CTCK - Thập tử, nhất sinh

Nếu TTCK vẫn cứ tiếp diễn tình trạng như hiện nay, không chỉ NĐT cá nhân mà ngay cả các CTCK cũng lâm vào tình cảnh “chỉ mành treo chuông”. Nhiều khả năng sẽ có hàng loạt CTCK phá sản.

Nếu TTCK vẫn cứ tiếp diễn tình trạng như hiện nay, không chỉ NĐT cá nhân mà ngay cả các CTCK cũng lâm vào tình cảnh “chỉ mành treo chuông”. Nhiều khả năng sẽ có hàng loạt CTCK phá sản.

Mất vốn

Trong mùa ĐHCĐ năm nay, vấn đề cổ đông của các CTCK chất vấn nhiều nhất là tình trạng thua lỗ có còn kéo dài và khả năng cầm cự của CTCK đến bao giờ. Tình cảnh của các CTCK hiện nay bi đát hơn nhiều so với lần tuột dốc của TTCK năm 2008, danh sách các CTCK thua lỗ ngày càng dài và không chỉ dừng lại ở những CTCK nhỏ mà ngay cả những CTCK “mạnh gạo, bạo tiền” cũng rơi vào vòng xoáy oan nghiệt này như Kim Long (KLS), Bảo Việt (BVS). Thậm chí CTCK có thâm niên và “mưu mẹo” như Sài Gòn (SSI) cũng đối mặt với nguy cơ lần đầu tiên thua lỗ trong quý I-2011. Đến thời điểm hiện nay, mới chỉ có CTCK TPHCM (HSC) công bố lợi nhuận trước thuế quý I-2011 đạt 51 tỷ đồng.

Theo thống kê, có không ít CTCK bị thua lỗ kéo dài kể từ đợt suy thoái của TTCK năm 2008 đến nay như các CTCK Vina, Navibank, Miền Nam, Thành Công, Nam An. Thua lỗ triền miên khiến vốn của những CTCK này ngày càng teo tóp do số thua lỗ “xào” gần hết số vốn đầu tư bỏ ra. Chẳng hạn, CTCK Miền Nam mất hơn 50% vốn điều lệ sau 3 năm thua lỗ (lỗ 22 tỷ đồng so với vốn điều lệ 40 tỷ đồng), CTCK Vina mất gần 70% vốn điều lệ sau 3 năm thua lỗ (lỗ 126,4 tỷ đồng so với vốn điều lệ 185 tỷ đồng), CTCK Navibank mất 60% vốn điều lệ sau 3 năm thua lỗ (lỗ 21,2 tỷ đồng so với vốn điều lệ 35,1 tỷ đồng).

Thậm chí có CTCK thua lỗ cả trong giai đoạn TTCK tăng nóng như CTCK Tầm Nhìn mất 80% vốn điều lệ do thua lỗ từ năm 2007 đến nay (lỗ 36,2 tỷ đồng so với vốn điều lệ 45 tỷ đồng), hay CTCK Nam Việt lỗ 16 tỷ đồng trong 4 năm liên tục so với vốn điều lệ 46 tỷ đồng. Dù thua lỗ kéo dài nhưng những CTCK có may mắn chưa niêm yết nên vẫn chưa bị “sờ gáy” như 2 CTCK đã niêm yết là BVS và KLS (vừa bị HOSE đưa vào diện cảnh báo từ ngày 29-3 do thua lỗ trong năm 2010). Do vậy các CTCK này cũng không thoát khỏi sự “tra khảo” của cổ đông trong mùa ĐHCĐ năm nay. Nhiều khả năng, các CTCK này khó có thể tồn tại hết năm 2011 nếu tình hình thị trường không được cải thiện hoặc cổ đông không tiếp tục rót vốn. Như vậy, nguy cơ phá sản của phần lớn các CTCK chỉ là vần đề thời gian.

 Mất phương hướng

SSI - "đại gia" trong làng CTCK cũng đối mặt với nguy cơ lỗ trong quý I-2011. Ảnh: LÃ ANH

SSI - "đại gia" trong làng CTCK cũng đối mặt với nguy cơ lỗ trong
quý I-2011. Ảnh: LÃ ANH

Thua lỗ kéo dài cộng với diễn biến khó dự báo của TTCK khiến lãnh đạo các CTCK lâm vào tình trạng mất phương hướng. Điển hình là trường hợp của KLS. Không biết vì quá bức xúc do thua lỗ kéo dài hay chỉ vì một thoáng thiếu suy nghĩ, lãnh đạo CTCK này đã tổ chức họp báo, công bố sẽ ngừng hoạt động kinh doanh CK. Tuy nhiên, sau đó không lâu, HĐQT KLS lại đưa ra tuyên bố do phương án thay đổi ngành nghề kinh doanh chưa nhận được sự đồng thuận của cổ đông, nên HĐQT đã nghiêm túc cân nhắc và nhận thấy thời điểm hiện nay chưa phù hợp để thực hiện phương án thay đổi ngành nghề kinh doanh. Sự bất nhất trong lời nói và hành động của lãnh đạo KLS cũng phần nào cho thấy sự bất lực trong việc lựa chọn hướng đi trong thời gian tới.

Ngoài KLS còn có thể nhắc đến trường hợp CTCK Phố Wall (WSS). Cũng vì thua lỗ, mới đây CTCK này đã đi đến quyết định liều lĩnh: chuyển hướng sang lĩnh vực khá mới mẻ là kinh doanh bất động sản với tỷ lệ đầu tư 3:7 (30% kinh doanh CK và 70% kinh doanh bất động sản). Nói đây là quyết định liều lĩnh bởi thay vì bỏ hẳn mảng tự doanh để tập trung vào các hoạt động môi giới hay tư vấn tài chính, CTCK này lại chạy theo phong trào đầu tư vào một lĩnh vực không ít doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực này đang điêu đứng.

Nếu KLS hay WSS có ý định “bỏ của chạy lấy người”, các CTCK còn lại gần như buông xuôi. Có chăng cũng chỉ là hành động tức thời như xin UBCKNN bỏ mảng tự doanh hoặc thay đổi lãnh đạo theo kiểu xoay tua (lãnh đạo CTCK này chạy sang CTCK khác). Thực chất sự thay đổi này chỉ là hành động mang tính chất đối phó. Với tình trạng luẩn quẩn và không có lối thoát như hiện nay, đa phần CTCK làm ăn không hiệu quả đều chấp nhận phó mặc số phận cho thị trường, theo kiểu tới đâu hay tới đó, chứ chưa tìm ra giải pháp hợp lý hơn. Nghĩa là các CTCK trông chờ vào sự khởi sắc của TTCK và hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A). Nếu sự khởi sắc của thị trường trong những tháng cuối năm vẫn còn là ẩn số, nhu cầu M&A đối với các CTCK là điều có thể dự báo.

Hoạt động M&A đối với các CTCK gần như “đóng băng” kể từ sau đợt suy thoái của TTCK năm 2008. Thực tế tính từ thời điểm đó đến nay, số vụ M&A các CTCK chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lý do khiến NĐT trong nước không mặn mà với lĩnh vực này cũng chính từ câu chuyện thua lỗ không có hồi kết của của các CTCK. Trong khi đó, các CTCK cũng khó có thể trông chờ vào nguồn vốn ngoại, bởi theo lộ trình, từ năm 2012 các NĐTNN có thể thành lập CTCK 100% có vốn đầu tư nước ngoài.

Các tin khác