Hành xử theo cung cầu

Lâu nay, rất nhiều ý kiến phê phán việc CTCK sử dụng các bản báo cáo phân tích nhằm “bơm thổi” cho CP hoặc bẫy NĐT và đề xuất phải có chế tài nghiêm ngặt hành vi này.

Lâu nay, rất nhiều ý kiến phê phán việc CTCK sử dụng các bản báo cáo phân tích nhằm “bơm thổi” cho CP hoặc bẫy NĐT và đề xuất phải có chế tài nghiêm ngặt hành vi này.

Nhưng nhìn rộng hơn những bản báo cáo chỉ là công cụ, hay tác nhân khiến thị trường bị méo mó và việc cấm CTCK “sản xuất” báo cáo phân tích chưa chắc đã ngăn chặn được những sự việc đáng tiếc.

Gần đây, việc hàng loạt đối tượng liên quan đến hành vi làm giá bị xử lý hình sự đã đánh mạnh vào các đội lái và đây mới là giải pháp mạnh nhất. Ở đây, không thể đòi hỏi các cơ quan quản lý phải chạy theo tất cả khúc mắc của thị trường và ra quyết định ngay lập tức, vì rõ ràng chuyện ban hành luật lệ đòi hỏi rất nhiều chất xám lẫn thời gian.

Thực tế, từ khá lâu, các báo cáo phân tích đã có sự phân cực rất rõ nét. Các báo cáo của SBS, HSC… đã khẳng định được chất lượng và chính những CTCK này cũng liên tục cập nhật, làm mới để thu hút NĐT.

Trong khi những CTCK đã từng đưa ra báo cáo “ma” cũng đang bắt đầu trả giá. Lấy trường hợp một CTCK có thị phần lớn, trước đây thường đưa ra những báo cáo với tựa đề rất đao to búa lớn, nhưng dạo này đã im tiếng. Thậm chí, đối với nhiều CTCK, báo cáo phân tích thực chất chỉ để thể hiện đôi chút sự “trí tuệ” của mình, còn những việc như “phím hàng” sẽ được trao đổi trực tiếp giữa CTCK và NĐT.

Từ đầu năm 2011 đến nay, trước sự khó khăn của thị trường chung, các báo cáo phân tích kém chất lượng cũng dần biến mất khỏi thị trường. Đến lúc này, chỉ những CTCK có số má thực sự, mới đầu tư cho bộ phận phân tích, điều đó cũng có thể xem là một chỉ báo tích cực về chất lượng của các CTCK.

Đối với NĐT, khi các kênh thông tin ngày một nhiều, trình độ được nâng cấp, kinh nghiệm cũng dày dạn hơn sau những lần thua lỗ, cũng nên có những phản ứng cụ thể, mạnh mẽ hơn đối với các báo cáo phân tích. Thử lật ngược vấn đề, vì sao nhiều NĐT biết rằng báo cáo phân tích “xạo” nhưng vẫn nghe theo?

Vấn đề nằm ở suy nghĩ theo kiểu ăn xổi: CP này được CTCK phân tích, chắc CTCK có làm giá, tranh thủ mua vào. Sự dễ dãi này đã khiến họ trả giá trong cuộc đấu trí với CTCK. NĐT cần thì CTCK cung cấp, trong trường hợp này không chỉ CTCK có lỗi mà NĐT cũng đã tiếp tay.

Thiết nghĩ, trước khi chờ đợi các cơ quan quản lý xử mạnh, xử nghiêm CTCK thực hiện báo cáo “ma”, NĐT cần phải thể hiện thái độ của mình trước, đó mới là giải pháp quan trọng nhất. Điều này rõ ràng phù hợp với quy luật cung cầu.

ĐẠI NGÀN

Các tin khác