Dòng tiền đầu cơ vẫn chực chờ!

Từ đầu năm 2011, thanh khoản trên TTCK bị sụt giảm mạnh so với bình quân giao dịch năm 2010. Đã có ý kiến cho rằng dòng tiền đã rời bỏ CK và chảy vào dài hạn tại các kênh đầu tư đỡ rủi ro hơn như vàng, ngoại tệ, tiết kiệm ngân hàng… Tuy nhiên, thống kê chi tiết về tài khoản tiền của thị trường cho thấy, dòng tiền vẫn đang chờ cơ hội đầu tư.

Từ đầu năm 2011, thanh khoản trên TTCK bị sụt giảm mạnh so với bình quân giao dịch năm 2010. Đã có ý kiến cho rằng dòng tiền đã rời bỏ CK và chảy vào dài hạn tại các kênh đầu tư đỡ rủi ro hơn như vàng, ngoại tệ, tiết kiệm ngân hàng… Tuy nhiên, thống kê chi tiết về tài khoản tiền của thị trường cho thấy, dòng tiền vẫn đang chờ cơ hội đầu tư.

Gần đây, sau cuộc đảo chiều bất thành đầu tháng 6, đã có nhiều ý kiến nhận định rằng, vấn đề quan trọng nhất của thị trường là dòng tiền ở đâu. Áp lực dòng tiền càng lớn hơn khi những thông tin về khả năng dư nợ cho vay chứng khoán của các NHTM có thể sẽ giảm đi 6 lần trong thời gian tới, dự kiến bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/10/2012 (như Dự thảo Thông tư quy định về các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng).

Thêm vào đó, dự thảo hướng dẫn giao dịch ký quỹ quy định tỷ lệ cho vay 30% tổng giá trị chứng khoán đầu tư bị coi là quá thấp so với mức hiện tại, cũng khiến nhiều nhà đầu tư bi quan về khả năng dòng vốn tín dụng cho chứng khoán sẽ ngày càng ít đi.

Điều này càng đáng để NĐT quan tâm hơn khi theo thời gian, lượng chứng khoán của các DN mới niêm yết cũng ngày một lớn, số tiền bị hút ra khỏi thị trường do các đợt phát hành năm 2011 là khá cao. Thống kê của StoxPlus cho thấy, năm 2011 các DN niêm yết có kế hoạch phát hành thêm 27,4 nghìn tỷ đồng, tương đương 5,05 tỷ cổ phiếu mới; con số thực tế đã phát hành đến hết tháng 5/2011 là 12,6 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, nghiên cứu chi tiết lại cho thấy một bức tranh hoàn toàn khác về dòng tiền tiềm ẩn của TTCK. Theo thống kê của UBCKNN tính đến ngày 30/6/2011, dư nợ tài khoản tiền gửi của NĐT tại các tài khoản giao dịch chứng khoán mà CTCK mở tại ngân hàng là xấp xỉ 5.000 tỷ đồng. Số tiền này tương đương với giá trị của 7 phiên giao dịch trong bối cảnh thị trường như hiện tại.

Nhưng có một điểm mà nhiều NĐT đều nhận thấy là số tiền này trên thực tế nhỏ hơn so với số dư tiền thực tế mà NĐT có thể bỏ vào TTCK. Trong bối cảnh lãi suất cao như hiện tại, với số tiền lớn, NĐT thậm chí có thể kiếm tới 20%/năm, nếu đem đi gửi ngân hàng, nên ít NĐT để tiền ở tài khoản không kỳ hạn.

NĐT Nguyễn Anh Nguyên tại Hà Nội nhận xét, “Chẳng dại gì đem nộp tiền vào tài khoản CTCK lúc này. Mình được hưởng ưu đãi nộp tiền T+2 sau khi mua chứng khoán, thấy thị trường tốt thì đặt lệnh rồi chuyển tiền sau”. Đây cũng là tâm lý chung của đa phần NĐT hiện nay. Chính vì thế, 5.000 tỷ đồng “lưu” lại cá CTCK có thể coi là số tiền “gắn bó” với thị trường của những NĐT ưa lướt lát.

Anh Nguyễn Anh Đức, phụ trách phòng môi giới VIP tại CTCK T. cho biết, lịch sử cho thấy, dù trước đó tình hình chung u ám đến mức nào, cứ khi nào thị trường có tín hiệu tích cực là NĐT sẽ ngay lập tức đến nộp tiền vào tài khoản rất mạnh. “Quan trọng vẫn là tín hiệu cho đà đi lên mà thôi. Dòng tiền đầu cơ luôn sẵn sàng vào thị trường khi thấy cơ hội kiếm lời”, anh Đức nhận xét.

Thêm một điểm có thể coi là tích cực với nguồn tiền có sẵn trong thị trường, đó là lượng tiền tự doanh của CTCK. Đến thời điểm 30/6, CTCK Kim Long có 1.920 tỷ đồng tiền đang để trong tài khoản tiết kiệm. tại CTCK VNDirect, số liệu cuối quý I/2011 cho thấy, nếu trừ đi các khoản phải trả khác (cho giao dịch chứng khoán), thì công ty cũng còn khoảng 300 tỷ đồng tiền và tương đương tiền.

Đến thời điểm này, do chưa có báo cáo tài chính quý II/2011 nên chưa thể tổng kết được lượng tiền mặt thực tế của các CTCK hiện là bao nhiêu, nhưng nhìn diễn biến giao dịch chứng khoán tự doanh theo số liệu tổng kết của hai Sở GDCK thì về cơ bản, tài khoản tiền của các CTCK chưa bị thay đổi nhiều so với cuối quý I.

Thêm vào đó, cầu thị trường có thể kể đến nhóm quỹ đầu tư chứng khoán. Giám đốc đầu tư một công ty quản lý quỹ tại Hà Nội cho biết, dù không thành lập được quỹ chính thức, nhưng mỗi cơ hội đầu tư được trình ra, công ty có thể huy động được khoảng 2.000 tỷ đồng đầu tư trong từng giai đoạn. Thậm chí, trong quá khứ, con số này đã tăng lên mức 20.000 tỷ đồng cho toàn danh mục, bao gồm cả đầu tư trái phiếu. Tuy nhiên, dòng tiền này chỉ vào thị trường khi có cơ hội và họ chấp nhận đứng ngoài nếu cảm thấy chưa an toàn.

Như vậy, dòng tiền từ các thành viên tham gia thị trường có tiềm năng tăng mạnh, nếu thị trường có xu hướng tăng trưởng tốt. Vấn đề còn lại, theo nhiều ý kiến, là nằm ở nguồn tín dụng cho TTCK. Trong Báo cáo chiến lược ra tháng 6/2011 của CTCK Chứng khoán TP.HCM (HSC), công ty này nhận định rằng, trong vài tháng tới,  dư nợ cho vay chứng khoán và cho vay ký quỹ sẽ tiếp tục giảm, nhưng chỉ giảm nhẹ. Điều này là do có những quy định chặt chẽ hơn đối với hoạt động cho vay lĩnh vực chứng khoán áp dụng với cả ngân hàng và các CTCK. Vậy suy giảm tín dụng chứng khoán có thực sự đáng lo ngại?

Tổng hợp từ các ngân hàng cho thấy, dư nợ tín dụng của các NHTM cho vay chứng khoán hiện tại chỉ còn chưa đầy 7.000 tỷ đồng. Theo dự thảo Thông tư quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, nếu tính 3% vốn chủ sở hữu của các NHTM, sẽ tương đương với yêu cầu vốn chủ sở hữu khoảng 233.333 tỷ đồng.

Trong khi đó, riêng 7 NHTM niêm yết đã có vốn chủ sở hữu lên tới gần 100.000 tỷ đồng, chưa kể vốn chủ sở hữu của 40 NHTM khác, trong đó nhiều ngân hàng có quy mô vốn điều lệ lớn như Agribank (20.709 tỷ đồng), BIDV (14.373 tỷ đồng, dự kiến tăng lên 17.000 – 18.000 tỷ đồng), MB (7.300 tỷ đồng, dự kiến tăng lên 10.000 tỷ đồng), MHB (4.515 tỷ đồng), Maritime Bank (5.000 tỷ đồng, dự kiến tăng lên 8.000 tỷ đồng)…

Vì vậy, nếu loại bỏ yếu tố lách luật thì tín dụng cho chứng khoán vẫn còn room khá lớn, nếu tất cả các NHTM cho vay hết khả năng. Điều này còn chưa kể đến những trường hợp NĐT dùng tài sản thực thế chấp để vay đầu tư kinh doanh chứng khoán.

Chưa kể, ngân hàng không phải kênh tín dụng duy nhất cho thị trường. Tìm hiểu tại các CTCK cho thấy, nguồn cung tín dụng cho khách hàng đến từ 4 nguồn, bao gồm: tiền tự có của CTCK, tiền của NH, của DN khác và của chính những NĐT có nguồn tiền cho vay.

Theo thống kê sơ bộ, vốn chủ sở hữu của 52 CTCK tính đến cuối năm 2010 xấp xỉ 30.000 tỷ đồng. Chiếu theo dự thảo về margin thì số tiền mà nhóm này có thể cho vay tối đa lên tới 60.000 tỷ đồng. Con số này chưa bao gồm 50 CTCK khác chưa được thống kê. Điều đáng nói là dự thảo margin chỉ quy định tổng mức cho vay tối đa của CTCK, mà không yêu cầu nguồn này đến từ đâu, nên “cửa” cho tín dụng chứng khoán vẫn còn rộng mở.

Dòng tiền thông minh sẽ tìm đến những nơi có khả năng sinh lời cao. Vì thế, với tiềm năng dòng tiền lớn đang chực chờ ngoài thị trường, điều quan trọng với TTCK lúc này không phải là tiền ở đâu, mà khi nào có cơ hội tốt để giải ngân.

Các tin khác