Điện Quang chưa sáng

ĐHCĐ thường niên 2011 của CTCP Bóng đèn Điện Quang (DQC) tổ chức vào hôm qua đã tập trung mổ xẻ các vấn đề: thu hồi công nợ từ Cuba, thực hiện dự án tại Venezuela, mở rộng thị phần trong nước...

ĐHCĐ thường niên 2011 của CTCP Bóng đèn Điện Quang (DQC) tổ chức vào hôm qua đã tập trung mổ xẻ các vấn đề: thu hồi công nợ từ Cuba, thực hiện dự án tại Venezuela, mở rộng thị phần trong nước...

Từ những con số

Năm 2010, DQC đạt 583,02 tỷ đồng doanh thu thuần (tăng 25,25% so với năm 2009), lợi nhuận sau thuế 45,43 tỷ đồng (tăng hơn 8 lần so với năm 2009), chia cổ tức 12% trên vốn điều lệ. Cũng trong giai đoạn này, tỷ lệ lãi gộp/doanh thu đã tăng từ 15,25% lên 27,26%, lãi ròng/doanh thu từ 1,13% lên 7,79%, chi phí quản lý/doanh thu thuần chỉ tăng nhẹ từ 15,54% lên 16,54%. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh tăng từ 22 tỷ đồng lên hơn 91 tỷ đồng. Doanh thu xuất khẩu năm 2010 đạt kim ngạch 10,8 triệu USD, tăng 65,92% so với năm 2009. Mặc dù vậy, doanh thu tại thị trường nội địa không đạt được mức tăng trưởng 30% như kỳ vọng của HĐQT. Năm 2011, DQC đề ra kế hoạch doanh thu 699 tỷ đồng (tăng trưởng 20%), lợi nhuận trước thuế 55,5 tỷ đồng (tăng trưởng 5%), chia cổ tức 15%.

Trong báo cáo kiểm toán BCTC hợp nhất 2010 của DQC có phần ý kiến của kiểm toán viên như sau: Khoản lãi trả chậm năm 2010 từ Công ty Consumimport (Cuba) đã được đối chiếu, xác nhận số tiền là 6,15 triệu USD, đơn vị đã hạch toán vào thu nhập hoạt động tài chính một phần tương ứng với chi phí lãi vay ngân hàng là 2,83 triệu USD, tương đương 55,09 tỷ đồng. Phần lãi trả chậm còn lại 3,33 triệu USD được treo trên khoản phải trả khác. Theo ý kiến của đơn vị, khoản lãi phải thu do khách hàng Cuba trả chậm được thực hiện theo Chương trình hợp tác liên Chính phủ Việt Nam - Cuba. Thực tế cho thấy khả năng thu hồi khoản lãi trả chậm này chưa chắc chắn, do đó để đảm bảo nguyên tắc thận trọng, đơn vị chưa hạch toán vào thu nhập hoạt động tài chính.

Như đã biết, khoản công nợ phải thu Công ty Consumimport đến 56,4 triệu USD, là nguyên nhân quan trọng khiến DQC gặp khó khăn trong kinh doanh những năm vừa qua. Khoản công nợ này phát sinh từ hợp đồng bán hàng theo chương trình hợp tác liên Chính phủ Việt Nam - Cuba đã quá hạn thanh toán nên DQC đã được hưởng thêm một khoản lãi theo hợp đồng. Cái lý của đơn vị kiểm toán đưa ra là khả năng thu hồi khoản lãi này chưa chắc chắn nên DQC không nên hạch toán vào thu nhập tài chính để từ đó lấy khoản thu nhập này bù đắp cho lãi vay ngân hàng, nói nôm na đây vẫn là khoản “tiền ảo”.

Cũng cần nói thêm, khoản lãi vay ngân hàng của DQC mới chỉ nằm ở mức độ ghi nhận chứ công ty chưa đem tiền ra trả. Hiểu một cách đơn giản, DQC đã hạch toán theo kiểu lấy một khoản thu (lãi trả chậm) để đắp vào một khoản chi (lãi ngân hàng), nhưng cả 2 khoản này đều mới chỉ dừng lại trên các bút toán. Một chuyên gia tài chính có nhiều kinh nghiệm cho biết xét về nguyên tắc kế toán, nếu muốn “chơi trội” DQC vẫn có thể hạch toán thẳng 6,15 triệu USD vào thu nhập tài chính thay vì chỉ hạch toán 2,83 triệu USD, lúc này lợi nhuận của DQC có thể tăng thêm 70 tỷ đồng. Nhưng điều này sẽ không phù hợp với nguyên tắc thận trọng của kiểm toán, đồng thời sẽ bị các cổ đông “soi” rất kỹ. Giải pháp hạch toán một phần khoản lãi trả chậm được xem là trung hòa giữa sự thận trọng và lạc quan.

ĐHCĐ thường niên 2011 của CTCP Bóng đèn Điện Quang. Ảnh: ĐẠi DŨNG

ĐHCĐ thường niên 2011 của CTCP Bóng đèn Điện Quang. Ảnh: ĐẠi DŨNG

 An toàn nhưng chưa an tâm

Từ khi DQC lên sàn đến nay, hầu hết những đợt sóng của CP này đều ít nhiều dính dáng đến câu chuyện công nợ từ hợp đồng xuất khẩu bóng đèn compact sang Cuba. Trong hơn 1.700 tỷ đồng tổng tài sản của DQC, công nợ từ Cuba đã chiếm hơn 60%, nên khi khoản mục này thay đổi sẽ tác động đáng kể đến hoạt động kinh doanh của công ty. Để phục vụ cho hợp đồng với đối tác Cuba, DQC đã phải vay ngân hàng hơn 490 tỷ đồng với lãi suất 0,75%/tháng được đảm bảo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, Công văn 146/TBCP ngày 31-5-2010 của Văn phòng Chính phủ đã cho phép DQC không phải trích lập dự phòng đối với khoản công nợ từ Cuba và khoản nợ hơn 490 tỷ đồng vay ngân hàng. Điều này đã giảm áp lực đáng kể cho DQC trong việc đòi nợ và trả nợ.

Ông Hồ Quỳnh Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ DQC, cho biết DQC và Consumimport đã thiết lập được kế hoạch trả nợ bên lề hội nghị liên Chính phủ Việt Nam - Cuba vào cuối năm 2010. Theo kế hoạch này, phía đối tác cam kết trả nợ cho DQC trong 6 năm, 2 tháng đầu năm nay DQC đã được trả nợ số tiền hơn 2,1 triệu USD. Dự kiến đến cuối năm nay, khả năng DQC sẽ thu hồi nợ khoảng 12 triệu USD. Câu hỏi được đặt ra là số tiền này sẽ được sử dụng vào việc gì. Hiện phía DQC đang đàm phán với ngân hàng để vừa có thể trả nợ nhưng đồng thời cũng giữ lại một phần nhằm phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Giả định từ nay đến cuối năm phía đối tác trả nợ đúng hạn cho DQC theo tiến độ 1 triệu USD/tháng và DQC được phép giữ lại 30%, 70% còn lại trả ngân hàng thì phần tiền mặt cũng sẽ tăng thêm khoảng 75 tỷ đồng, bằng khoảng 1,5 lần so với lượng tiền mặt hiện nay của công ty.

Trước nhận xét về việc đã quá tập trung cho thị phần xuất khẩu mà để ngỏ thị trường trong nước, ban lãnh đạo của DQC cho biết Việt Nam là một trong những nước mà các nhà sản xuất bóng đèn nội địa đủ sức cạnh tranh với các tên tuổi từ nước ngoài. Thị phần bóng đèn tại một số nước trong khu vực Đông Nam Á hiện rơi vào tay các thương hiệu như Philips, Toshiba. Thị trường xuất khẩu được nhắm đến với mục đích nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh để từ đó tác động tích cực đối với thị trường nội địa. Đối với thị trường nội địa, mặc dù tốc độ tăng trưởng thị phần không cao nhưng lại là sân nhà, nơi DQC tạo dựng và củng cố thương hiệu đồng thời kiểm soát được hệ thống phân phối. Nhưng việc quá tập trung cho thị trường xuất khẩu, để mất lợi thế trên sân nhà, rồi sau đó phải vất vả giành lại, rõ ràng là một bài học cho DQC. 

DQC cho biết hiện nay tại khu vực Mỹ Latin vẫn chưa có nhà máy sản xuất bóng đèn nào, nên kỳ vọng dự án liên doanh với đối tác tại Venezuela (VietVen) sẽ tạo ra chuyển biến tích cực. Đặc biệt, việc chỉ tập trung vào sản xuất bóng đèn compact tiết kiệm điện theo xu thế chung của thế giới sẽ giúp nhà máy này có nhiều lợi thế về mặt thị phần. Tỷ lệ góp vốn của DQC trong dự án này là 25-30% theo từng giai đoạn và góp bằng công nghệ. 

Qua những gì ban lãnh đạo DQC công bố, nhiều khả năng hoạt động kinh doanh của DQC sẽ tiếp tục được cải thiện trong năm 2011. Nhưng liệu điều đó có tạo lực đẩy cho CP DQC trong thời gian sắp tới hay không? Câu trả lời là chưa chắc. Xét về lý, những năm trước DQC gặp khó khăn nhưng CP vẫn có sóng tốt, vậy năm nay tốt hơn chắc chắn sóng sẽ mạnh.

Nhưng nhìn theo góc độ của thị trường, thử hỏi có bao nhiêu NĐT mua vào DQC thật sự quan tâm đến hoạt động kinh doanh của công ty, hay chỉ mua dưới dạng đầu cơ? Hiện thời, hàng loạt CP có tình hình kinh doanh ổn định, không nợ nần nhưng diễn biến vẫn lình xình. Dòng tiền cải thiện, thị phần củng cố, dự án tiềm năng là những chất liệu lý tưởng để DQC “dậy sóng”, nhưng mấu chốt của vấn đề là dòng tiền nóng có quay trở lại với CP này một lần nữa?

Cũng cần lưu ý một vấn đề là những thông tin đến hôm nay cổ đông mới nhận được như việc đối tác Cuba bắt đầu trả nợ đã được đồn đại trên thị trường từ khá lâu và góp phần tạo sóng cho CP. Mà TTCK là thị trường của thông tin đi trước, của sự kỳ vọng. Có lẽ, đầu tư vào DQC lúc này chỉ nên hướng đến một khoản đầu tư trung, dài hạn thay vì ngồi chờ những đợt sóng mạnh như trước. DQC “sáng” hay không “sáng” không chỉ nằm ở lãnh đạo công ty mà còn do cách nhìn của NĐT.

Các tin khác