HAX “hãm phanh” tăng trưởng?

(ĐTTCO) - CTCP Dịch vụ ô tô Hàng Xanh (HAX) là một trong số ít doanh nghiệp kinh doanh ô tô ghi nhận được kết quả kinh doanh cực kỳ ấn tượng trong năm 2016.
HAX “hãm phanh” tăng trưởng?
 Thế nên, việc HAX bất ngờ báo lỗ trong quý II vừa qua khiến cổ đông doanh nghiệp hết sức ngỡ ngàng.
Mở tiệc sớm

Do bản chất là nhà phân phối ủy quyền của hãng Mercedes-Benz, các kế hoạch sản xuất kinh doanh hoặc mở rộng của HAX đều ít nhiều phụ thuộc vào chiến lược phát triển cũng như chỉ tiêu doanh số của hãng.
HAX là doanh nghiệp được cổ phần hóa từ năm 2000, với vốn điều lệ ban đầu 4,5 tỷ đồng. Thời điểm lúc bấy giờ, HAX chỉ là đại lý của Công ty Liên doanh Mercedes-Benz và Xí nghiệp liên doanh Sản xuất ô tô Hòa Bình (VMC). Tháng 8-2004, HAX chính thức trở thành nhà phân phối đầu tiên của liên doanh Mercedes-Benz Việt Nam.
Địa bàn kinh doanh của HAX là TPHCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ... Ngoài ra, HAX còn cung cấp dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, bảo hành các loại ô tô. Tuy nhiên, nghiệp vụ kinh doanh được giới đầu tư nhận diện khi nhắc đến HAX là 1 trong 3 đại lý độc quyền của Mercedes-Benz tại Việt Nam, được Mercedes-Benz công nhận là đại lý cung cấp dịch vụ ô tô tốt nhất.
Cũng vì vậy, HAX là một trong số ít doanh nghiệp ô tô báo lãi tăng trưởng trong năm 2016 nhờ khoản thu nhập từ tiền thưởng đạt chỉ tiêu bán hàng và hỗ trợ từ Mercedes-Benz Việt Nam (3-4% trên tổng doanh số bán hàng). Lũy kế cả năm 2016, HAX đạt doanh thu 2.865 tỷ đồng (tăng 58%), lợi nhuận sau thuế 79,13 tỷ đồng (tăng 174,8%). Đây là mức lợi nhuận cao nhất doanh nghiệp này đạt được kể từ khi niêm yết trên sàn HOSE năm 2006.

Với kết quả kinh doanh ngoài sự mong đợi này, ĐHCĐ thường niên năm 2017 của HAX đã thông qua kế hoạch kinh doanh cho năm 2017 đầy tham vọng. Theo đó, HAX lên kế hoạch doanh thu thuần năm 2017 là 4.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 96 tỷ đồng (tăng lần lượt 50% và 30% so với năm 2016). Ngoài ra, HAX còn tăng cường nguồn vốn vay để nhập thêm xe mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với các dòng xe của Mercedes-Benz.
Trong định hướng dài hạn, HAX sẽ chú trọng mảng phân phối ô tô và không đầu tư ngoài ngành. HAX còn dự kiến mở thêm nhiều chi nhánh ở những vị trí thích hợp và khả năng sẽ thâu tóm những công ty cùng ngành có vốn và quy mô lớn hơn HAX nhiều lần. Bên cạnh chỉ tiêu kinh doanh tham vọng, HĐQT của HAX đã lên kế hoạch chia thưởng cho cán bộ chủ chốt bằng việc phát hành CP ESOP.
Cụ thể, HAX đã phát hành 572.459 CP để thưởng cho các cán bộ quản lý nhờ hoàn thành vượt mức kế hoạch kinh doanh năm 2016. Theo tính toán, giá trị lượng CP ESOP này ở thời đểm thực hiện lên đến 28 tỷ đồng. Dù giá trị số CP ESOP này tương đương 1/3 lợi nhuận của cả năm 2016, nhưng chỉ có 7 cán bộ chủ chốt được chia nhau số CP này gồm tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, kế toán trưởng và 4 giám đốc ngành.

Khó khăn trở lại

Kết quả kinh doanh vượt bậc của năm 2016 đã phần nào tạo lực đẩy cho CP HAX chinh phục những mốc giá cao chót vót. Cụ thể, thời điểm đầu năm 2016, HAX chỉ được giao dịch ở mức giá trên 14.000 đồng/CP. Nhưng đến phiên giao dịch ngày 6-6-2017, HAX tăng gần chạm mốc 80.000 đồng/CP. Thanh khoản của HAX cũng tăng mạnh với sự kỳ vọng về triển vọng kinh doanh năm 2017.
Thế nhưng, ngay khi doanh nghiệp này báo lỗ trong quý II, HAX đã nhanh chóng lao dốc và hiện đang giao dịch ở mức 36.000 đồng/CP. Cho dù mức giá hiện tại một phần đến từ việc điều chỉnh để phát hành CP tăng vốn điều lệ xuống còn khoảng 50.000 đồng/CP, song cũng khiến nhiều NĐT thua lỗ nặng khi ôm hàng HAX ở mức đỉnh.   

Theo BCTC hợp nhất quý II, dù doanh thu thuần tăng 21% (đạt 1.034,6 tỷ đồng) nhưng lợi nhuận sau thuế của HAX âm hơn 7,2 tỷ đồng trong quý. Giải trình về kết quả này, ông Đỗ Tiến Dũng, Tổng giám đốc HAX, cho biết do các hãng xe có mặt trên thị trường Việt Nam đều có chính sách giảm giá mạnh ở hầu hết sản phẩm của mình, đã khiến tình hình kinh doanh của HAX cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Áp lực tiêu thụ xe lớn và sự cạnh tranh về giá bán giữa các đại lý còn làm doanh nghiệp phải giảm giá với hầu hết dòng xe, tăng các chương trình khuyến mại và hậu mãi.
Đơn cử, việc giảm giá bán, thậm chí bán lỗ để giải phóng số lượng hàng tồn kho là model cũ (dòng C-class) để tiếp nhận dòng xe mới. Theo ông Dũng, thanh lý lỗ là việc làm chẳng đặng đừng, vì nếu để hàng tồn kho lớn doanh nghiệp sẽ chịu thêm chi phí quản lý (chủ yếu là chi phí lãi vay). Tính tới thời điểm ngày 30-6, nợ vay ngắn hạn của Haxaco lên tới 775 tỷ đồng (tăng hơn 2 lần so với đầu năm). Lũy kế 6 tháng đầu năm, chi phí lãi vay của HAX là hơn 14 tỷ đồng, vượt qua con số của cả năm 2016 là 12 tỷ đồng.

Các tin khác