Giải mã cơn sốt cổ phiếu ngân hàng OTC

(ĐTTCO) - Một tuần trước, giá CP của VPBank (Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng) trên thị trường OTC chỉ mới đạt 4.0, nhưng đến cuối tuần này đã tăng lên 4.4 thậm chí 4.8. nếu muốn đặt hàng. 
Mua một lô vài chục ngàn CP ngân hàng (NH) trên OTC giờ phải mất nhiều ngày đi gom và mua nhiều lần. Tính trung bình so với cách đây 1 năm, CP đã tăng giá từ 50-100%. Vì sao chỉ có một số NH nóng trên thị trường OTC?
Lực đẩy niêm yết

Thị trường niêm yết diễn biến tích cực đã tạo ra hiệu ứng “nước lên, thuyền lên”, tất nhiên CP OTC cũng sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên, để CP NH trên OTC có tỷ lệ tăng, cũng như thị giá còn cao hơn cả CP niêm yết lại có những nguyên nhân mang tính đặc thù khác.
Ông Trần Ngọc Tâm, Phó Tổng giám đốc NamABank, cho biết: “ĐHCĐ năm 2017 của Nam Á đã thống nhất chủ trương niêm yết CP trong thời gian tới đây. Đây cũng là cách thức để NH đảm bảo quyền lợi cho cổ đông, NĐT. Mặt khác, niêm yết cũng là xu hướng trong thời gian sắp tới nếu không có sự chuẩn bị có thể bị lỡ mất nhiều cơ hội”. Được biết CP của NamABank hiện đang được giao dịch ở mức giá xấp xỉ 1.0, trong khi giá CP này 1 năm trước chỉ bằng gần phân nửa.  Từ cuối năm 2016, kỳ vọng về khả năng của NH Kỹ Thương (Techcombank - TCB) lên sàn xuất hiện, và kể từ đó đến nay giá CP của NH này trên OTC cũng đã tăng hiện đạt khoảng 3.0. So với các CP trên sàn, TCB thấp hơn có VCB (xấp xỉ 4.0), còn lại đều vượt CP của các NHTMCP khác như ACB (hơn 2.6), MBB (2.0) hay STB (gần 1.4). Một môi giới có thâm niên 10 năm trong nghề cho biết, thời gian vừa rồi anh cũng có thực hiện vài giao dịch OTC cho khách và cho cả chính mình, mức phí thậm chí lên đến “1 giá” (tức 1.000 đồng/CP). Tính sơ sơ bỏ ra khoảng vài trăm triệu đồng để sở hữu vài chục ngàn CP NH trên OTC phí mất cả vài chục triệu. Nhưng theo môi giới này cái được “upside” (cửa tăng giá) khá cao, nên 1 giá cũng được nhiều NĐT chấp nhận.  Điểm mấu chốt hiện nay là CP NH có thể được giao dịch qua lại như trước (thanh khoản cao), chứ không đơn thuần NĐT mua vào để chờ lên sàn rồi chốt lời. Thông thường, biên độ giá CP NH trên OTC cũng khá rộng do cơ sở yết giá chỉ có tính tương đối, khi gặp NĐT “máu” việc mua đắt hơn vài giá cũng dễ xảy ra. Đó cũng là lý do  ở một kênh chỉ bán VPBank với giá 4.8, nhưng cũng có chỗ khác chào lô lớn với giá 4.4.  
Giải mã cơn sốt cổ phiếu ngân hàng OTC ảnh 1 Với NH giờ đây không chỉ hiệu quả kinh doanh mà còn chất lượng dịch vụ hình ảnh, tính đại chúng. Ảnh: LONG THANH 
NH hot không chỉ vì... NH
Tính đến cuối tuần rồi, CP của HDBank (NH Phát triển TPHCM) được một số nơi giao dịch với mức giá 1.5, trong khi mới cách đây 1 năm giá của CP này chỉ hơn 0.7. HDBank có giá tăng gấp đôi, VPBank giá cao bậc nhất thị trường, đều có chung một điểm có cổ phần chi phối tại các công ty tài chính (CTTC) tiêu dùng là HDSAISON và FECredit có thị phần nằm trong tốp đầu hiện nay (cùng với HomeCredit). HDSAISON đạt tốc độ tăng trưởng gấp 8 lần trong 4 năm, trong khi FECredit có thế mạnh không chỉ trong cho vay điện máy, điện thoại, xe máy mà còn có cả tiền mặt với ưu thế nổi trội.  Hiện nay nhiều NH có CTTC, tuy nhiên để gầy dựng được vị thế như HDSAISON hay FECredit vốn vẫn chưa đủ, mà đó còn là kinh nghiệm, nghiệp vụ, quy trình được xây dựng, tích lũy trong nhiều năm. Nếu không muốn xây lại từ đầu, hay đầu tư trong dài hạn thì mua cổ phần sẵn có. Có thể nói, các CTTC với kỳ vọng còn tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới là động lực quan trọng tạo nên sức hút cho NH.  Hiện vẫn có rất nhiều NH sở hữu CTTC, nhưng có thể đây cũng sẽ là con bài tẩy để tạo ra những tăng trưởng vượt trội trong hoạt động kinh doanh. Nhưng những thị phần truyền thống như điện máy, điện thoại và cả xe máy hiện cũng đã được chiếm lĩnh bởi nhiều CTTC lớn, nên chen chân không phải dễ.
Một điều cũng khiến CP NH trở nên hot vì lượng hàng hóa lưu hành bên ngoài tương đối cô đặc với ba nhóm cổ đông bao gồm cổ đông lớn, cổ đông nội bộ bao gồm lãnh đạo NH và CBCNV, rất hiếm NĐT nào giữ CP NH, vì đơn giản trải qua nhiều năm thị trường ảm đạm, chẳng ai muốn giữ hàng mà giá khó tăng lại bán không được. Tính đến hiện nay khi CP NH OTC sôi động trở lại, những nguồn hàng nội bộ cũng không quá vội vã để phải bán ra. Cổ đông lớn tất nhiên sẽ chỉ bán nếu được giá, CBCNV trừ khi ai có nhu cầu về tài chính mới xả hàng, còn lại đều tự tin khi CP lên sàn sẽ còn bán được với giá cao hơn. 

Ông Trần Ngọc Tâm cho biết, giá CP NH nói chung ngoài việc hưởng lợi thì thị trường chung sẽ phụ thuộc vào hiệu quả kinh doanh của từng NH, và giờ đây sẽ được đánh giá về chiều sâu chứ không chỉ là chiều rộng. Nói đơn cử như mạng lưới các phòng giao dịch của Nam Á liên tục được mở rộng trong những năm qua, ngoài chuyện số lượng, việc đồng nhất về mặt chất lượng, hình ảnh cũng rất quan trọng. Với riêng CP NH vốn có tính đại chúng rất cao, nhiều cổ đông cũng chính là khách hàng của NH, và họ sẽ có cái nhìn chính xác nhất về chất lượng dịch vụ, sản phẩm. 

Các tin khác