CTR có giữ được lợi thế?

(ĐTTCO) - Là công ty con của Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel), CTCP Công trình Viettel (CTR) được hưởng khá nhiều đặc quyền, đặc lợi từ công ty mẹ. 

Thế nhưng, trong bối cảnh Bộ Quốc phòng đang thực hiện đề án sắp xếp lại và đổi mới các doanh nghiệp quân đội, đã khiến NĐT lo ngại về tương lai của CTR.

Lợi thế từ công ty mẹ

Theo kế hoạch, CTR sẽ niêm yết 42,8 triệu CP trên UPCoM trong quý III-2017. CTR hiện đang giao dịch trên sàn OTC với mức giá khoảng 30.000 đồng/CP.
CTR là đơn vị xây lắp viễn thông lớn nhất cả nước có hơn 20 năm kinh nghiệm trong xây dựng hệ thống hạ tầng mạng lưới cho Viettel, với hơn 50.000 trạm phát sóng (BTS), hơn 140.000km cáp quang được triển khai rộng khắp 100% huyện, xã trong cả nước.
Ngoài ra, cùng với quá trình đầu tư quốc tế của công ty mẹ, CTR đã góp phần tích cực trong triển khai mạng lưới viễn thông của  Viettel ra nhiều thị trường nước ngoài ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latin. CTR được cổ phần hóa từ năm 2010 với vốn điều lệ 238 tỷ đồng, sau 2 lần tăng vốn, CTR có tổng vốn điều lệ tính đến 31-12-2016 là 428,4 tỷ đồng, trong đó cổ đông lớn nhất vẫn là Viettel (sở hữu 73,22%), còn lại là công đoàn và các cổ đông nhỏ lẻ khác.

Theo phân tích của CTCK MB (MBS), đặc thù về hoạt động kinh doanh chính của CTR là có 97% tổng doanh thu hoạt động truyền thống của CTR đến từ các doanh nghiệp trong Tập đoàn Viettel.
Việc độc quyền đảm nhận các công trình của nhà mạng lớn nhất Việt Nam là điều kiện hết sức thuận lợi đối với doanh nghiệp khi nguồn công việc dồi dào luôn được đảm bảo. Trong đó làn sóng đầu tư 4G là động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho CTR. Được cấp phép triển khai 4G từ tháng 10-2016, các nhà mạng đã gấp rút xây dựng hạ tầng để bắt kịp làn sóng này và Viettel tiếp tục là nhà mạng có tốc độ triển khai nhanh nhất.
Chỉ trong 6 tháng, Viettel đã hoàn thiện mạng lưới 4G toàn quốc, tới cả vùng sâu vùng xa. Điều này đã giúp doanh thu xây lắp năm 2016 của CTR đã tăng trưởng 40,2% so với cùng kỳ, đạt mức kỷ lục 1.573 tỷ đồng. Năm 2017, Viettel đặt kế hoạch triển khai tiếp tục 36.000 trạm 4G (gấp đôi so với VinaPhone và MobiFone), sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng lớn cho CTR trong 2 năm tới.

Lợi thế nữa cho CTR là nguồn công việc tiếp tục được đảm bảo nhờ làn sóng đầu tư quốc tế của Viettel và nhu cầu dịch vụ cố định băng rộng trong nước còn rất lớn. Cuối năm 2016, Viettel đã chính thức được cấp phép đầu tư ở thị trường Myanmar với tổng mức đầu tư lên đến 1,5 tỷ USD (phủ 95% dân số trong 3 năm).
CTR đã có công ty tại Myanmar để sẵn sàng đảm nhận khối lượng công việc này (dự kiến xây lắp 4.000 trạm BTS, lắp 2.000 tuyến viba, 2.000 trạm BTS trên cột có sẵn, 1.000km cáp ngầm và 20.000km cáp treo). Viettel cũng có kế hoạch sẽ triển khai hạ tầng mạng 4G cho các thị trường nước ngoài của mình ở Lào, Campuchia, Cameroon, Tanzania…
Như vậy, dù các nhà mạng trong nước đã bão hòa nhưng lợi thế đến từ Viettel sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng lớn cho CTR trong tương lai. Năm 2017, CTR tự tin đặt kế hoạch doanh thu xây lắp 1.811 tỷ đồng (tăng 15,1%).
CTR có giữ được lợi thế? ảnh 1 Dù lợi thế là đơn vị thành viên Viettel, nhưng CTR cũng phải đối mặt với sự sắp xếp lại của các DN quân đội.  
Nhiều vấn đề cấp thiết
Trong lần làm việc mới đây tại TPHCM, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, cho biết Bộ Quốc phòng sẽ triển khai và thực hiện nghiêm túc đề án sắp xếp lại và đổi mới phát triển các doanh nghiệp quân đội. Quan điểm nhất quán của Bộ Quốc phòng là kiên quyết cổ phần hóa, thoái vốn, thậm chí giải thể các doanh nghiệp kinh tế, thương mại thuần túy không hoặc ít có nhiệm vụ quốc phòng.
Đồng thời, Bộ Quốc phòng sẽ sắp xếp lại các doanh nghiệp quốc phòng cho phù hợp với yêu cầu kinh tế để xây dựng quân đội phù hợp với thế bố trí chiến lược, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, Bộ Quốc phòng sẽ sắp xếp 300 doanh nghiệp xuống còn 88 doanh nghiệp, tiến tới còn 17 doanh nghiệp quân đội có 100% vốn nhà nước.

Có thế nói, đây là thông tin không mấy tích cực đối với các doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng, trong đó có CTR. Thực tế cho thấy kể từ khi cổ phần hóa đến nay, CTR vẫn giữ hoạt động kinh doanh tương đối đơn giản khi doanh thu từ hoạt động xây lắp truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng đến 95% trong cơ cấu doanh thu, và đóng góp đến 97% lợi nhuận gộp cho doanh nghiệp, chỉ 5% đến từ các hợp đồng thương mại.
Việc phụ thuộc lớn vào công ty mẹ vừa là cơ hội nhưng cũng chính là rủi ro khi Viettel thoái vốn khỏi CTR. Nếu thoái vốn khỏi CTR, Viettel sẽ chọn mô hình VNPT đang áp dụng là chọn cách thành lập tại mỗi tỉnh, thành phố ít nhất 1 đơn vị phụ trách xây lắp, thi công công trình, không chỉ giao độc quyền cho CTR như hiện nay. 

Trong dự báo khả quan, nếu Viettel không thoái vốn khỏi CTR, hoạt động của doanh nghiệp này cũng đang tồn tại nhiều rủi ro. Đơn cử rủi ro về các khoản phải thu nội bộ giữa các doanh nghiệp trong tập đoàn. Với việc hầu hết khoản phải thu đến từ các doanh nghiệp thuộc Viettel, CTR có thể phải chịu rủi ro khi các công ty này hoặc chính công ty mẹ có vấn đề về tài chính không thể trả nợ, điều này sẽ gây khó khăn về mặt dòng tiền.
Chính vì vậy, nếu không có sự đột biến về chiến lược phát triển, CTR khó có thể duy trì được kỳ tích tăng trưởng trong tương lai.

Các tin khác