Giờ G của phái sinh

(ĐTTCO) - Ngày 15-2 không chỉ là thời điểm quan trọng cho chứng khoán cơ sở, với việc loại bỏ phí môi giới sàn 0,15% còn 0%, mà còn có cả chứng khoán phái sinh (PS) với những thay đổi về phí.
Không thể miễn phí hoài
Từ trước đến nay, khi giao dịch PS, NĐT chỉ trả một loại phí duy nhất là phí giao dịch, tuy nhiên nhiều CTCK đã hạ phí xuống mức thấp nhất có thể, thậm chí miễn phí, nên có thể nói phí PS là không đáng kể. Song, kể từ 15-2 trở đi, ngoài phí giao dịch từ CTCK (có thể miễn phí, có thể không), NĐT sẽ bắt buộc phải trả các loại phí mang tính tuân thủ, phí này để nộp cho cơ quan quản lý, bao gồm: 
Đầu tiên là phí Sở, thu vào cuối ngày giao dịch với 3.000 đồng/hợp đồng tương lai (HĐTL). Thí dụ: trong phiên NĐT mua 10 HĐTL phải trả phí Sở vào cuối ngày là 30.000 đồng. Kế tiếp là phí quản lý vị thế, với 3.000 đồng/HĐTL, và cũng sẽ được tính vào số hợp đồng chưa đóng vị thế ở cuối ngày. Thí dụ trong phiên mua 20 HĐTL và bán ra 5 HĐTL, cuối ngày sẽ còn 15 HĐTL chưa đóng vị thế và sẽ phải trả thêm số phí là 45.000 đồng.
Cuối cùng là phí quản lý tài sản ký quỹ 0,003% giá trị lũy kế số dư tài sản ký quỹ/tài khoản, nhưng sẽ nằm trong khung 400.000-2.000.000 đồng. Thí dụ, đầu tháng NĐT ký quỹ  500 triệu đồng và duy trì đến cuối tháng, phí quản lý tài sản ký quỹ sẽ là 500 triệu đồng x 0,003% x 30=450.000 đồng. Theo cách tính này, nếu ký quỹ chỉ 100 triệu đồng phí sẽ là 90.000 đồng, do quy định mức tối thiểu là 400.000 đồng nên NĐT vẫn phải trả con số này. Còn trong trường hợp nếu NĐT ký quỹ 3 tỷ đồng, phí quản lý tài sản ký quỹ tính ra sẽ là 2,7 triệu đồng, tuy nhiên mức trần giới hạn là 2 triệu đồng, nên NĐT chỉ phải trả 2 triệu đồng. 
Giờ G của phái sinh ảnh 1  
Ngoài ra, nếu sử dụng margin để mua PS, NĐT sẽ phải trả lãi. Như vậy NĐT giờ đây khi “đánh” PS sẽ phải trả từ 2-5 loại phí, tùy vào chính sách của các CTCK cũng như lựa chọn của chính mình. Thí dụ, nếu NĐT chỉ sử dụng vốn tự có và đánh PS tại CTCK miễn phí giao dịch, thì chỉ phải trả phí Sở và phí quản lý vị thế. Trong trường hợp có sử dụng margin, giao dịch ở CTCK có tính phí sẽ phải chịu 5 loại phí. 
Tại thời điểm PS mới xuất hiện, phí giao dịch vào khoảng 20.000 đồng/HĐTL, tính ra tỷ lệ (giả định 1 HĐTL trị giá 100 triệu đồng) phí chỉ là 0,02%, tức chỉ bằng 1/10 so với phí giao dịch trên thị trường cơ sở trong tầm 0,2-0,25%. Vậy nên khi các HĐTL được cộng thêm 3 loại phí kể trên cũng không phải là “đắt” nếu so sánh với phí trên thị trường cơ sở. Và tất nhiên, không gì có thể miễn phí mãi được, các loại phí của NĐT nộp, mà ở đây là phí nộp cho Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) và HNX là điều phù hợp với thông lệ chung.

Thận trọng là điều tốt
Việc CTCK có giảm hay miễn phí giao dịch chứng khoán cơ sở sau ngày 15-2 và bao nhiêu đơn vị tham gia cuộc đua này vẫn còn là ẩn số, nhưng với riêng loạt phí mới này chưa thấy CTCK nào thông báo sẽ hỗ trợ NĐT, thay vào đó dường như là sự đồng thuận về việc các CTCK sẽ thu, mà ở đây là thu hộ cho cơ quan quản lý. 
Như đã nói ở trên, phí PS thấp hơn nhiều so với cơ sở, CTCK lại liên tục giảm, rồi miễn nên xem ra việc hỗ trợ tiếp cho khách hàng các loại phí mới đây là quá tầm với các CTCK trong ngắn hạn. Tính toán một cách đơn giản, cùng một giá trị giao dịch, phí thu từ PS chỉ bằng 1/10 thậm chí 1/20 so với chứng khoán cơ sở.
Và cho dù có CTCK lắm tiền nhiều của thực hiện được cũng sẽ tạo ra tiền lệ không tốt, vì về sau khách hàng sẽ đòi hỏi sự hỗ trợ nhiều hơn, lúc đó không thực hiện CTCK sẽ dễ mất khách. Điển hình là câu chuyện phí lưu ký của một số khách hàng VIP tại CTCK. Trước đây, để được tiếng là có khách hàng là cổ đông lớn, cổ đông nội bộ, các CTCK đã làm rất nhiều cách để “kéo” nhóm này về mở tài khoản, lưu ký CP bằng được, và đồng thời cũng miễn luôn phí lưu ký. 
Nói về phí lưu ký thực tế chỉ cần những cổ đông này lâu lâu giao dịch, thì nguồn phí của CTCK thu về dư sức để trang trải phí lưu ký và chuyện miễn cũng là bình thường. Tuy nhiên, cũng có trường hợp cổ đông lớn lưu ký rất nhiều CP, nhưng lại không giao dịch từ năm này sang năm khác, khiến cho CTCK mất phí lưu ký nhưng gần như không thu được lợi ích gì, lúc này bắt đầu sẽ có những bức xúc, bằng mặt không bằng lòng và đẩy cả đôi bên vào thế khó.
Và cuối cùng, cổ đông lớn lại tìm CTCK khác để mở tài khoản và đem CP sang đây để lưu ký. Vì vậy, có lẽ nhiều CTCK đã rút kinh nghiệm, nên sự đồng thuận trong việc thu phí PS theo biểu mới này đang khá phổ biến trên thị trường.
 Theo phản xạ tự nhiên cũng như những tác động trực tiếp, NĐT sẽ phải thận trọng hơn khi giao dịch PS, vì phí tính trên từng đơn vị không quá lớn, nhưng nếu lặp lại với tần suất dày NĐT sẽ thấy phải tốn thêm chi phí giao dịch. NĐT sẽ phải tính toán làm sao để giao dịch PS có lợi nhuận, hoặc ít nhất lợi nhuận đem về sẽ phải bù đắp cho các khoản phí mình phải chịu. Sự thận trọng này là cần thiết, vì sẽ giúp cho thị trường vận hành một cách hiệu quả và bền vững hơn.
Ông Lê Anh Trí, CTCK Phú Hưng

Các tin khác