HNG có quá tự tin?

(ĐTTCO) - Sau nhiều lần trì hoãn, CTCP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) đã chính thức công bố Báo cáo thường niên 2016 giúp NĐT có thể tìm hiểu thông tin về doanh nghiệp trước ngày tổ chức ĐHCĐ. 
Thế nhưng, NĐT không khỏi bất ngờ với tham vọng thu về hàng ngàn tỷ đồng từ các mặt hàng nông sản.
Lỗ ngàn tỷ nhưng… thành công

 Chắc hẳn nhiều NĐT còn nhớ phát biểu đầy tự tin của ông Đức cách đây vài năm khi lần đầu tiên nhảy vào lĩnh vực bò: “Chỉ cần bán phân bò, mỗi ngày chúng tôi có thể thu về 1 tỷ đồng”. Kết quả là HNG đã suýt phá sản vì tham vọng này.
Trong mục thông điệp của HĐQT, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT của HNG, thừa nhận kết quả kinh doanh năm 2016 của doanh nghiệp chưa đạt được theo kế hoạch đề ra, với khoản lỗ trên báo cáo tài chính hợp nhất 1.020 tỷ đồng. Nguyên nhân gây ra khoản lỗ do chi phí tài chính vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu chi phí, biên lợi nhuận của ngành bò đã giảm.
Đặc biệt, trong năm 2016, HNG đã tiến hành đánh giá lại giá trị một số tài sản. Bên cạnh đó, giá cao su mặc dù có dấu hiệu phục hồi từ mức 1.100USD/tấn trong năm 2015 lên đến 2.200USD/tấn nhưng việc tăng giá chỉ diễn ra vào các tháng cuối năm 2016. Vì vậy, trong niên vụ 2016 (bắt đầu từ tháng 5) HNG vẫn đang hạn chế mở rộng diện tích cạo mủ. Do sản lượng mủ thu hoạch chưa nhiều nên doanh thu từ cao su trong năm vẫn ở mức khiêm tốn.

Mặc dù thua lỗ hơn 1.000 tỷ đồng trong năm vừa qua nhưng ông Đức lại nhìn nhận ở một khía cạnh tích cực HNG đạt được nhiều kết quả khả quan khác. Cụ thể, HNG đã thực hiện cơ cấu lại các khoản nợ để phù hợp với dòng tiền thu được từ các dự án. Song song đó, HNG cũng đã hoàn thành việc tái cơ cấu các khoản nợ vay và trái phiếu với các tổ chức tín dụng.
Theo ông Đức, việc tái cơ cấu bao gồm việc gia hạn thời gian trả nợ gốc đối với dư nợ tín dụng và trái phiếu từ 4-10 năm; gia hạn thời gian trả nợ lãi thêm từ 1-3 năm; giảm lãi suất, lãi phạt. Với kết quả này, từ trạng thái tài chính dễ dàng đổ vỡ do mất khả năng thanh khoản do số tiền lãi và gốc đến hạn quá lớn, khả năng thanh khoản đã dần được cải thiện, rủi ro tài chính được kiểm soát chặt chẽ hơn.
Việc xin gia hạn thành công các khoản nợ vay đã không những giúp cho HNG giảm bớt được gánh nặng về dòng tiền trả nợ và quan trọng hơn là có quỹ thời gian tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh và quản lý khối tài sản to lớn để tăng doanh thu, mang lại dòng tiền.

Ngoài tái cơ cấu nợ, HNG đã triển khai đề án tái cấu trúc tổng thể giai đoạn 2016-2026. Chi tiết về đề án tái cấu trúc đã được trình bày trong ĐHCĐ thường niên 2016. Phạm vi tái cấu trúc tổng thể từ việc hoạch định chiến lược đến tái cấu trúc về công tác tổ chức, công tác quản trị và tài chính, trong đó có việc chuyển nhượng và thanh lý tài sản để giảm nợ vay.
Một trong những hoạt động tái cấu trúc quan trọng của HNG là bán cổ phần trong CTCP Mía đường Hoàng Anh Gia Lai và Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Attapeu. Việc chuyển nhượng này sẽ làm giảm nợ vay của HAGL Agrico.
HNG có quá tự tin? ảnh 1 Sau khó khăn ở mảng bò và cao su, Hoàng Anh Gia Lai đang kỳ vọng vào trái thanh long.
Ảnh: LONG THANH 
“Lột xác” nhờ trái cây? 
Về định hướng năm 2017, ông Đức cho biết sẽ cố gắng nâng cao năng lực tư duy, quản lý và lãnh đạo để tiếp tục đưa doanh nghiệp vượt qua được giai đoạn khó khăn. Theo đó, HNG vẫn tiếp tục thực hiện đề án tái cấu trúc tổng thể trên cơ sở đề cao sự an toàn trong hoạt động đầu tư và kinh doanh.
Về hoạt động kinh doanh, HNG vẫn sẽ tập trung vào các ngành nghề cốt lõi như chăn nuôi bò, thu hoạch mủ cao su, cọ dầu. Song song đó, HNG tiếp tục tận dụng những lợi thế về đất đai và hạ tầng cho nông nghiệp để trồng cây ăn quả có nguồn gốc từ Việt Nam, Lào và Campuchia để xuất khẩu. Dự kiến trong năm 2017, HNG sẽ có được nguồn thu khả quan từ thanh long, chuối và chanh dây.

Theo thông tin trong Báo cáo thường niên, HNG tham gia vào dự án trồng chanh dây từ đầu năm 2016. Ngoài ra, HNG còn tận dụng quỹ đất dôi dư tại Việt Nam, Lào và Campuchia để trồng thanh long, chuối và hơn 10 loại cây ăn quả khác. Chẳng hạn, vườn cây chanh dây được trồng và thu hoạch theo tiêu chuẩn Global GAP nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, chất lượng cao, có thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Kế hoạch năm 2017 của HNG thu hoạch 56.250 tấn chanh dây (doanh thu 1.050 tỷ đồng), thu hoạch 17.000 tấn thanh long (doanh thu 680 tỷ đồng) và thu hoạch 50.000 tấn chuối (doanh thu 843 tỷ đồng). Như vậy, tổng cộng doanh thu từ cây ăn quả HNG kỳ vọng 2.573 tỷ đồng.
Dù có kế hoạch và tham vọng lớn trong lĩnh vực trồng cây ăn quả nhưng lĩnh vực cốt lõi HNG xác định vẫn là chăn nuôi bò, cao su và cọ dầu. Theo đó, kế hoạch 2017 đặt ra với việc bán 40.000 con bò (doanh thu 1.240 tỷ đồng), thu hoạch 18.000 tấn mủ cao su (doanh thu 745 tỷ đồng).

Có thể nói, việc lãnh đạo doanh nghiệp tự tin với chiến lược kinh doanh chính là yếu tố quan trọng tạo nên sự vững tâm cho các cổ đông. Thế nhưng, nhiều cổ đông lại tỏ ra nghi ngờ về kế hoạch đầy tham vọng lãnh đạo doanh nghiệp này đưa ra.
Lãnh đạo doanh nghiệp có thể tin về sản lượng thu hoạch nhưng trong bối cảnh các mặt hàng nông sản vẫn chưa thoát khỏi quy luật “được mùa mất giá” và luôn trong tình trạng chờ “giải cứu” liệu có khả năng thu về khoản tiền hàng ngàn tỷ đồng? 

Các tin khác