Doanh nghiệp bán lẻ trước thời khắc “sinh tử”

(ĐTTCO) - Hiện nay, mô hình phát triển bằng việc mở cửa hàng để tranh giành thị phần bán lẻ đang dần đến hồi kết. Trong bối cảnh đó, bán lẻ trải nghiệm đang là hình thức được nhiều tên tuổi lớn theo đuổi nhằm tồn tại trong môi trường cạnh tranh đang càng gay gắt.

“Bom hẹn giờ”
Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển của chu kỳ bán lẻ. Ở giai đoạn này, đa số các ngành còn phân mảnh, tạo điều kiện để các chuỗi bán lẻ lớn có thể tăng trưởng bằng việc mở chuỗi cửa hàng như thực phẩm, trang sức, dược phẩm, trang trí nội thất…
 Bán lẻ trải nghiệm là hình thức nhà bán lẻ cung cấp cho người tiêu dùng cơ hội để mua một trải nghiệm, thay vì chỉ một sản phẩm hoặc dịch vụ. Hay nói cách khác, người tiêu dùng mua một kỷ niệm.
Với lợi thế đến từ quy mô, quy trình quản lý và dịch vụ chuyên nghiệp, chất lượng sản phẩm được đảm bảo, các chuỗi này được kỳ vọng giành thêm thị phần từ mô hình bán lẻ truyền thống.
Tuy nhiên, theo CTCK Rồng Việt (VDSC), ở một số ngành phát triển sớm như điện thoại di động, máy tính cá nhân và điện máy tiêu dùng, đã bước vào giai đoạn trưởng thành và không còn nhiều dư địa tăng trưởng. Thêm vào đó, sự phát triển của thương mại điện tử cũng là “bom hẹn giờ” đối với các doanh nghiệp bán lẻ như CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG), hay CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FRT). 
Theo xu thế hiện nay, sau giai đoạn phát triển là giai đoạn trưởng thành và suy thoái.
Ở giai đoạn trưởng thành, thị trường bán lẻ phát triển tới mức cao, cùng với đó là tốc độ tăng trưởng chậm lại về doanh thu. Sau giai đoạn này, thị trường bán lẻ bước vào giai đoạn bão hòa và đi xuống do doanh số sụt giảm. Trong giai đoạn suy thoái này, các doanh nghiệp đứng trước các lựa chọn sống còn. Đầu tiên là hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) với các doanh nghiệp cùng ngành, như MWG mua lại Trần Anh, Vinpro thâu tóm Viễn Thông A, hay Phong Vũ sáp nhập với Tekshop.
Một giải pháp được nhiều doanh nghiệp lựa chọn là mở rộng sang lĩnh vực bán lẻ khác. Trong đó, chuỗi bán lẻ thực phẩm Bách Hóa Xanh của MWG, hay chuỗi nhà thuốc Long Châu của FRT là những thí dụ điển hình. Tuy vậy, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, giúp doanh nghiệp nhanh chóng đặt chân vào phân khúc/thị trường mới.
Doanh nghiệp bán lẻ trước thời khắc “sinh tử” ảnh 1 Sự phát triển của thương mại điện tử sẽ gây khó khăn cho các cửa hàng bán lẻ như MWG. 
Thay đổi hoặc thất bại 
Theo VDSC, tại các thị trường bán lẻ đã ở giai đoạn suy thoái như Bắc Mỹ, Tây Âu hay Australia, các doanh nghiệp bán lẻ truyền thống đang thực sự gặp khó khăn. Sự lớn mạnh của thương mại điện tử cũng như việc các doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến mở rộng sang bán lẻ ngoại tuyến (bán lẻ đa kênh), đang khiến sự cạnh tranh trong ngành trở nên gay gắt hơn bao giờ hết.
Gần đây, chuỗi bán lẻ đồ chơi Toys R Us công bố kế hoạch đóng cửa, hoặc bán toàn bộ hơn 800 cửa hàng đồ chơi của mình trên toàn Hoa Kỳ. Hay chuỗi thời trang cao cấp Michael Kors đóng 125 trong số 429 cửa hàng cuối năm 2017; chuỗi bán lẻ hàng điện tử Best Buy đóng 257 trong số 1.008 cửa hàng tại Hoa Kỳ; Dick Smith, chuỗi bán lẻ điện tử lớn của Australia, tuyên bố phá sản vào năm 2016. Đây đều là những thí dụ điển hình về các “tượng đài” bán lẻ hụt hơi trước thay đổi của ngành.
Thực tế này cho thấy, muốn sống được doanh nghiệp phải chủ động tự làm mới bản thân, như bán hàng đa kênh (omni channel) và bán lẻ trải nghiệm (experiential retail) đang là những xu thế của ngành bán lẻ trên thế giới. Trong đó, bán lẻ trải nghiệm là mô hình mới được nhiều chuỗi bán lẻ truyền thống (brick-and-mortar stores) theo đuổi vì giúp tận dụng được mặt bằng bán lẻ sẵn có.
Một nghiên cứu được thực hiện bởi Cosaris Ltd (một công ty tư vấn tại Anh) năm 2017, khảo sát trên 500 tổ chức (doanh nghiệp bán lẻ, nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ) tại châu Âu, đã cho ra kết quả đáng chú ý. Đại diện các doanh nghiệp và chuyên gia đã tự đánh giá các yếu tố quan trọng của bán lẻ, cũng như khoảng cách giữa năng lực hiện tại của các công ty và mức yêu cầu cho thành công trong tương lai. Kết quả cho thấy các công ty bán lẻ cần phải cải thiện ở nhiều khía cạnh, đặc biệt là các mặt có liên quan đến mức độ tiếp cận và trải nghiệm của khách hàng.
Tại Việt Nam, các cửa hàng vật lý của MWG, FRT hay CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) vẫn có lợi thế từ độ bao phủ rộng cùng với tâm lý còn ngại mua hàng qua mạng của người tiêu dùng. Tuy nhiên, sự phát triển của thị trường bán lẻ và thương mại điện tử sớm muộn sẽ đặt các doanh nghiệp bán lẻ truyền thống trước lựa chọn: để các cửa hàng của mình trở thành gánh nặng khi không còn có thể cạnh tranh về sự tiện lợi với bán lẻ trực tuyến, hoặc biến các cửa hàng sẵn có thành lợi thế cạnh tranh bằng mô hình bán lẻ trải nghiệm.

Các tin khác