CSM trượt dài trong khó khăn

(ĐTTCO) - Giá nguyên liệu đầu vào liên tục tăng đã đẩy CTCP Công nghiệp cao su Miền Nam (Casumina, mã CK CSM) vào tình cảnh hết sức khó khăn những năm gần đây. Đỉnh điểm là kết quả kinh doanh quý III vừa được doanh nghiệp công bố với lợi nhuận sau thuế chưa đầy 3 tỷ đồng.
 
Gánh nặng lãi vay
Theo BCTC quý III, doanh thu thuần của CSM đạt 878 tỷ đồng (tăng 11,5%), nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 2,8 tỷ đồng (giảm 95% so với cùng kỳ năm ngoái là 56,3 tỷ đồng). Giải trình về kết quả kinh doanh được cho là thấp nhất của CSM trong nhiều năm trở lại đây, ông Phạm Hồng Phú, Tổng giám đốc, cho rằng doanh thu tăng do chính sách tăng giá sản phẩm và tăng doanh số. Tuy nhiên, mức tăng này chưa bù lại mức tăng của hàng loạt chi phí khác. Đơn cử, chi phí tài chính tăng 9,6 tỷ đồng do lãi vay tăng và đặc biệt giá vốn tăng đến 165,3 tỷ đồng so với cùng kỳ.
 Kết quả kinh doanh yếu kém đã tạo áp lực giảm giá cho CSM. Tính từ đầu năm 2017 đến nay CSM đã giảm tới 30%. Nếu tính từ thời điểm huy hoàng nhất trong năm 2014 là 48.000 đồng/CP, mức giá hiện tại 14.000 đồng/CP đang là thấp nhất của CSM trong nhiều năm trở lại đây.

Trước đó, CSM cũng đã công bố kết quả kinh doanh kém khả quan với nguyên nhân chính là việc giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, trong khi doanh nghiệp không thể điều chỉnh giá bán kịp với đà tăng chi phí. Tính chung 9 tháng năm 2017, doanh số của CSM vẫn có mức tăng trưởng 13% so với cùng kỳ, nhưng do biên lãi gộp sụt giảm xuống mức 12,1% so với 22,1% cùng kỳ năm trước, dẫn đến khoản lợi nhuận trong 9 tháng chỉ đạt 50 tỷ đồng (giảm 72%).
Với kết quả kinh doanh không hiệu quả, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của CSM đã ghi nhận con số âm 328 tỷ đồng trong 9 tháng. Trong khi đó, nợ vay đến thời điểm 30-9 tăng mạnh so với đầu năm, đưa tổng nợ vay của CSM tăng thêm hơn 490 tỷ đồng lên gần 2.110 tỷ đồng (chiếm gần 55% tổng tài sản). 
Thực tế, CSM đã gặp khó khăn do giá nguyên liệu từ những tháng cuối năm 2016. Kể từ quý III, giá cao su thiên nhiên trên thị trường thế giới phục hồi mạnh mẽ sau giai đoạn lao dốc 2011-2016 nhờ vào thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Hội đồng Cao su quốc tế 3 bên (ITRC), bao gồm Thái Lan, Indonesia và Malaysia (chiếm tổng cộng trên 60% sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu) vào tháng 2-2016. Một yếu tố khác hỗ trợ giá cao su là ảnh hưởng tiêu cực của hiện tượng La Nina lên sản lượng khai thác (trong đó Thái Lan bị tác động nặng nề nhất), khiến tổng sản lượng cao su thiên nhiên thế giới giảm 0,3% so với năm 2015, xuống còn 12,28 triệu tấn. Trong khi đó, sự phục hồi của nền kinh tế thế giới, đặc biệt ở Trung Quốc và các thị trường đang phát triển khác, đã giúp nhu cầu cao su tăng trưởng ở mức trên 3% hàng năm trong giai đoạn 2014-2016. 
CSM trượt dài trong khó khăn ảnh 1 Sản xuất vỏ xe tại Casumina.  
Ứng phó chưa hiệu quả
Đặc thù của CSM là chịu sức ép từ phía nhà cung cấp nước ngoài khi phải nhập khẩu phần lớn các loại nguyên vật liệu đầu vào. Trong khi đó, nguyên liệu chính tự chủ được trong nước là cao su thiên nhiên lại chịu ảnh hưởng lớn từ xu hướng giá cao su thế giới, yếu tố các doanh nghiệp nội địa không thể kiểm soát được. Điều đó đòi hỏi các doanh nghiệp phải có giải pháp ứng phó với rủi ro này.
Trong báo cáo thường niên công bố tại ĐHCĐ 2017, lãnh đạo CSM cho biết đối sách phân tán rủi ro của doah nghiệp là thiết lập danh sách nhà cung cấp có uy tín và mối quan hệ hợp tác lâu dài, nhằm đàm phán được mức giá hợp lý nhất, tránh biến động và có nguồn cung cấp nguyên vật liệu ổn định.
Dù đã đưa ra được những dự báo xấu về giá nguyên liệu đầu vào trong năm 2017 (cao su tổng hợp, cao su thiên nhiên, bố thép, vải mành, than đen), nhưng với kết quả đáng thất vọng trong những tháng đầu năm 2017, có vẻ CSM chưa tính toán kỹ lưỡng mức dự trữ hàng tồn kho và chiến lược về giá bán hợp lý trong từng thời đoạn nhất định. 
Một khó khăn nữa là áp lực cạnh tranh từ doanh nghiệp Trung Quốc. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất săm lốp trong nước đang phải chịu áp lực cạnh tranh khá cao, khi các phân khúc thế mạnh chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng giá trị thị trường và không còn tiềm năng tăng trưởng (săm lốp xe đạp), hoặc bị cạnh tranh gay gắt bởi sản phẩm có xuất xứ Trung Quốc được tiếp sức bởi các hành vi khai giảm giá, trốn thuế của các doanh nghiệp nhập khẩu săm lốp trong nước (săm lốp xe tải). 
Bên cạnh đó, phân khúc chiếm tỷ trọng lớn là săm lốp ô tô con đang bị chiếm lĩnh bởi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và sản phẩm nhập khẩu. Các doanh nghiệp FDI này có lợi thế về tiềm lực tài chính, công nghệ, quy mô sản xuất (kéo theo lợi thế về quy mô) và kinh nghiệm. Để đáp ứng nhu cầu này, CSM đã chủ động đầu tư nhà máy sản xuất lốp radial toàn thép (TBR). Thế nhưng sau 3 năm đi vào hoạt động, nhà máy hiện mới chỉ đạt 30% công suất thiết kế, chưa đạt công suất hòa vốn và chưa đóng góp nhiều vào lợi nhuận cho CSM. 

Các tin khác