EIB tăng trong nghi ngờ

(ĐTTCO)-Dù tình hình hoạt động kinh doanh chưa thật sự sáng sủa, cộng với sự xáo động mạnh về nhân sự cao cấp, nhưng CP của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã CK EIB) vẫn tăng mạnh. Đây là nguyên nhân khiến giới đầu tư đặt nhiều dấu hỏi nghi ngờ về đợt tăng nóng của EIB. 
Hoạt động kinh doanh không có gì nổi trội, ĐHCĐ nhiều lần bất thành vì tranh chấp quyền lực, nhưng CP vẫn liên tục tăng.
Hoạt động kinh doanh không có gì nổi trội, ĐHCĐ nhiều lần bất thành vì tranh chấp quyền lực, nhưng CP vẫn liên tục tăng.
Dẫn đầu sóng ngân hàng
Theo thống kê, EIB là mã CP ngân hàng tăng mạnh nhất trong 6 tháng đầu năm, với tỷ lệ tăng đạt gần 35%, từ 14.000 đồng/CP lên hơn 18.000 đồng/CP. Điều đáng nói, mức tăng của EIB cao hơn cả CP đầu ngành là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Viecombank, mã CK VCB) chỉ tăng 30%. 
Sóng tăng của VCB bắt nguồn từ kết quả kinh doanh kỷ lục của ngành ngân hàng khi lợi nhuận 6 tháng lần đầu tiên vượt mốc 10.000 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính bán niên 2019, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VCB đạt 11.280 tỷ đồng (tăng 40,7% so với cùng kỳ và hoàn thành 55% kế hoạch năm).
Sóng tăng của EIB đã giúp mã CP này có thời điểm ngấp nghé mốc 19.000 đồng/CP. Đây có thể xem là mức giá cao nhất của mã CP này kể từ khi niêm yết trên TTCK cách đây 10 năm (tháng 10-2009).
Thời điểm đó, EIB là một trong những ngân hàng nằm trong top đầu khi vốn điều lệ đạt 8.800 tỷ đồng, dư nợ tín dụng 35.000 tỷ đồng, tổng vốn huy động 45.500 tỷ đồng. Với số vốn điều lệ này EIB đứng thứ 3 sau Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank, mã CK CTG) và Vietcombank.
Tuy nhiên, IEB đã không thể giữ được vị thế của mình trước sự vươn lên mạnh mẽ của các ngân hàng đối thủ. Đỉnh điểm là quý IV-2014, EIB bất ngờ báo lỗ 678 tỷ đồng do khoản trích lập dự phòng rủi ro tăng gấp 5 lần. Mức thua lỗ này đã làm mất gần như toàn bộ lợi nhuận trong 9 tháng  năm 2014 của ngân hàng. Kết quả, lãi ròng cả năm 2014 của EIB chỉ vỏn vẹn 56 tỷ đồng. 
Đến năm 2015, EIB rơi vào vòng xoáy đấu đá nội bộ giữa 2 nhóm cổ đông, khiến tình hình kinh doanh càng thêm sa sút ở những năm sau đó. Năm 2016, có thời điểm EIB giảm xuống dưới mốc 9.000 đồng/CP. Thậm chí, 2018 trở thành năm “tai tiếng” nhất của EIB, sau sự cố nhân viên ngân hàng chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của khách hàng rồi bỏ trốn ra nước ngoài. 

Vòng xoáy quyền lực
Khi sự cố chiếm đoạt tiền khách hàng đã có phán quyết cuối cùng của tòa án, những xáo trộn và đấu đá quyền lực tại IEB vẫn chưa đi đến hồi kết. Đặc biệt, nó nóng hơn khi đến thời điểm hiện tại, EIB vẫn chưa thể tổ chức ĐHCĐ thường niên 2019, sau 2 lần bất thành cũng vì vướng những tranh chấp này. Tính từ lần tổ chức ĐHCĐ lần 1 vào tháng 3 đến nay, EIB đã 4 lần thay đổi chức danh Chủ tịch HĐQT. Thậm chí, người vừa vào ghế nóng này là ông Cao Xuân Ninh cũng đã có đơn xin từ nhiệm.
Trong đơn từ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT, ông Ninh cho biết thời gian qua, HĐQT EIB và nói rộng ra là cổ đông, nhóm cổ đông có quá nhiều bất đồng khó dung hòa, dẫn đến các tranh chấp nội bộ, gây khó khăn rất lớn trong quản trị, điều hành, ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh, hoạt động của ngân hàng. 
"Cá nhân tôi, với trách nhiệm được NHNN cử tham gia HĐQT của EIB, đã nỗ lực hết sức mình và thể theo yêu cầu đa số thành viên HĐQT, tôi chấp nhận đảm đương nhiệm vụ Chủ tịch nhằm góp phần ổn định tổ chức ngân hàng. Tuy nhiên, tôi nhận thấy các mâu thuẫn, bất đồng giữa các nhóm cổ đông, cổ đông còn tiếp diễn chưa thể dung hòa. Vì vậy, tôi đề nghị HĐQT chấp thuận để tôi từ chức Chủ tịch HĐQT" - ông Ninh chia sẻ.

Gom hàng để soán ngôi
Với kết quả kinh doanh khiêm tốn trong năm 2018, các CTCK đã khuyến nghị mã EIB từ vị thế “Nắm giữ” xuống “Kém khả quan”, với giá hợp lý chỉ ở mức 12.800 đồng/CP. 
Quay lại với đợt tăng nóng của EIB trong những tháng đầu năm, nếu cho rằng sóng tăng bắt nguồn từ kết quả kinh doanh là không hợp lý, bởi ngân hàng này vẫn đang giải quyết hậu quả từ những năm trước đó.
Theo báo cáo tài chính quý I, lợi nhuận trước thuế 3 tháng đầu năm của EIB đạt 350 tỷ đồng (giảm 37,5%). Nguyên nhân do chênh lệch ở khoản mục thu nhập góp vốn mua cổ phần. Trong khi quý I-2018, EIB có được khoản thu đột biến hơn 500 tỷ đồng từ việc thoái sạch vốn khỏi Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank, mã CK STB). 
Ngoài ra, hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng kém khả quan, lãi chỉ đạt 23 tỷ đồng (giảm 60%), lãi từ hoạt động khác 38 tỷ đồng (giảm 19%). Đáng chú ý, nợ xấu của EIB tính đến 31-3 là 1.895 tỷ đồng (giảm 25 tỷ đồng), nhưng do tổng dư nợ cho vay sụt giảm nên tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay vẫn tăng từ mức 1,85% lên 1,88%.
Như vậy, sóng tăng của EIB có thể đến từ những đợt gom hàng khá bí ẩn trên TTCK. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, hơn 230 triệu CP EIB được giao dịch thỏa thuận với giá trị đạt trên 4.145 tỷ đồng. Trong đó, có những phiên giao dịch thỏa thuận với trị giá hàng ngàn tỷ đồng trong tháng 3 và tháng 4 vừa qua.
Những thương vụ mua bán này được cho sẽ dẫn đến những thay đổi lớn về sở hữu của các nhóm cổ đông và quyết định “ông chủ” của ngân hàng này trong thời gian tới. Với mục tiêu này, bên gom hàng sẽ không ngần ngại về giá, và đây chính là yếu tố đẩy giá CP EIB lên đỉnh. 
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa thể xác định được ai là người đứng sau các thương vụ mua bán này do không liên quan đến các cổ đông lớn (nắm hơn 5% vốn điều lệ).
Hiện cổ đông lớn nhất của EIB được công bố chính thức trước mùa ĐHCĐ 2019 là Sumitomo Mitsui Banking Corp (Nhật Bản) nắm 15% vốn điều lệ. Kế đến là VOF Investment Limited (4,97%) và Vietcombank (4,82%), CTCK ACB (3,93%), Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC (2,07%), bà Lương Thị Cẩm Tú (1,12%). 

Các tin khác