Hậu lãi đột biến

(ĐTTCO) - Việc doanh nghiệp niêm yết bất ngờ công bố lợi nhuận đột biến luôn tạo nên sự hứng khởi cho cổ đông và NĐT trong ngắn hạn. 
Thế nhưng, đằng sau những con số ấn tượng đó vẫn là nỗi lo về hiệu quả kinh doanh thật sự của doanh nghiệp, khi yếu tố tạo nên bất ngờ không còn.
Thành sự tại… người ta 

BCTC hợp nhất quý I của CTCP Cơ điện lạnh (REE) là những con số cực kỳ ấn tượng với doanh thu tăng gấp đôi cùng kỳ năm 2016 (đạt 1.088 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ cán mốc 331 tỷ đồng (tăng 2,35 lần so với mức 99 tỷ đồng cùng kỳ 2016). Đây cũng là mức lãi cao nhất mỗi quý của REE kể từ ngày đầu thành lập đến nay. Theo thống kê, đóng góp chính vào lợi nhuận của REE đến từ 3 nguồn thu chính gồm: cơ điện REE M&E, bất động sản văn phòng cho thuê và điện. 

Trong 3 mảng kinh doanh chính trên, mảng điện là yếu tố tạo nên sự đột phá của REE. Cụ thể, lợi nhuận từ mảng điện đạt 130,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 40 tỷ đồng. Hàng loạt doanh nghiệp thủy điện REE đang nắm giữ cổ phần đạt sản lượng cao trong quý và ghi nhận mức lãi cao vượt trội cùng kỳ.
Đơn cử CTCP Thủy điện Thác Mơ (TMP) ghi nhận mức lãi ròng 48 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lỗ 1,7 tỷ đồng). Một trường hợp khác là CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh (VSH) vừa được hợp nhất BCTC kỳ đầu tiên của REE cũng đóng góp đáng kể vào lợi nhuận quý I này. VSH chính là khoản đầu tư lớn thứ 2 trong nhóm công ty liên kết của REE với giá trị 725 tỷ đồng. Đặc biệt, khoản đầu tư lớn nhất của REE vào lĩnh vực điện là CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) cũng bất ngờ báo lãi 142 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lỗ 157 tỷ đồng).

Theo BCTC quý I của PPC, lợi nhuận tăng mạnh không phải do sản lượng tăng mà do chênh lệch tỷ giá giữa VNĐ và yên Nhật (JPY). Thống kê cho thấy chi phí chênh lệch tỷ giá trong quý giảm 89 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước 257 tỷ đồng. Trong quý này, số liệu trên BCTC của PPC cho thấy khoản vay dài hạn đã giảm xuống còn 2.705 tỷ đồng so với con số 3.835 tỷ đồng hồi đầu năm. Thời điểm cuối năm 2016, PPC có dư nợ bằng JPY khoảng 21,35 tỷ JPY.
Trong tháng 2, PPC đã thực hiện trả trước 8 tỷ JPY với tỷ giá theo tính toán là 204 VNĐ/JPY (tài trợ bằng nguồn vốn nhàn rỗi). Đến tháng 5-2017, PPC tiếp tục trả tiếp 8 tỷ JPY, giảm dư nợ đồng JPY xuống còn khoảng 6 tỷ JPY. Khoản còn lại sẽ được trả hết trong năm 2018. 

Theo nhận định, việc tái cấu trúc mạnh khoản vay bằng JPY sẽ giúp kết quả kinh doanh của PPC ổn định hơn, tránh khoản lỗ tỷ giá trung bình khoảng 200 tỷ đồng mỗi năm. Thế nhưng, việc giảm bớt nguồn vốn vay đồng nghĩa với tỷ lệ chi trả cổ tức giảm. Tại ĐHCĐ thường niên 2017, cổ đông của PPC thông qua mức chi trả cổ tức 2017 là 15% (giảm mạnh so với 20% của 2016 và 25% của năm 2015).
Năm 2016, REE có thể đã thu về gần 250 tỷ đồng từ khoản chi cổ tức 25% của năm 2015 và tạm ứng 8% cho năm 2016. Năm 2017, nhiều khả năng năm nay, khoản thu này chỉ còn lại 90 tỷ đồng, tương ứng với 12% còn lại của năm 2016.
Hậu lãi đột biến ảnh 1
Sau tăng trưởng là suy giảm
Theo BTCT quý I của Tổng CTCP Vận tải dầu khí (PVT), doanh nghiệp này vừa ghi nhận được kết quả kinh doanh hết sức khả quan sau thời gian trầm lắng kéo dài. Trong quý I, PVT ghi nhận 1.652 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lợi nhuận gộp tăng đến 25% (đạt 187,4 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế tăng 27,3% (đạt 126 tỷ đồng).
Theo giải trình của PVT, doanh thu tăng mạnh do dịch vụ vận tải của đơn vị hoạt động ổn định cùng với kiểm soát tốt chi phí đầu vào như chi phí nhiên liệu, chi phí vận hành tàu. Doanh thu hoạt động tài chính đạt 54,4 tỷ đồng (tăng 15,5%) và tỷ giá ổn định cũng góp phần vào hiệu quả sản xuất của PVT trong quý vừa rồi.

Thế nhưng, kết quả kinh doanh quý II và III của PVT dự báo sẽ là những con số hoàn toàn trái ngược với quý I, bởi dự án Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn (BSR) đi vào sửa chữa định kỳ 3 năm 1 lần, bắt đầu từ ngày 5-6 (thời gian dự kiến khoảng hơn 52 ngày). Hiện tại, PVT đảm nhận vận tải 100% nhu cầu dầu thô của BSR và khoảng trên 30% dầu thành phẩm.
Cụ thể, PVT chịu trách nhiệm vận chuyển 2,5 triệu tấn dầu thô/năm và một phần sản phẩm dầu thành phẩm (dự kiến khoảng 3-4 triệu tấn/năm) trong vòng 70 năm của dự án. Nguồn cầu vận chuyển này chiếm tới hơn 50% tổng doanh thu của PVT. Trong cả năm 2017, BSR đặt kế hoạch với lượng dầu thô nhập khẩu khoảng 6,5 triệu tấn (giảm 13%), lượng dầu thành phẩm 5,1 triệu tấn (giảm 25%). Cũng chính vì lý do này, PVT đã lên kế hoạch kinh doanh 2017 hết sức thận trọng. Theo đó, doanh thu đạt khoảng 5.020 tỷ đồng (giảm 26%) và lợi nhuận sau thuế 330 tỷ đồng (giảm 31%).

Đặt mục tiêu cực thấp

Gây sốc nhất trên TTCK chính là trường hợp CTCP Đường Quảng Ngãi (QNS). Theo BCTC quý I, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt lần lượt 1.831 tỷ đồng (tăng 7%) và 222 tỷ đồng (tăng 4%). Dù mức tăng trưởng không quá lớn so với cùng kỳ nhưng kết quả này giúp cho QNS vượt 21% kế hoạch cả năm chỉ sau 1 quý kinh doanh. Năm 2017, QNS đặt mục tiêu tổng doanh thu 7.400 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 207 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 184 tỷ đồng.
Theo giới đầu tư, việc QNS đặt chỉ tiêu lợi nhuận cực thấp để vượt xa chỉ tiêu đã trở thành “thương hiệu” của doanh nghiệp có thế mạnh về sản phẩm sữa đậu nành này. Năm 2016, QNS đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt 7.434 tỷ đồng và 200,9 tỷ đồng để rồi lợi nhuận cả năm 2016 đạt mức khủng 1.409 tỷ đồng (đạt 700% kế hoạch).

Khác với phần lớn các doanh nghiệp mía đường chủ yếu chỉ kinh doanh đường, QNS là công ty sản xuất hàng tiêu dùng với cơ cấu sản phẩm có giá trị gia tăng từ đường hết sức đa dạng, từ đường, sữa đậu nành, bia, nước khoáng cho đến bánh kẹo. Theo thống kê, sản phẩm sữa đậu nành thương hiệu Vinasoy của QNS hiện đang chiếm 84% thị phần sữa đậu nành bao bì giấy tại Việt Nam.
Thế nhưng, sau khi lên đỉnh này, QNS có dấu hiệu chững lại trước sự tấn công của các đối thủ mới. Do vậy, khả năng QNS ghi nhận mức tăng trưởng ngoạn mục ở giai đoạn 2014-2015 (từ 25-43%) sẽ khó có thể lặp lại nếu QNS không chủ động hạ thấp chỉ tiêu để duy trì đà tăng trưởng ấn tượng như cách làm hiện nay.

Các tin khác