hiệu quả, còn xuất phát từ thông tin liên quan đến công ty con của tập đoàn này là CTCP Đầu tư xây dựng Vạn Gia Long. 
Họ Gia Lai tương lai bất định - Bài 2: QCG - DLG cùng lao dốc ảnh 2 Là doanh nghiệp có thế mạnh về thủy điện, lâm sản, kinh doanh bến xe, bất động sản, du lịch, nhưng kết quả kinh doanh của DLG trong 9 tháng năm 2018 lại đến từ mảng linh kiện điện tử (chiếm 67% nguồn thu). 
Mới đây, Văn phòng UBND TPHCM có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến, kết luận cuộc họp giải quyết về kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật tại dự án Trung tâm thương mại căn hộ cao cấp Dragon Court phường Tân Thuận Tây (quận 7), do Vạn Gia Long làm chủ đầu tư.
Theo văn bản, UBND TPHCM đề nghị giao Thanh tra TP chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc có liên quan đến dự án sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM, để điều tra hoặc làm rõ trách nhiệm trước pháp luật của các tổ chức, cá nhân có liên quan qua các thời kỳ.
Dù chưa có kết quả điều tra, nhưng quyết định này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đầu tư của Vạn Gia Long, đồng thời liên quan đến DLG khi tập đoàn này hiện có hàng trăm tỷ đồng giao dịch liên quan tới Vạn Gia Long. Theo báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý III-2018, DLG có khoản phải thu lên đến hàng trăm tỷ đồng đối với Vạn Gia Long. Đây là khoản góp vốn của DLG cùng Vạn Gia Long để thực hiện dự án theo hợp đồng ký kết vào ngày 10-5-2016.
Thời gian hợp tác 3 năm và lợi nhuận được phân chia theo tỷ lệ vốn đầu tư của các bên. Bên cạnh đó, trong khoản mục phải thu ngắn hạn của khách hàng, DLG cũng có khoản phải thu khác với Vạn Gia Long, nâng tổng các khoản phải thu cả ngắn hạn và dài hạn từ Vạn Gia Long hơn 333 tỷ đồng. Ngoài Vạn Gia Long, DLG còn có các khoản mục phải thu về cho vay ngắn hạn 1.318 tỷ đồng (chiếm 34% tài sản ngắn hạn), trong đó nhiều cá nhân đã vay trên 440 tỷ đồng (chiếm 11% tài sản ngắn hạn). 
Trước tình trạng lao dốc của CP, cuối tháng 12-2018, Tổng giám đốc Nguyễn Trung Kiên đã đăng ký mua vào 10 triệu CP. Thế nhưng hết thời gian đăng ký ông Kiên chỉ mua vào 340.000 CP, với lý do không thu xếp được tài chính.
Là lãnh đạo tập đoàn lớn nhưng lại không thể thu xếp được tài chính cho kế hoạch đã được dự trù từ lâu, phần nào lý giải cho những hoạt động tài chính bừa bãi, thậm chí có phần nghịch lý khi doanh nghiệp đang nợ ngân hàng nhưng vẫn mang tiền đi cho vay. Việc đầu tư và sử dụng vốn tràn lan chính là nguyên nhân khiến DLG rơi vào tình cảnh khó khăn. Theo BCTC quý III-2018, lũy kế 9 tháng, DLG ghi nhận doanh thu 2.113 tỷ đồng (tăng nhẹ so với cùng kỳ). Tuy nhiên, do chi phí lãi vay lớn (244 tỷ đồng), nên lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 33,5 tỷ đồng (giảm 50% so với cùng kỳ).

Các tin khác