Giá trị của sự đồng thuận

Ngày 9-4, ĐHCĐ thường niên năm 2011 của CTCP Đầu tư Thương mại SMC (SMC) đã được tổ chức để bàn thảo và thông qua hàng loạt mục tiêu, chiến lược quan trọng.

Ngày 9-4, ĐHCĐ thường niên năm 2011 của CTCP Đầu tư Thương mại SMC (SMC) đã được tổ chức để bàn thảo và thông qua hàng loạt mục tiêu, chiến lược quan trọng.

Sức mạnh tổng hợp

Ngoài ra, đại hội còn hướng đến việc xây dựng, gắn kết các cổ đông để tạo sự đồng thuận cao nhất - yếu tố đặc biệt quan trọng để SMC có thể đứng vững trong bối cảnh khó khăn. SMC sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy nền tảng của vị thế, thương hiệu, lợi thế cạnh tranh đã được xây dựng từ nhiều năm qua bên cạnh sự tiến bộ và lành nghề của đội ngũ CBNV. Phát triển công ty theo hướng xây dựng 1 hệ thống vững chắc, bao gồm nhiều thành viên hoạt động vì một mục tiêu chung và một thương hiệu chung.

Cổ đông SMC biểu quyết các vấn đề của ĐHCĐ thường niên năm 2011.
Cổ đông SMC biểu quyết các vấn đề của ĐHCĐ
thường niên năm 2011.

Năm nay SMC chính thức đưa vào hoạt động 1 thành viên mới là Công ty Cơ khí Thép SMC, chuyên môn hóa sâu trong lĩnh vực kinh doanh các loại thép tấm cán nóng, góp phần gia tăng thị phần và mở rộng các mặt hàng qua gia công như thép kết cấu, xà gồ, xả băng, cắt tờ. Công ty cũng chủ trương từng bước triển khai các hoạt động mở rộng sản xuất kinh doanh khi có phương án chính xác và chắc chắn, nhằm tận dụng và phát huy tốt lợi thế thương hiệu. Trước mắt SMC sẽ gia tăng phân phối xi măng xá (rời) vào các công trình với sản lượng 180.000 tấn.

Sau 3 năm khảo sát và chuẩn bị, SMC đã chính thức triển khai hệ thống quản trị doanh nghiệp ERP nhằm củng cố và sắp xếp bộ máy nhân sự, tập trung đối tượng quản trị cấp trung gian. Duy trì và phát huy các mối quan hệ tốt đẹp sẵn có với các nhà sản xuất, đơn vị bán hàng nhập khẩu và nhà kinh doanh thép nước ngoài, tranh thủ tận dụng tốt thời cơ từ các ngành hàng. Bên cạnh đó, SMC sẽ mở rộng quan hệ với các ngân hàng thương mại nhằm xây dựng sức mạnh tài chính kết hợp với sức mạnh từ kinh doanh thép để tạo nên, sức mạnh tổng hợp.

2 phương án chia cổ tức được trình tại đại hội gồm: Phương án 1, chia 10% tiền mặt và 20% bằng CP. Phương án 2, chia 16% bằng tiền mặt. Sau đó là các báo cáo của ban kiểm soát, kế toán trưởng, HĐQT và phần bầu cử HĐQT nhiệm kỳ 2011-2015. Theo ông Ma Đức Tú, thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2006-2010, ngoài những thành công rất đáng tự hào, HĐQT nhiệm kỳ vừa qua vẫn còn một số điểm hạn chế như chỉ mạnh trong giám sát, phản biện, chưa phân công nhiệm vụ rõ ràng.

 Tín hiệu lạc quan


Giá trị của sự đồng thuận ảnh 2Năm 2011, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn rất nhiều thách thức như lạm phát, lãi suất, tỷ giá tác động đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Mặc dù vậy, kỳ vọng phát triển của ngành thép vẫn rõ nét với dự báo sản lượng tiêu thụ tăng trưởng 9-10%, vượt mức 11 triệu tấn/năm. Việc hoàn thành xuất sắc chiến lược 2006-2010 của SMC là động lực cho ban lãnh đạo tiếp tục theo đuổi chiến lược 2011-2015.
Giá trị của sự đồng thuận ảnh 3

Ông NGUYỄN NGỌC ANH,
Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ SMC

Phần hỏi đáp giữa cổ đông và ban lãnh đạo SMC bắt đầu với phát biểu của một cổ đông: “Tôi rất vui khi ông Chủ tịch HĐQT hiểu được tâm tư tình cảm của chúng tôi muốn nhận cổ tức bằng tiền mặt càng nhiều càng tốt. Theo quan điểm của tôi, nên chọn phương án 10% tiền mặt và 20% bằng CP, vì cổ đông vừa có thể nhận được tiền, doanh nghiệp cũng bổ sung được nguồn vốn kinh doanh, đồng thời CP sau khi chia tách cũng trở về mức giá hấp dẫn hơn. Nếu được, HĐQT cũng có thể nghiên cứu tăng tỷ lệ chia cổ tức bằng CP lên 25% hoặc có thêm một đợt chào bán cho cổ đông với tỷ lệ 2:1 hoặc 3:1”. Một cổ đông khác đã đặt câu hỏi: “Khoản thặng dư hơn 150 tỷ đồng của SMC tại sao không tiến hành chia cho cổ đông”.

Giải đáp về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Anh cho biết: “Từ khi SMC cổ phần hóa đến nay, HĐQT luôn ấn định trước tỷ lệ chia cổ tức để NĐT có thể đánh giá được dòng tiền đầu tư sẽ diễn biến như thế nào, thời điểm nào có cổ tức để từ đó quyết định mua hay bán, tiếp tục nắm giữ hay hiện thực hóa lợi nhuận. Hiện tại chúng tôi không gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn vốn để hoạt động trong khi việc phát hành thêm sẽ gặp thách thức từ thủ tục và từ ngân sách của NĐT, nhất là khi TTCK diễn biến không thuận lợi. Chính vì vậy, nếu tiếp tục chào bán CP hoặc phát hành trái phiếu chuyển đổi sẽ gây khó cho một bộ phận lớn cổ đông và chúng tôi đã chủ động tránh việc này. Tùy vào tình hình của TTCK, nếu thuận lợi, chúng ta có thể chọn tỷ lệ chia cổ tức bằng CP 25%. Trong trường hợp thị trường chung diễn biến khó khăn, chỉ nên chọn tỷ lệ 20% nhằm tránh rủi ro pha loãng CP. Xét trên lợi ích cá nhân, chia cổ tức càng cao hoặc đem thặng dư của công ty ra chia, tôi là người được hưởng lợi. Nhưng nếu một công ty đem hết lợi nhuận, thặng dư chia cho cổ đông thì không thể có tiền để tái đầu tư và duy trì tỷ lệ tăng trưởng”.

Định hướng cơ bản trong chiến lược 2011-2015 của SMC

 Bám sát hoạt động cốt lõi của mình trên nền tảng đã được hình thành và phát triển hơn 20 năm. Mở rộng hoạt động liên doanh, liên kết, tập trung các ngành nghề có mối tương quan gần với sắt thép nhằm tận dụng uy tín và thương hiệu của SMC.

 Tiếp tục nghiên cứu, đầu tư và phát triển thêm từ 4-5ha dự án mới, trong đó kho chứa đạt từ 22.000-25.000m2, đảm bảo sức chứa toàn hệ thống đạt 100.000 tấn. Phấn đấu nâng tỷ lệ tiêu thụ thép các loại đạt 7% nhu cầu toàn xã hội.

 Đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh và gia công chế biến các loại thép lá, thép mạ và thép tấm cán nóng nhằm gia tăng tỷ trọng trong tổng mức tiêu thụ chung của SMC, đến năm 2015 tỷ lệ thép dẹt đạt ít nhất 25% trong cơ cấu tiêu thụ.

Từ đầu năm 2011 đến hết quý I, giá thép tăng trung bình khoảng 10%, do vậy hoạt động kinh doanh thép trong quý I khá hiệu quả với doanh thu 2.105 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 31 tỷ đồng. Cuối năm 2010, tổng lượng hàng tồn kho của SMC khoảng 45.000 tấn thép và đến ngày 31-3 khoảng 30.000 tấn thép. Trước Tết Nguyên đán, SMC đã tăng lượng hàng tồn kho nhằm đón đầu giá thép tăng, nhưng giai đoạn sau đó đã giảm dần, riêng trong tháng 3, công ty đã giảm khoảng 12.000 tấn thép xây dựng tồn kho, đồng thời giảm bớt lượng hàng nhập khẩu.

Cụ thể tháng 1 SMC tiêu thụ 35.000 tấn thép các loại, tháng 2 tiêu thụ được 30.000 tấn, tháng 3 tiêu thụ hơn 60.000 tấn. Theo dự báo của SMC, thị trường thép sẽ gặp nhiều thách thức trong quý II với nhu cầu giảm mạnh và các nhà tiêu thụ sẽ gặp khó. Thông thường tháng 3 là cao điểm tiêu thụ thép xây dựng, nhưng trong năm nay gặp rất nhiều khó khăn và có thể kéo dài sang tháng 4. Về mặt hàng xi măng, tháng 1 SMC tiêu thụ được 5.000 tấn, tháng 2 chỉ được 3.000 tấn, tháng 3 tăng mạnh lên 10.000 tấn. Theo chia sẻ từ bộ phận kinh doanh xi măng, từ tháng 4 cho đến cuối năm, sản lượng tiêu thụ trung bình mỗi tháng sẽ đạt mức trên 10.000 tấn và mục tiêu 180.000 tấn cả năm vẫn nằm trong tầm tay.

Về kế hoạch lợi nhuận sau thuế 90 tỷ đồng trong năm 2011, ông Nguyễn Ngọc Anh cũng thẳng thắn thừa nhận đây là con số hơi khiêm tốn nếu so với vốn chủ sở hữu 543 tỷ đồng của công ty, nhưng mong muốn sự cảm thông từ phía các cổ đông vì tình hình năm nay rất khó khăn. Đây được xem là mức lợi nhuận “sàn” bắt buộc SMC phải đạt được nhưng trong nội bộ SMC đã đề ra kế hoạch ở mức 100 tỷ đồng.

Chỉ tiêu kinh doanh năm 2011 của SMC

1.Sản lượng tiêu thụ thép các loại: 570.000 tấn

Trong đó:
-Thép xây dựng: 440.000 tấn
-Thép tấm cán nóng: 70.000 tấn
-Thép lá cán nguội + mạ các loại : 50.000 tấn
-Thép hình và thép khác các loại : 10.000 tấn

Cơ cấu:
-Thép nội địa: 450.000 tấn
-Thép nhập khẩu: 120.000 tấn

2.Sản lượng mặt hàng xi măng: 180.000 tấn

3.Doanh thu: 7.300 tỷ đồng

4.Lợi nhuận
-Trước thuế: 120 tỷ đồng (năm 2010: 96,4 tỷ đồng)
-Sau thuế: 90 tỷ đồng (năm 2010: 82,2 tỷ đồng)

5.Khấu hao cơ bản 30 tỷ đồng

6.Cổ tức: 10% tiền mặt 20-25% bằng CP

7.Tốc độ tăng trưởng bình quân chung: Trên 10%

Các tin khác