CTCK: Nước lên thuyền có lên

(ĐTTCO) - Với mức tăng trưởng ấn tượng cả về điểm số lẫn thanh khoản của TTCK trong thời gian gần đây, các CTCK đã ghi nhận kết quả kinh doanh hết sức ấn tượng.

 Tuy nhiên, NĐT vẫn chưa thật sự lạc quan với nhóm CP CTCK bởi những rủi ro vốn có của TTCK. 

Đỉnh 9 năm

Diễn biến TTCK 6 tháng năm 2017 có những chuyển biến tích cực so với thời điểm cuối năm 2016, cũng như thời điểm cùng kỳ các năm trước. Chỉ số thị trường chung duy trì đà tăng dài từ đầu năm sau khi tạo đáy mốc 648,37 điểm cuối năm 2016. Cụ thể, VN Index tăng 111,6 điểm so với phiên cuối cùng năm 2016 (tương ứng với mức tăng 16,78%).
Đây cũng là giai đoạn chỉ số thị trường liên tục vượt các ngưỡng kháng cự lịch sử của 9 năm nhờ dòng tiền của NĐT nội và ngoại đổ mạnh vào thị trường. Thực tế cho thấy cùng với sự gia tăng về điểm số, giai đoạn này cũng ghi nhận sự tăng trưởng của vốn hóa thị trường, yếu tố thanh khoản thị trường cũng như dòng vốn ngoại có những tín hiệu tích cực khi mua ròng trở lại. Lũy kế 6 tháng NĐTNN mua ròng 9.200 tỷ đồng, phá kỷ lục mua ròng 8.000 tỷ đồng trong 7 tháng năm 2008.

Nếu quy mô vốn hóa 2 sàn thời điểm hết tháng 12-2016 hơn 1,6 triệu tỷ đồng, trong 6 tháng đầu năm mức vốn hóa thị trường đã vượt mốc 2 triệu tỷ đồng, tăng 27,26% so với thời điểm cuối năm 2016 (tương đương mức tăng lên đến 19,7 tỷ USD). Những tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp lớn sẽ được cổ phần hóa và niêm yết mới, giới đầu tư kỳ vọng TTCK sẽ có bước tiến dài về mặt điểm số trong 2 quý cuối năm.
Ngoài ra, việc triển khai các sản phẩm mới như CK phái sinh, các giải pháp như rút ngắn chu kỳ thanh toán được hiện thực hóa, sẽ góp phần tăng thanh khoản toàn thị trường. Thậm chí, nhiều CTCK đưa những dự báo khả quan dựa trên sự ổn định của các yếu tố vĩ mô, VN Index có thể đạt mức 820-850 điểm vào cuối năm, thanh khoản không gồm giao dịch thỏa thuận tiếp tục cải thiện lên mức bình quân 180 triệu USD/phiên.



Thị phần quyết định thành công

Sự khởi sắc của TTCK đã góp phần hồi sinh nhiều CTCK sau thời gian chìm trong thua lỗ. Đơn cử, CTCK Agribank (AGR) lũy kế 6 tháng đầu năm ghi nhận 85,86 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt trội so với mức lỗ 424 tỷ đồng cùng kỳ 2016. Đây là kết quả kinh doanh ấn tượng nhất của AGR kể từ khi niêm yết năm 2009. Tương tự là trường hợp CTCK Rồng Việt (VDS).
Theo BCTC bán niên 2017, lũy kế 6 tháng đầu năm CTCK này ghi nhận doanh thu đạt 166,6 tỷ đồng (tăng 78,5% và hoàn thành 54% kế hoạch năm), lợi nhuận sau thuế đạt 57 tỷ đồng (tăng 163% và hoàn thành 71% kế hoạch năm). Trong cơ cấu thu nhập của VDS, hoạt động dịch vụ CK chiếm tỷ trọng lớn nhất với 69,4 tỷ đồng (tăng 78%). Kế đến là hoạt động kinh doanh môi giới đạt 43,6 tỷ đồng (tăng 123,6%), hoạt động ngân hàng đầu tư đạt gần 7 tỷ đồng (tăng 46,8%).
Tại ĐHCĐ năm 2017, lãnh đạo VDS công bố chiến lược phát triển trong giai đoạn tới tiếp tục theo đuổi mục tiêu trở thành CTCK hoạt động theo mô hình ngân hàng đầu tư trên nền tảng năng lực của hệ thống phân tích mạnh, với 3 hoạt động kinh doanh cốt lõi môi giới - dịch vụ CK, đầu tư tự doanh và dịch vụ ngân hàng đầu tư.

Có thể nói, chiến lược VDS đang theo đuổi cũng chính là “quy tắc vàng” được nhiều CTCK lớn áp dụng. Thí dụ, CTCK Sài Gòn (SSI) hiện luôn dẫn đầu về thị phần môi giới trên cả 2 sàn và thị phần liên tục tăng trưởng qua các năm, đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận mạnh từ cả 2 mảng môi giới và lãi từ các khoản cho vay.
Theo thống kê, SSI hiện đang nắm giữ 14,85% thị phần môi giới trên sàn HOSE và 11,77% trên sàn HNX. BCTC quý II của SSI cho thấy CTCK này đã hoàn thành 69% kế hoạch lợi nhuận đề ra và dự báo lợi nhuận sau thuế cả năm 2017 có thể đạt mốc 1.000 tỷ đồng. Một con số trong mơ đối với các CTCK và tương đương với tổng lợi nhuận của 5 CTCK xếp kế sau.

Ngược lại, đối thủ trực tiếp của SSI là CTCK TPHCM (HCM) lại đang khiến cổ đông hết sức lo lắng khi tỏ ra hụt hơi trong cuộc chiến giành thị phần, đặc biệt trên sàn HOSE. Năm 2015, thị phần môi giới của HCM trên sàn này đạt 12,45%, nhưng đến cuối năm 2016 đã giảm xuống còn 9,87%. Sự chững lại của HCM cũng chính là cơ hội cho các CTCK top dưới vươn lên. Điển hình là CTCK Sài Gòn Hà Nội (SHS).
Trong 3 năm qua, thị phần môi giới của SHS đã tăng trưởng ngoạn mục từ 3,64% (năm 2013) lên 9,58% và duy trì thị phần mức xấp xỉ 6% trên HNX, đã giúp doanh thu, lợi nhuận của SHS tăng khá đều qua các năm. Chỉ riêng 6 tháng qua lợi nhuận sau thuế của SHS đạt 150 tỷ đồng (vượt 51% kế hoạch cả năm).

Cuộc chơi của những ông lớn

Kết quả kinh doanh khởi sắc đã phần nào tạo nên sự đột biến về giá CP của nhóm các CTCK trong tháng 7. Cụ thể, SSI lên đỉnh 29.000 đồng/CP sau gần 3 năm, SHS tăng từ đáy 4.500 đồng/CP lên chạm mốc 17.000 đồng/CP, HCM tạo đỉnh lịch sử 49.700 đồng/CP, VDS vượt mốc 13.000 đồng/CP sau nhiều năm ngụp lặn dưới giá tham chiếu.
Trong nhóm CP CTCK, hiện chỉ còn AGR đang giao dịch dưới mệnh giá, nhưng tính từ đầu năm đến nay AGR đã ghi nhận mức tăng 2,4 lần (từ 2.500 đồng/CP lên 6.000 đồng/CP). Trong bối cảnh thuận lợi này, mã VCI của CTCK Bản Việt cũng được hưởng lợi. VCI chào sàn HOSE trong phiên giao dịch ngày 7-7 với giá tham chiếu 48.000 đồng/CP, nhưng hiện đang giao dịch quanh mốc 60.000 đồng/CP.

Dù ghi nhận được mức tăng giá hết sức ấn tượng trong thời gian gần đây, nhưng nhiều NĐT vẫn tỏ ra thận trọng khi nhắc đến nhóm CP các CTCK do khó lường trước các yếu tố ngờ. Thực tế, nhiều rủi ro chưa có tiền lệ đã xảy ra, đặc biệt với hoạt động cung cấp các dịch vụ tài chính như giao dịch ký quỹ. Rất nhiều mã CP liên tục giảm sàn khiến khách hàng mất khả năng thanh toán các khoản vay, dẫn đến tình trạng nợ xấu diễn ra ở một số CTCK.
Bên cạnh đó, CP CTCK vẫn đang đối mặt với quá nhiều rủi ro, nhất là mảng kinh doanh tự doanh. Lấy dẫn chứng từ SSI. CTCK này hiện đang có khoản đầu tư CP lên đến 3.500 tỷ đồng (chiếm 38,3% tổng doanh mục đầu tư lên đến 9.000 tỷ đồng). Một yếu tố khiến cổ đông quan ngại là tốc độ phát triển mạng lưới của SSI quá nhanh, có thể tạo ra áp lực về chi phí quản lý doanh nghiệp.
Theo thống kê, SSI hiện có đến 777 nhân viên và 11 chi nhánh và phòng giao dịch trên cả nước. Ngay như SHS, dù ghi nhận mức tăng trưởng kinh doanh ấn tượng, nhưng lợi nhuận của doanh nghiệp này vẫn chưa thực sự hiệu quả. Chẳng hạn, chi phí hoạt động kinh doanh môi giới chiếm tỷ trọng lớn trong tổng cơ cấu chi phí. Hay cơ chế chính sách chia sẻ phí môi giới vẫn chưa được thay đổi phù hợp với điều kiện cạnh tranh của thị trường, khiến SHS chưa thu hút được môi giới giỏi.

Trên thực tế, CP CTCK dường như chỉ là cuộc chơi của các ông lớn có nhiều kinh nghiệm. Như SHS với danh sách cổ đông lớn là các đại gia như: CTCP Tập đoàn T&T (nắm 6,13%), PYN Elite Fund (nắm 5,97%), CTCP Thép Tiến Lên (nắm 4,3%). Ở những CTCK còn lại, cổ đông lớn thường là những quỹ đầu tư có tên tuổi. Chẳng hạn, cổ đông lớn của HCM gồm Dragon Capital Markets Limited (DC), PXP Vietnam Emerging Equity Fund, Vietnam Emerging Equity Fund Limited. Trong khi đó, cổ đông lớn tại SSI là Daiwa Securities Group Inc, Market Vectors Vietnam ETF, Deutsche Bank AG London, Norges Bank.

Các tin khác