Hiu hắt Điện Quang

(ĐTTCO) - CTCP Bóng đèn Điện Quang (DQC) đang chịu sức ép lớn trước nghi vấn có tiêu cực trong quá trình cổ phần hóa liên quan đến nguyên chủ tịch HĐQT trước đây. Thêm vào đó, dấu hiệu đi xuống về hiệu quả kinh doanh đã tạo nên sức ép giảm giá đối với DQC trong thời gian gần đây.

(ĐTTCO) - CTCP Bóng đèn Điện Quang (DQC) đang chịu sức ép lớn trước nghi vấn có tiêu cực trong quá trình cổ phần hóa liên quan đến nguyên chủ tịch HĐQT trước đây. Thêm vào đó, dấu hiệu đi xuống về hiệu quả kinh doanh đã tạo nên sức ép giảm giá đối với DQC trong thời gian gần đây.

Ma trận sở hữu

DQC thường xuyên vi phạm hoặc chậm trễ trong việc công bố thông tin trên sàn HOSE. Cụ thể, năm 2016 DQC 2 lần xin gia hạn nộp BCTC bán niên và cả năm; nhiều cổ đông nội bộ giao dịch không đúng với số lượng CP đăng ký; chậm thay đổi số CP có quyền biểu quyết đang lưu hành.

Thương hiệu Điện Quang ra đời năm 1979 với tên gọi Nhà máy Bóng đèn Điện Quang. Năm 1993 Công ty Bóng đèn Điện Quang được thành lập theo Quyết định 236/CNN - TCLĐ ngày 24-3-1993 của Bộ Công nghiệp nhẹ (nay là Bộ Công Thương). Đây cũng là giai đoạn DQC tiến hành đầu tư để khép kín quy trình sản xuất, chủ động nguồn nguyên vật liệu và giảm giá thành phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Năm 2005, DQC chuyển sang hoạt động dưới hình thức CTCP với vốn điều lệ đăng ký lần đầu 23,5 tỷ đồng. Năm 2007, DQC tăng vốn điều lệ lên 157,17 tỷ đồng thông qua việc chi trả cổ tức bằng CP và phát hành thêm CP.

Như vậy, chỉ trong khoảng 2 năm sau cổ phần hóa, DQC đã tăng vốn lên hơn 6 lần chủ yếu qua chi trả cổ tức bằng CP cho cổ đông hiện hữu. Ngoài ra, DQC cũng tăng vốn thông qua phát hành thêm CP, nhưng số lượng không lớn. Giá trị sổ sách của DQC trong 2 năm cũng tăng từ mức 11.694 đồng/CP năm 2005 lên 43.673 đồng/CP năm 2007.

Tháng 2-2008, CP DQC niêm yết trên Sở Giao dịch CK TPHCM (HOSE) với giá 290.000 đồng/CP. Theo bản cáo bạch niêm yết của DQC, tại thời điểm tháng 11-2007, bà Hồ Thị Kim Thoa (lúc đó là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc) cùng 3 thành viên trong gia đình gồm bà Trần Thị Xuân Mỹ (mẹ), ông Hồ Quỳnh Hưng (em trai) và bà Nguyễn Thái Nga (con gái lớn) đang nắm giữ khoảng 2,12 triệu CP DQC (tương đương tỷ lệ sở hữu 13,5%).

Đến tháng 1-2013, báo cáo quản trị năm 2012 của DQC cho biết tổng lượng CP DQC 4 người này đạt hơn 5,4 triệu vào thời điểm cuối năm 2012 (tương đương 22,3% vốn điều lệ). Cũng trong năm 2012, thêm 1 thành viên khác của gia đình là bà Nguyễn Thái Quỳnh Lê (con gái) có tên trong danh sách cổ đông của DQC và CTCP Đầu tư thương mại Điện Quang. Tại doanh nghiệp này, ông Hồ Quỳnh Hưng và bà Trần Thị Xuân Mỹ đang sở hữu 35,86% vốn.

Như vậy, nếu tính thêm lượng CP của Nguyễn Thái Quỳnh Lê và lượng CP DQC trong CTCP Đầu tư thương mại Điện Quang phân bổ cho ông Hồ Quỳnh Hưng và bà Trần Thị Xuân Mỹ, tỷ lệ sở hữu đại gia đình bà Thoa nắm giữ 28,4% vốn DQC vào năm 2012 và 29% vào năm 2013. Nếu tính thêm ông Hồ Đức Dũng (cháu ruột), gia đình bà Thoa sở hữu khoảng 33,3% DQC vào cuối năm 2013.

Giai đoạn 2014-2016, tỷ lệ sở hữu của gia đình bà Thoa tại DQC tiếp tục gia tăng đáng kể sau các giao dịch mua vào và hưởng cổ tức bằng CP. Đến cuối năm 2016, số lượng CP của 6 cá nhân và 1 tổ chức liên quan, gia đình bà Thoa sở hữu hơn 14,22 triệu DQC (tương đương 41,4% vốn điều lệ).

Theo thống kê, với mức giá tham chiếu của DQC trong phiên giao dịch hôm qua (1-3) là 54.500 đồng/CP, tổng giá trị CP của gia đình bà Thoa tại DQC lên đến 775 tỷ đồng. Đó là chưa tính đến lượng tiền mặt từ cổ tức gia đình bà Thoa nhận được từ DQC trong những năm gần đây. Đơn cử, cuối năm 2016, DQC thanh toán cổ tức tiền mặt đợt 1-2016 với tỷ lệ 15%. Với 14,22 triệu cổ phần tại DQC, gia đình bà Thoa đã thu về hơn 21,3 tỷ đồng.

Từ giữa năm 2016 đến nay, DQC sụt giảm gần 40%.

Từ giữa năm 2016 đến nay, DQC sụt giảm gần 40%.

Xuất khẩu gặp khó

Với mức giá 54.500 đồng/CP, tính từ thời điểm đầu năm 2017 đến nay DQC bị sụt giảm khoảng 15%. Nếu so với mức giá tại thời điểm giữa năm 2016 lên đến 90.000 đồng/CP, DQC sụt giảm gần 40%. Trong khi giá DQC trong tình trạng hiu hắt, đối thủ cạnh tranh trực tiếp là CTCP Bóng đèn và Phích nước Rạng Đông (RAL) lại gia tăng mạnh.

Cụ thể, tại thời điểm giữa năm 2016, RAL cũng có đợt tăng mạnh từ mức dưới 70.000 đồng/CP lên hơn 100.000 đồng/CP. Nếu tính từ thời điểm đầu năm 2016 đến nay RAL đã ghi nhận mức tăng lên đến 100%.

Có thể nói, việc DQC đi xuống ngoài yếu tố NĐT nghi vấn có sự trục lợi trong việc nắm giữ cổ phần của gia đình bà Thoa, còn xuất phát từ kết quả kinh doanh không mấy khả quan của doanh nghiệp. Theo BCTC quý IV-2016, doanh thu thuần hợp nhất quý IV của DQC đạt 319,3 tỷ đồng (giảm 32%), tương tự lợi nhuận sau thuế cũng giảm 23,3% (đạt 49,3 tỷ đồng).

Theo ông Hồ Quỳnh Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, nguyên nhân do doanh thu xuất khẩu giảm, kéo lợi nhuận giảm theo. Thực tế, DQC đang gặp rất nhiều khó khăn ở thị trường nước ngoài do vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ các sản phẩm cùng loại của Trung Quốc, nhất là khi họ bán phá giá các sản phẩm bóng đèn truyền thống vì tình trạng dư cung tại nước này.

Trong khi đó, các sản phẩm LED của DQC còn kém cạnh tranh trên thị trường thế giới cả về giá thành lẫn thiết kế, cũng góp phần khiến doanh thu xuất khẩu sụt giảm nghiêm trọng. Ngay tại thị trường trong nước, DQC cũng chịu sức ép cạnh tranh rất lớn. Đơn cử, thuế suất nhập khẩu đèn LED hiện đang là 0%, nhiều doanh nghiệp có thể mua trực tiếp nguyên liệu giá rẻ từ Trung Quốc vế lắp ráp để giảm giá thành, đã khiến DQC gặp bất lợi về giá.

Các tin khác