EVN-EVNFC-PPC: Mối quan hệ bất bình thường?

Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đang nợ một số tập đoàn khác với khoản tiền tính bằng nghìn tỷ đồng. Nhưng Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVNFC) mà EVN nắm giữ đến 40% vốn điều lệ (VĐL) lại có những động thái cho thấy EVN đang khá xông xênh về tiền bạc.

Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đang nợ một số tập đoàn khác với khoản tiền tính bằng nghìn tỷ đồng. Nhưng Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVNFC) mà EVN nắm giữ đến 40% vốn điều lệ (VĐL) lại có những động thái cho thấy EVN đang khá xông xênh về tiền bạc.

Nhận diện EVNFC

EVNFC chính thức thành lập và hoạt động vào ngày 1-9-2008, VĐL hiện có 2.500 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông của EVNFC bao gồm EVN (chiếm 40% VĐL), NHTMCP An Bình (ABBank - chiếm 8,4% VĐL), CTCP Cơ điện lạnh (REE - chiếm 1,8% VĐL) và 49,8% còn lại thuộc về các cổ đông khác.

Công ty đạt hơn 450 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2010 và tổng tài sản đạt gần 23.300 tỷ đồng. EVNFC đặt ra một số mục tiêu kinh doanh trong năm nay như: Xây dựng đổi mới mô hình tổ chức hoạt động theo hướng định chế tài chính đầu tư hiện đại; phát triển hoạt động kinh doanh bền vững, tránh tăng trưởng nóng, đảm bảo các hoạt động kinh doanh được rà soát; triển khai có chọn lọc, chất lượng, không chú trọng tăng quy mô tài sản.

Đáng chú ý là công ty đặt chỉ tiêu tổng tài sản cho năm 2011 là 21.600 tỷ đồng. Như vậy nếu thực hiện đúng theo kế hoạch, tổng tài sản năm nay của công ty sẽ… giảm khoảng 1.700 tỷ đồng, con số này lớn gấp gần 3,5 lần so với kế hoạch lợi nhuận trước thuế 506 tỷ đồng được đề ra trong năm nay. Những con số nói trên rất khó hiểu.

Phải chăng mục tiêu “không chú trọng tăng quy mô tài sản” để rào trước đón sau cho kế hoạch này. Điều cần nhấn mạnh là đối với một tổ chức tín dụng thì việc giảm tổng tài sản là điều đại kỵ.

Cuối năm 2010, EVN đã bán thỏa thuận cho EVNFC 37,32 triệu CP của CTCP Nhiệt Điện Phả Lại (PPC). Nhờ vậy, EVNFC đã gia tăng sở hữu tại PPC từ 1,88 triệu CP lên 39,2 triệu CP, tương đương 12,02 VĐL của PPC.

Tính đến ngày 28-3 năm nay, EVN còn sở hữu 166,39 triệu PPC, tương đương 51% VĐL. Ngày 23-6, Deutsche Bank AG London (DBLD) công bố nắm giữ 16,19 triệu PPC, tương đương 5% VĐL của PPC và trở thành cổ đông lớn của công ty. Thông qua những số liệu trên đây, có thể thấy “nhà EVN” vẫn đang nắm quyền kiểm soát cực lớn tại PPC.

Việc bán cho EVNFC xem chừng là mục đích khác, EVN không được lợi nhưng EVNFC lại được rất nhiều. Hiểu một cách đơn giản, nếu EVNFC không phải là cổ đông lớn tại PPC, cho dù có là “anh em” cùng một nhà với nhau chăng nữa, PPC có thể “cự tuyệt” những quan hệ kinh doanh với EVNFC. Nhưng mọi chuyện sẽ thay đổi nếu EVNFC trở thành một cổ đông lớn.

Đầu tư mua cái lỗ

Thoạt nhìn, nhiều người sẽ nghĩ rằng việc EVN chuyển số lượng CP PPC do mình sở hữu sang cho EVNFC để thuận tiện cho việc xả hàng hoặc lướt sóng CP. Nhưng cho đến thời điểm này, những động thái của EVNFC không cho thấy điều đó.

Từ đầu năm 2011, EVNFC đã có một số giao dịch theo kiểu vừa mua vừa bán đối với PPC. Chẳng hạn mua gần 1 triệu CP và bán gần 770.000 CP, hay đăng ký mua 5 triệu CP và bán 3 triệu CP từ ngày 30-3 đến 30-5 (phần mua vẫn cao hơn bán)…

Lâu nay, người làm trong ngành tài chính vẫn râm ran về mối quan hệ “cơm không lành, canh không ngọt” giữa EVN với các công ty con của mình trong việc thương thảo giá điện. Chính vì vậy, không đời nào EVN lại bán ra thêm CP để làm giảm ảnh hưởng của mình.

NĐT luôn phải băn khoăn trước những mối quan hệ bất bình thường của các doanh nghiệp niêm yết. Ảnh: LÃ ANH

NĐT luôn phải băn khoăn trước những mối quan hệ bất bình thường
của các doanh nghiệp niêm yết. Ảnh: LÃ ANH

Ngày 10-11-2009, PPC đã ủy thác cho EVNFC 200 tỷ đồng để mua trái phiếu của EVN và trái phiếu của doanh nghiệp có uy tín. Trong năm 2010, PPC lại đầu tư 100 tỷ đồng mua trái phiếu của EVNFC. Ngoài ra PPC còn cho EVN vay 350 tỷ đồng, góp 70 tỷ đồng vào CTCP EVN Quốc Tế…

Nhiều NĐT đặt câu hỏi về vai trò của EVN và EVNFC trong các giao dịch, hay nói trắng ra là liệu PPC có bị “ép” phải đưa tiền cho các cổ đông lớn hay không? Một doanh nghiệp sản xuất điện đơn thuần tại sao phải đầu tư trái phiếu, góp vốn vào công ty khác?

Các khoản tiền vừa nêu có hơn 700 tỷ đồng. Số tiền này đem gửi ngân hàng với lãi suất ước chừng 16-17%/năm tiền lãi thu về cũng xấp xỉ 120 tỷ đồng, gấp gần 20 lần lợi nhuận trước thuế năm 2010 của PPC.

Tại thời điểm EVNFC mua 37,32 triệu PPC của EVN, giá trên sàn của PPC lúc đó vào khoảng 1.1-1.2. Căn cứ vào đây số tiền EVNFC bỏ ra đến gần 430 tỷ đồng. Nếu quả thật EVNFC mua từ EVN bằng với mức giá như vậy và thanh toán theo kiểu mua đứt bán đoạn, có thể kết luận rằng EVN không hề thiếu tiền hay cần vốn.

Bởi vào cuối tháng 4, trên một số phương tiện truyền thông, mọi người được biết EVN nợ các ông lớn khác như Vinacomin, Petro Vietnam hàng nghìn tỷ đồng. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua, giá của PPC giảm xuống chỉ còn 7.700 đồng/CP.

Như vậy số CP trên sẽ bốc hơi một khoản tương ứng khoảng 140 tỷ đồng, gần bằng 30% kế hoạch lợi nhuận năm của EVNFC. Không cần quá am hiểu về tài chính, cũng có thể vẽ ra một mối quan hệ như sau: PPC đem tiền ủy thác cho EVNFC, đồng thời cho EVNFC vay qua việc mua trái phiếu, EVNFC lại đem tiền đầu tư ngược lại vào chính PPC. Và EVNFC cũng không ngờ được, TTCK giảm, CP giảm theo và số tiền này cũng bốc hơi.

Câu chuyện: “mẹ, con và anh em”

Trở lại câu chuyện EVNFC đưa ra giải pháp kinh doanh: Đảm bảo hoạt động đầu tư được triển khai theo hướng chuyên nghiệp, minh bạch, an toàn, hiệu quả. Nhưng ngày 22-3, EVNFC đã tiến hành mua 25.000 CP PPC mà không công bố thông tin. Con số không quá lớn nhưng cho thấy hoạt động của EVNFC còn chưa minh bạch nói chi đến chuyên nghiệp.

Giải pháp “duy trì và tăng số dư góp vốn vào các đơn vị trong ngành điện” của EVNFC rất đáng suy nghĩ. Đối với những tay đầu cơ, CP điện chưa bao giờ là sự lựa chọn số 1. Trong khi đầu tư dài hạn khả năng sinh lời của CP ngành điện cũng không thuộc hàng top. Nếu xem EVNFC là cánh tay nối dài của EVN trong hoạt động đầu tư, phục vụ cho chiến lược dài hạn, lại nảy sinh câu hỏi về lợi ích dành cho cổ đông bên ngoài của EVNFC là như thế nào?

Vì người ngoài khi bỏ tiền vào một doanh nghiệp, mục tiêu hàng đầu là sinh lời. Từ đây cũng có thể đặt ra vài câu hỏi với EVN khi đã có một ABBank và trong ngân hàng này cũng có cả hoạt động đầu tư, EVN phân chia trách nhiệm, phạm vi hoạt động thế nào cho khỏi chồng chéo lên nhau?

Đứng trên góc độ cổ đông cá nhân hoặc một ban giám đốc hết mình vì lợi ích chung, nhìn dòng vốn của công ty phải chuyển đi “giúp đỡ” cho những “người nhà” khác trong khi tình hình nhà mình lại không sáng sủa cho lắm, rõ ràng là không ai mong muốn.

Nhưng như đã nói ban đầu, với quyền biểu quyết tại PPC, nếu “muốn”  EVN có thể “lật” cả ban giám đốc PPC. Liệu đây có phải là lý do khiến PPC chịu “nhún” trước “mẹ” và người “anh em” của mình chăng?

Các tin khác