Doanh nghiệp điện phân hóa lợi nhuận

(ĐTTCO) - Theo dự báo của Viện Nghiên cứu Thời tiết quốc tế của Đại học Columbia (Hoa Kỳ), xác suất xảy ra hiện tượng thời tiết gây khô hạn là El Nino kể từ cuối năm 2018 đến giữa năm 2019 là trên 70%, đặc biệt giai đoạn đầu năm 2019 xác suất xảy ra El Nino trên 90%. 
Cùng với đó, theo quan sát hơn 10 năm gần đây cho thấy, thủy văn thuận lợi khó diễn ra 3 năm liên tiếp, đặc biệt là sau 2 năm đặc biệt thuận lợi như 2017 và 2018. Do vậy, tình hình thủy văn năm 2019 sẽ không còn thuận lợi như 2 năm gần đây.
Điều này dẫn tới nguồn cung điện từ các nhà máy thủy điện sẽ bị sụt giảm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ cần phải huy động nhiều hơn từ các công ty nhiệt điện, và giá điện trên thị trường điện cạnh tranh có thể tiếp tục ở mức cao. Trước đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thủy điện đã khởi sắc nhờ hưởng lợi từ hiện tượng thời tiết La Nina gây mưa trên diện rộng (đã kết thúc vào cuối năm 2018).
Đối với các nhà máy nhiệt điện khí sử dụng khí tự nhiên từ các mỏ ở thềm lục địa Việt Nam làm nguyên liệu chính và nguyên liệu dự phòng là dầu DO. Chi phí nguyên liệu là chi phí chủ yếu của các nhà máy điện khí và chiếm khoảng 77% giá vốn hàng bán. Giá khí mua vào của các nhà máy điện khí thông thường được neo theo 46% MFO (giá dầu FO tại thị trường Singapore) cộng với chi phí vận chuyển.
Còn đối với giá dầu WTI đã tăng đến 192% kể từ mức đáy đầu năm 2016, đã kéo theo sự tăng lên của giá dầu FO và dẫn tới sự gia tăng giá khí, làm cho giá vốn sản xuất điện của các nhà máy nhiệt điện tăng mạnh. Điều này làm cho các nhà máy điện khí giảm năng lực cạnh tranh trên thị trường phát điện cạnh tranh và giảm lợi nhuận gộp. 
Tuy nhiên, kể từ tháng 10-2018, giá dầu WTI bất ngờ lao dốc với mức giảm lên tới 41,6% chỉ sau 3 tháng. Giá dầu FO Platts Singapore mặc dù chuyển động cùng xu hướng với giá dầu WTI nhưng có độ trễ, vì vậy mức giảm kể từ đỉnh tháng 10-2018 là 28,8%, dẫn tới giá khí đầu vào cho các nhà máy điện khí giảm khoảng 15% (do phí vận chuyển không thay đổi nên giá khí không giảm tương ứng với mức giảm của dầu FO).
Doanh nghiệp điện phân hóa lợi nhuận ảnh 1 Ảnh minh họa.
 Theo phân tích của CTCK Bảo Việt (BVSC), giá khí tự nhiên giảm diễn ra cùng với giai đoạn giá điện trên thị trường cạnh tranh liên tục duy trì ở mức cao, tạo ra điện kiện thuận lợi cho các nhà máy điện khí đẩy mạnh phát điện trên thị trường cạnh tranh để gia tăng lợi nhuận trong quý IV-2018, và kỳ vọng xu hướng này tiếp tục trong năm 2019.
Với nhóm nhiệt điện cũng có sự phân hóa giữa các doanh nghiệp sử dụng nhiên liệu đầu vào là dầu và than. Nếu doanh nghiệp sử dụng dầu DO đang hưởng lợi từ việc giảm giá, thì doanh nghiệp sử dụng than lại đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn cung.
Theo thông tin từ Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), tập đoàn này không đảm bảo phần vượt quá sản lượng theo hợp đồng do nhiều nhà máy điện than chưa ký hợp đồng mua than dài hạn, dẫn tới việc không chủ động được kế hoạch sản xuất và cung ứng than. Sản lượng than thiếu hụt làm cho các nhà máy điện than không thể đẩy mạnh việc phát điện lên thị trường phát điện cạnh tranh, và tạo thành một trong những tác nhân làm cho giá trên thị trường phát điện cạnh tranh tăng cao. 

Các tin khác