Giá trị quản trị doanh nghiệp

Quản trị doanh nghiệp (DN) không phải là khái niệm xa lạ với NĐT. Nhưng để đánh giá DN được quản trị tốt hay không là việc không đơn giản.

Quản trị doanh nghiệp (DN) không phải là khái niệm xa lạ với NĐT. Nhưng để đánh giá DN được quản trị tốt hay không là việc không đơn giản.

Nghe, thấy, biết nhưng... chịu

Một doanh nghiệp được quản trị tốt sẽ đạt mức thu nhập trên đầu tư và trên vốn cao hơn. Ảnh: LÃ ANH

Một doanh nghiệp được quản trị tốt sẽ đạt mức thu nhập trên đầu tư
và trên vốn cao hơn. Ảnh: LÃ ANH

Ông David Gerald, Chủ tịch Hiệp hội Các NĐT CK Singapore (SIAS), định nghĩa: “Khi một công ty đặt tính liêm chính như mục đích trọng tâm trong việc theo đuổi các mục tiêu kinh tế của mình, công ty đó được coi là thực hành quản trị DN tốt. Hệ quả là DN sẽ hạ thấp hơn chi phí vốn, sử dụng hiệu quả hơn các loại tài nguyên, tạo nền tảng cho sự tăng trưởng”.

Kết quả  nghiên cứu của Trường Đại học bang Georgia (Hoa Kỳ) cho thấy so với một DN quản trị không tốt, một DN được quản trị tốt đạt mức thu nhập trên đầu tư trong năm hoạt động cao hơn 18,7% và thu nhập trên vốn cao hơn 23,8%. Các NĐT tổ chức sẵn sàng trả giá cao hơn khi mua cổ phần của các DN được quản trị tốt.

HOSE đánh giá: “Hiện nay, các thể chế quản trị DN chưa rõ ràng và chặt chẽ. Các khái niệm/quy định về HĐQT, ban điều hành, ban kiểm soát chưa được hiểu và thực hiện đúng. Cơ chế giám sát thường bị bỏ qua hoặc không thực thi đúng như quy định tại điều lệ công ty. Các thành viên HĐQT, ban điều hành, ban kiểm soát chưa nhận thức rõ được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Thiếu kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực quản trị DN”.

Đáng lo là tình trạng đó hầu như ai cũng nghe, cũng biết, cũng thấy, nhưng gần như không có nhiều cải thiện. Điển hình nhất là hoạt động kiểu cho có của ban kiểm soát, thậm chí trong mùa ĐHCĐ vừa rồi, đại diện một số quỹ đầu tư có ý định ứng cử vào ban kiểm soát để được nhận thêm một khoản thù lao đáng kể hàng năm. 

Tại cuộc hội thảo “Quản trị công ty - Cách tạo dựng giá trị” do CTCK Kim Eng tổ chức, ông David Gerald đưa ra tiêu chí: NĐT thường mong muốn thành viên của HĐQT hoạt động độc lập đối với việc điều hành. Thành viên HĐQT cần có kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn liên quan đến lĩnh vực hoạt động của công ty để có thể đánh giá được lợi ích tốt nhất cho cổ đông. HĐQT có cơ chế hoạt động nội bộ. Các thành viên HĐQT có thể tiếp cận thông tin tài chính chính xác, hoàn chỉnh và những cơ chế tạo giá trị tiềm tàng cho công ty.

Nhưng trên thực tế, một HĐQT lý tưởng như vậy rất hiếm hoi trong thời điểm hiện nay. Nhiều người tham gia HĐQT cho “có tụ”, thường là những người đại diện cho phần vốn góp của tổ chức. Lấy thí dụ trường hợp phó tổng giám đốc của một CTCK tầm trung, tham gia HĐQT của DN thủy sản nhưng lại không đóng góp được gì nhiều khiến các thành viên còn lại phát bực và đợt rồi đã quyết định gạt nhân vật này ra ngoài. Cũng có những DN mà vợ chồng chủ tịch HĐQT nắm đến 70% nên những thành viên HĐQT còn lại nếu có tham gia cũng chỉ cho vui và không tránh khỏi những người này là bạn bè với ông chủ tịch.

Báo cáo thường niên thể hiện năng lực DN

Câu chuyện vài quỹ đầu tư mặc dù cử đại diện tham gia HĐQT nhưng không đóng góp được gì nhiều cũng rất đáng bàn. Khi làm ăn thuận lợi, không cần huy động quá nhiều nguồn lực, mọi chuyện khoán trắng cho chủ tịch HĐQT hay tổng giám đốc. Khó khăn ập đến, những thành viên HĐQT “ảo” lại không có chuyên môn nên vừa không đóng góp được gì mà có thể làm tình hình của DN thêm rối rắm.

Không loại trừ những thành viên HĐQT chỉ chăm chăm trục lợi cho bản thân bằng việc tận dụng ưu thế khai thác thông tin để giao dịch CP. Giới quản lý quỹ đã râm ran về sếp của một quỹ đầu tư lớn tham gia HĐQT chỉ chăm chăm đục khoét, đến khi công ty gặp khó khăn lại bán sạch CP.

NĐT nổi tiếng Warrent Buffett đã từng nói: “Nếu tôi xem một bảng báo cáo thường niên và không hiểu được phần chú thích, chắc chắn tôi sẽ không đầu tư vào công ty đó, bởi vì họ không muốn tôi hiểu về công ty”. Hiện tại Việt Nam chưa có nhiều công cụ hoặc công ty chuyên đánh giá công tác quản trị của DN. Chính vì vậy, đọc những bản báo cáo thường niên là một trong số ít cách thức đánh giá năng lực của HĐQT. Tuy nhiên, rất hiếm khi tìm được báo cáo thường niên có “chất” thực sự với những công bố, chiến lược và những thông tin hay, chủ yếu vẫn nói tốt và nói chung chung.

Ông David Gerald nhấn mạnh: NĐT ngày càng quan tâm đến những thông tin phi tài chính như chất lượng sản phẩm và sự hài lòng của khách hàng, số lượng các dự án trong kế hoạch thực hiện cho thấy hướng phát triển, bằng cách nào công ty thu hút, giữ chân và phát triển nhân tài.

Một vấn đề cần đặc biệt lưu ý nữa là việc trao đổi thông tin với các cổ đông. Đây là một khía cạnh quan trọng thường bị các công ty xao nhãng. Cho dù công ty có câu chuyện hay hoặc một điều tồi tệ, điều quan trọng là công ty phải giữ cách truyền thông như nhau tới các cổ đông để đạt được sự tin tưởng của họ. NĐT đánh giá cao việc truyền thông của HĐQT với các cổ đông và khả năng cổ đông tiếp xúc với HĐQT. “Đừng xem cổ đông là kẻ thù” - Chủ tịch SIAS kết luận.

Các tin khác