DQC đang tìm lối thoát?

(ĐTTCO) - Sau những lùm xùm về việc sở hữu CP của cổ đông nội bộ, CTCP Bóng đèn Điện Quang (DQC) lại tiếp tục gặp khó trước sức ép cạnh tranh từ các sản phẩm cùng loại của Trung Quốc. 
Vấn đề cổ đông quan tâm nhất hiện nay đối với DQC là các giải pháp vượt qua khó khăn để cứu giá CP chứ không phải bằng giải pháp mua lại CP quỹ như cách lãnh đạo doanh nghiệp này đang thực hiện.
Sức ép từ hàng nhập khẩu
Theo các số liệu từ BCTC quý III đây là quý kinh doanh cực kỳ kém hiệu quả của DQC với doanh thu đạt 679,5 tỷ đồng (giảm 3%) và lợi nhuận sau thuế đạt 74,39 tỷ đồng (giảm 51%). Như vậy sau 3 quý kinh doanh, DQC mới chỉ hoàn thành 64,7% doanh thu và 49,6% lợi nhuận kế hoạch cả năm 2017. Về doanh thu, sự chuyển dịch cơ cấu bán hàng tiếp tục diễn ra khi mảng bóng đèn truyền thống giảm đến 40%, trong khi đèn LED tăng gần 50% và hiện đang chiếm 37% tổng doanh thu. Trong khi đó, mặt hàng gia dụng không đột biến và chiếm khoảng 15-20% tổng doanh thu.
Về lợi nhuận, hiệu quả của DQC giảm mạnh do: giảm giá bán cả 2 dòng sản phẩm đèn truyền thống và đèn LED để giữ thị phần, khiến biên lợi nhuận gộp giảm từ 27,6% cùng kỳ còn 23,5%; doanh thu tài chính giảm đáng kể, do cùng kỳ 2016 có ghi nhận thu nhập về chênh lệch tỷ giá và hàng bán trả chậm xuất phát từ khoản công nợ Cuba đã thanh toán hết từ quý I. 
 Giá tham chiếu của DQC trong phiên giao dịch ngày hôm qua (6-12) là 38.000 đồng/CP. Đây là mức giá thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây nhưng việc giải ngân vào DQC chưa thể là khoản đầu tư an toàn, cho đến khi doanh nghiệp tạo nên sự khác biệt giữa sản phẩm chất lượng cao so với hàng nhập khẩu Trung Quốc.
Có thể nói, nguyên nhân chính khiến cho DQC rơi vào tình trạng khó khăn như hiện tại là sự cạnh tranh quyết liệt từ các nhãn hiệu Trung Quốc. Hiện đèn LED Trung Quốc với giá bán rẻ hơn đã khiến diễn biến cạnh tranh trong ngành ngày càng phức tạp. Theo CTCK Bảo Việt (BVSC), giá bán của hàng Trung Quốc có sức cạnh tranh cao là do khai khống chất lượng sản phẩm (thí dụ như các chỉ số về hiệu suất sử dụng năng lượng), khiến cho giá bán thấp hơn hàng đúng chất lượng cùng loại của DQC. Ngoài ra, sản phẩm Trung Quốc còn tránh thuế VAT và đi thẳng vào các cửa hàng nhỏ lẻ nên tiết kiệm được một phần chi phí. Hiện biên lợi nhuận của các cửa hàng nhỏ lẻ lên đến 40% khi bán hàng Trung Quốc so với 10% khi bán hàng của DQC.

Nỗ lực xoay chuyển
Trước sức ép cạnh tranh từ các sản phẩm nhập ngoại, DQC đã có những giải pháp nhằm cắt giảm chi phí sản xuất. Một trong những giải pháp đó là thu hẹp và tối đa hóa hiệu quả của hệ thống phân phối. Hiện DQC đang có 150 đại lý bán lẻ cấp 1 trên toàn quốc, trong đó có 20 đại lý cấp 1 tại TPHCM. Các đại lý hoạt động ổn định, nhưng do đánh giá một số khu vực có nhiều đại lý hoạt động không hiệu quả nên DQC đang có kế hoạch sáp nhập lại tại một số tỉnh. Song song đó, DQC sẽ chủ động giới thiệu nhiều dòng sản phẩm mới ra thị trường nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và tạo tiềm năng tăng trưởng. 
DQC đang tìm lối thoát? ảnh 1 Hiện DQC đưa sản phẩm mới đèn led ra thị trường nhưng vẫn khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc. 
Mới đây, DQC đã tung sản phẩm đèn compact LED và đặt kế hoạch triển khai các đèn LED thủy tinh khác trong thời gian tới: như Pegasus (ra mắt trong tháng 11) và đèn LED tube không thân (ra mắt trong tháng 12). Đồng thời DQC đang triển khai hệ thống đèn dành cho Smart House sử dụng smartphone để điều khiển từ xa bao gồm phần mềm, servers và thiết bị phần cứng, công tắc thông minh sử dụng cho nhiều hệ thống điện và Internet of Things. Hiện DQC chưa thực hiện xong khảo sát nhưng theo đánh giá sơ bộ ban đầu thì các sản phẩm liên quan đến công nghệ cao sẽ đóng góp khoảng 500 tỷ đồng doanh thu mỗi năm khi đã đi vào kinh doanh ổn định.  
Ngoài 2 giải pháp trên, DQC sẽ chủ động tham tham gia đấu thầu dự án chiếu sáng ở TPHCM nhằm đẩy mạnh doanh thu bán hàng. Theo nhận định của DQC, TPHCM đang có 200.000 điểm sáng và dự định sẽ tăng lên 1 triệu điểm sáng và chuyển sang sử dụng đèn LED. Tổng đầu tư của dự án là 1.300 tỷ đồng và sẽ được thực hiện cuốn chiếu với giá trị khoảng 200-300 tỷ đồng. DQC cũng vừa triển khai đấu thầu dự án làm đèn đường ở TPHCM dựa trên kinh nghiệm đã từng làm thử nghiệm đèn đường ở Bạc Liêu. Dự toán gói thầu của DQC có giá trị trên 10 tỷ đồng và đã tính chi phí thầu vào trong chi phí đầu tư của nhà máy mới.
Để tạo niềm tin cho cổ đông về các chiến lược trên, DQC công bố quyết định mua lại CP quỹ. Theo kế hoạch, DQC lên phương án mua lại tối đa 993.540 CP quỹ từ nguồn thặng dư vốn cổ phần với giá mua dự kiến không quá 45.000 đồng/CP. Giao dịch dự kiến từ ngày 19-11 đến 19-12 theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Giải trình về quyết định mua CP quỹ, lãnh đạo DQC cho rằng việc mua lại CP quỹ là giá của DQC đã xuống tới mức thấp. Đồng thời DQC cũng thể hiện việc tin tưởng vào khả năng kinh doanh của doanh nghiệp trong tương lai. Do UBCKNN vẫn chưa cho phép giao dịch và yêu cầu hoàn tất việc nộp một số giấy tờ liên quan đến kinh doanh, nên việc mua lại vẫn chưa diễn ra. 
Tuy nhiên, giải pháp cứu giá bằng CP quỹ không được cổ đông đánh giá cao, bởi đây không phải là giải pháp căn cơ đối với một doanh nghệp đang gặp quá nhiều khó khăn như DQC. 

Các tin khác