Genco1 và Genco2 liệu “nối gót” Genco3?

(ĐTTCO) - Sau phiên bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) không thành công của Tổng công ty Phát điện 3 (Genco3), đã có nhiều lo ngại về các phiên IPO sắp tới của Tổng công ty Phát điện 2 (Genco2) và Tổng công ty Phát điện 1 (Genco1).

3 “tử huyệt” của Genco1 
Ngày 27-3, Genco1 đã trình lên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kế hoạch cổ phần hóa công ty mẹ, sau khi hoàn thành công tác xác định giá trị doanh nghiệp.
Theo kế hoạch, Genco1 sẽ tiếp tục hoàn thiện phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP và trình Bộ Tài chính theo quy định; tiếp tục phối hợp với liên danh tư vấn để thực hiện công tác giải trình về phương án xử lý tài chính, kết quả xác định giá trị doanh nghiệp với EVN và các bộ ngành liên quan; đảm bảo tiến độ Bộ Công Thương công bố giá trị doanh nghiệp trong tháng 6-2018, cũng như hoàn thiện phương án sử dụng lao động và phương án sản xuất kinh doanh của Genco1 sau cổ phần hóa. 
 Mặc dù Genco1 là nhà sản xuất điện lớn của EVN, nhưng sự không ổn định trong kinh doanh, sức hấp dẫn của phiên IPO Genco 1 (dự kiến diễn ra vào cuối năm 2018) là không nhiều. Thậm chí, có nhiều nhận định cho rằng Genco1 sẽ “tiếp gót” thất bại của Genco3.
Tuy nhiên, việc chậm trễ trong lộ trình cổ phần hóa của Genco1 khiến cho giới đầu tư đặt nhiều nghi vấn về tình hình tài chính của doanh nghiệp. Tính đến thời điểm cuối năm 2017, tổng dư nợ vay (bao gồm cả vay ngắn hạn và dài hạn) của Genco1 là gần 94.124 tỷ đồng, tăng 20% so với thời điểm đầu năm, và bằng quy mô tổng tài sản của một ngân hàng cỡ nhỏ. Nguyên nhân vay nợ tăng mạnh do tăng khoản vay 15.838 tỷ đồng từ việc nhận bàn giao Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 từ EVN.
Theo thống kê, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối năm 2017 của Genco1 lên tới 4,6 lần, và tỷ lệ nợ vay trên tổng tài sản đạt 75%. Với khoản nợ vay lớn, chi phí tài chính chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng phí hoạt động của Genco1. Năm 2017, chi phí tài chính của Genco1 lên đến 4.544 tỷ đồng (tăng 45%). 
Một yếu tố khiến cho giới đầu tư lo ngại là rủi ro về tỷ giá. Hoạt động trong lĩnh vực phát điện đòi hỏi vốn đầu tư lớn, nên Genco1 buộc phải duy trì khoản nợ bằng ngoại tệ lớn. Năm 2016, Genco1 ghi nhận khoản chi phí tài chính do lỗ chênh lệch tỷ giá với khoản vay bằng ngoại tệ lên tới 625 tỷ đồng. Năm 2017, nhờ nhận bàn giao vốn và tài sản của Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 từ EVN, nên Genco1 được hạch toán khoản lãi chênh lệch tỷ giá trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản (2.849 tỷ đồng), nên không ghi nhận khoản chênh lệch tỷ giá.
Tuy vậy, rủi ro biến động tỷ giá có ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tới. Theo tính toán, nếu USD tăng 1% so với VNĐ, lợi nhuận trước thuế giảm 462,696 tỷ đồng. Trong khi đó, nếu yen Nhật (JPY) tăng 3% so với VNĐ thì lợi nhuận trước thuế giảm 651 tỷ đồng.

 Phiên IPO của Genco3 được tổ chức vào ngày 9-2, chỉ có 336 NĐT tham gia với tổng khối lượng đặt mua chỉ hơn 7,5 triệu cổ phần, chiếm chưa đầy 3% lượng cổ phần mang ra IPO là 267 triệu cổ phần.
Áp lực nợ vay và rủi ro tỷ giá khiến cho hiệu quả kinh doanh của Genco1 không được đánh giá cao so với Genco2 và Genco3. Nếu như năm 2014, Genco1 ghi nhận khoản lãi hơn 1.070 tỷ đồng, thì năm 2015 lợi nhuận giảm mạnh xuống còn 396,2 tỷ đồng. Đến năm 2016, lợi nhuận của tổng công ty này chỉ đạt 208,7 tỷ đồng và phục hồi mạnh trong năm 2017 với mức lãi 442,3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nếu tính trên mức vốn điều lệ 17.943 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn của Genco1 trong năm 2017 chỉ đạt chưa đầy 2,4%. 
Lý giải về sự trồi sụt thất thường này, lãnh đạo Genco1 cho rằng ngoài 2 yếu tố trên, lợi nhuận của doanh nghiệp còn chịu ảnh hưởng lớn của yếu tố thời tiết. Theo đó, những năm tình hình thủy văn thuận lợi, nước về nhiều, các nhà máy thủy điện phát sản lượng cao, giúp Genco1 tối ưu hóa doanh thu, lợi nhuận hơn so với các năm nước về thấp.
Cụ thể, lợi nhuận của Genco1 trong năm 2015 và 2016 sụt giảm đáng kể so với năm 2014 là do ảnh hưởng tiêu cực của hiện tượng El Nino kéo dài trong thời gian này, làm cho mưa ít, khiến sản lượng của các nhà máy thủy điện sụt giảm nghiêm trọng. Đây là một tỷ lệ tương đối cao và có thể gây rủi ro cho doanh nghiệp. 
Kỳ vọng Genco2   
Genco2 là Công ty TNHH MTV do EVN sở hữu 100% vốn điều lệ. Genco2 đã chính thức đi vào hoạt động kể từ năm 2013, với 8 đơn vị hạch toán phụ thuộc công ty mẹ, 1 công ty con do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ và 5 công ty liên kết do công ty mẹ nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Genco2 hiện đang quản lý 8 dự án đầu tư nguồn điện bao gồm: nhiệt điện Ô Môn 1, Ô Môn 2, Ô Môn 3, Ô Môn 4; thủy điện Sông Bung 2 và Sông Bung 4, thủy điện Trung Sơn và thủy điện Thác Mơ (mở rộng).
Theo phương án sắp xếp và tái cơ cấu các doanh nghiệp trực thuộc, ngoài Thủy điện Trung Sơn đang nắm 100% vốn, thì Genco2 cũng nắm cổ phần chi phối từ 51% trở lên tại 5 công ty điện khác. 
Genco1 và Genco2 liệu “nối gót” Genco3? ảnh 1 Một nhà máy nhiệt điện của Genco1. 
Theo kế hoạch, Genco2 sẽ phải hoàn thành cổ phần hóa ngay trong tháng 6 này. Như vậy, Genco2 sẽ là tổng công ty phát điện thứ 4 cổ phần hóa, sau Tổng công ty Điện lực TKV (đã niêm yết UPCoM với mã DTK), Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (đã niêm yết UPCoM với mã POW) và Genco3 (đã niêm yết UPCoM với mã PGV).
Việc cổ phần hóa sau các tổng công ty phát điện khác sẽ giúp cho Genco2 có nhiều điều kiện chuẩn bị, khắc phục những hạn chế, nhưng cũng là áp lực lớn để có thể cổ phần hóa thành công như các doanh nghiệp cùng ngành, nhất là sau thất bại của Genco3. 
Thực tế, so với Genco1 và Genco3, Genco2 được đánh giá khá cao nhờ hiệu quả hoạt động của các công ty con. Đơn cử là CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC). Với việc nắm 51,9% vốn điều lệ của PPC Genco2 có được nguồn thu rất lớn từ việc hợp nhất kết quả kinh doanh (KQKD) của công ty nhiệt điện này. Năm 2017, lợi nhuận sau thuế của PPC đạt 854 tỷ đồng (tăng 54%). Với kết quả này, Genco2 đã nhận được hàng trăm tỷ đồng cổ tức sau khi PPC trả cổ tức năm 2017 với tỷ lệ 15%.
Một công ty con khác CTCP Thủy điện Thác Mơ (TMP), tỷ lệ nắm giữ tương đương 51,92%, cũng ghi nhận được KQKD khả quan với mức tăng trưởng gấp 3 lần trong năm 2017 (đạt 321 tỷ đồng). Đáng chú ý là CTCP Thủy điện A Vương (AVC), với tỷ lệ nắm giữ lên đến 87,45%, cũng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận năm 2017 gấp hơn 3 lần so với 2016 (đạt 351 tỷ đồng). 
Với hiệu quả mang lại từ các công ty con, nên dù không phải là đơn vị có sản lượng điện đứng đầu, nhưng Genco2 (chiếm 13,67%) có hiệu quả hoạt động lại khả quan hơn các doanh nghiệp còn lại, với doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm 2017 đạt lần lượt là 22.422 tỷ đồng và 3.031 tỷ đồng (cao nhất trong số các tổng công ty phát điện đã cổ phần hóa). Tuy nhiên, KQKD năm 2017 lại chưa phản ảnh hết thực trạng đáng lo ngại của Genco2, đó là rủi ro về tỷ giá.
Nếu như năm 2015, Genco2 ghi nhận khoản lỗ tỷ giá 788,3 tỷ đồng thì năm 2016 tăng lên 885,9 tỷ đồng. Tình trạng lỗ do chênh lệch tỷ giá đã giảm đáng kể trong năm 2017, nhưng đây vẫn là rủi ro bất khả kháng và nằm ngoài dự tính của Genco2. Rủi ro này còn bao trùm lên cả những công ty của Genco2 như PPC. Dù ghi nhận được kết quả tích cực trong năm 2017, nhưng trước đó PPC từng lỗ nặng nề vì chênh lệch tỷ giá do doanh nghiệp này có khoản nợ vay bằng ngoại tệ lớn.  

Các tin khác