Đấu trí giữa các nhóm NĐT

Kết thúc 3 phiên giao dịch đầu tuần, với 2 phiên tăng và 1 phiên giảm, VN Index thêm 6,56 điểm, lên mức 467,64 điểm. HNX Index chỉ tăng 1 phiên, mất điểm 2 phiên, giảm 1,1 điểm, xuống mức 94,11 điểm.

Kết thúc 3 phiên giao dịch đầu tuần, với 2 phiên tăng và 1 phiên giảm, VN Index thêm 6,56 điểm, lên mức 467,64 điểm. HNX Index chỉ tăng 1 phiên, mất điểm 2 phiên, giảm 1,1 điểm, xuống mức 94,11 điểm.

Chỉ còn 6 phiên giao dịch nữa là kết thúc tháng 3, cũng là thời điểm các quỹ đầu tư chốt NAV, nên một số ý kiến cho rằng NĐTNN sẽ tìm cách đẩy thị trường lên càng cao càng tốt để làm đẹp báo cáo tài chính của mình. Tuy nhiên, thanh khoản của thị trường và động thái của NĐTNN trong 3 ngày qua lại không cho thấy như vậy. Tổng GTGD tại HOSE 3 phiên đầu tuần đạt khoảng 2.500 tỷ đồng, trong khi tổng giá trị mua và bán của NĐTNN chỉ xấp xỉ 600 tỷ đồng, tức chỉ bằng 25%, một tỷ lệ không có gì nổi trội so với thời gian trước đó.

Một điểm đáng lưu ý là mặc dù thanh khoản của thị trường đang khá thấp, trung bình chỉ khoảng 1.500 tỷ đồng/phiên trên cả hai sàn nhưng điểm số lại không bật mạnh. Chỉ mới cách đây 3 tuần, VN Index đã có 3 phiên tăng rất mạnh với thanh khoản rất thấp. Điều này cho thấy các thành phần của thị trường, trong đó NĐTNN không có chủ đích đẩy VN Index tăng mạnh mặc dù không khó để thực hiện mục đích này. Cán cân giữa NĐTNN và NĐT trong nước trong cuộc chơi blue chip đang có dấu hiệu cân bằng hơn.

Trường hợp điển hình là HAG vẫn tăng trần trong ngày 21-3, mặc dù NĐTNN bán ròng hơn 240.000 CP. Không nhiều NĐT kỳ vọng về việc HAG có thể nhanh chóng bật trở lại sau khi bị bán ra ở một số phiên trước đó. Theo tìm hiểu của ĐTTC, đã có không ít NĐT VIP mua mạnh CP này tại mức giá 4.4 nên đã tạo ra ngưỡng hỗ trợ mạnh. Một CP cũng được kỳ vọng sẽ lặp lại câu chuyện giống như HAG là VCG. Từ mức giá 1.9-2.0, VCG đã có một số phiên tăng trở lại lên mức 2.2-2.3 nhờ việc NĐTNN mua ròng. Trong thời gian tới, nếu NĐT cá nhân thấy được dòng tiền của NĐTNN tiếp tục tập trung tại VCG, nhiều khả năng cũng sẽ tham gia lướt sóng và lúc này có thể xuất hiện cơ hội sinh lời. Rất nhiều NĐT có thói quen giao dịch trên sàn HNX vẫn còn nhiều ký ức tốt đẹp về những đợt sóng của CP này.

Cũng từ trường hợp của VCG, câu hỏi đặt ra là liệu các ETF có muốn tăng tỷ trọng dòng tiền của mình sang HNX hay không? Để trả lời cho câu hỏi này cần quan sát 2 yếu tố : Thứ nhất, tỷ trọng giao dịch của NĐTNN những ngày gần đây tại HNX khá thấp, chỉ chiếm 5-10%. Quan trọng hơn nữa, hàng hóa tại HNX cũng không phong phú và phù hợp với các tiêu chí của ETF, vì ngoài vốn hóa lớn, các quỹ lướt sóng này còn chú ý đến yếu tố như lợi thế kinh doanh, thương hiệu, vị thế của doanh nghiệp. Chính vì vậy, nếu dòng tiền quay trở lại HNX trong thời gian tới đây, sẽ xuất phát chủ yếu từ NĐT cá nhân, trong đó có cả những NĐT đã “đuối” trong cuộc đấu trí blue chip với NĐTNN.

Trong 2 phiên cuối tuần, ngoài thông tin chỉ số CPI cả nước và dòng vốn ngoại, việc chuyển đổi trái phiếu SSICB sẽ được NĐT quan tâm vì thời điểm đáo hạn đã gần kề. Với các câu hỏi như: SSI sẽ trả lại cho các trái chủ bao nhiêu tiền? Ai chấp nhận lấy tiền về? Mặc dù vậy, theo nhận định của một số chuyên gia am hiểu thị trường, vấn đề của SSI đã được phản ánh vào diễn biến thị trường từ thời điểm SSI công bố giá chuyển đổi trái phiếu hồi đầu tháng, nên tác động nếu có sẽ không đáng kể. TTCK sẽ tiếp tục là cuộc chơi của từng nhóm NĐT bao gồm NĐTNN, CTCK, NĐT VIP, các ông chủ doanh nghiệp muốn giữ giá CP. Khi tất cả chưa nhìn về một hướng, thị trường sẽ rất khó tăng mạnh.

Tháng 3 năm nay sẽ là vùng trũng của vĩ mô và tình hình sẽ khả quan hơn bắt đầu từ tháng 4. Theo tính toán của tôi, lạm phát từ tháng 4 đến tháng 11 sẽ thấp trở lại và tăng dưới mức 1% mỗi tháng. Khi áp lực trượt giá tiền đồng giảm đi, tình hình tỷ giá cũng sẽ bớt căng thẳng hơn. Nếu trong tháng 5 lạm phát tiếp tục xu hướng giảm, nhiều khả năng mặt bằng lãi suất sẽ điều chỉnh giảm và đem lại tác động tích cực cho các doanh nghiệp. Trong tháng 4, TTCK sẽ có nhiều cơ hội sinh lời hơn do những kỳ vọng nêu trên. Tuy nhiên, những đợt sóng nếu xuất hiện cũng sẽ diễn ra cực ngắn vì 3 nguyên nhân chính: NĐT sau khi thua lỗ quá nhiều sẽ đề cao tính cẩn trọng, thay vì mua vào và chờ đợi tăng mạnh mới bán bây giờ họ có thể bán ngay dù chỉ lời ít; tín dụng vào CK năm nay sẽ bị siết; KQKD quý I của các doanh nghiệp sẽ không khả quan do chi phí đầu vào tăng cao. Chính vì vậy, NĐT vẫn nên tiếp tục giao dịch một cách thận trọng trong thời gian tới đây.

Ông NGUYỄN VIỆT HÙNG,
Giám đốc phân tích - đầu tư CTCK SME

Các tin khác