CP lớn vẫn đang dò đáy

(ĐTTCO) - Sau khi xác lập đỉnh lịch sử 1.200 điểm nhờ sự trợ giúp từ nhóm CP có vốn hóa lớn, VN Index liên tục điều chỉnh và xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ cực kỳ quan trọng của thị trường 1.000 điểm ở phiên giao dịch ngày 22-5. Dù VN Index đảo chiều tăng điểm trở lại trong phiên hôm nay 23-5 nhưng phần lớn NĐT vẫn rất thận trọng trong các quyết định.
CP lớn vẫn đang dò đáy
Lo ngại lớn nhất của NĐT trong thời điểm hiện tại là nhóm CP có vốn hóa lớn đã thực sự tạo đáy sau chuỗi giảm điểm mạnh trước đó. Trên thực tế, nhóm CP vốn hóa lớn dù góp công giúp VN Index thăng hoa, nhưng cũng thường xuyên trở thành “tội đồ” đẩy chỉ số này đi xuống trong những phiên điều chỉnh. 
Đơn cử phiên giao dịch ngày 22-5, nhiều mã CP trong nhóm VN30 bất ngờ giảm hết biên độ trước áp lực bán ra từ phía nắm giữ như: VIC (Vingroup), MSN (Masan), BVH (Bảo Việt), BID (BIDV), PLX (Petrolimex), SSI (CTCK Sài Gòn), DHG (Dược Hậu Giang), STB (Sacombank). Đến phiên giao dịch ngày 23-5, tân binh VHM (Vinhomes), CP có vốn hóa lớn nhất thị trường sau phiên tăng trần ngày 22-5, bất ngờ giảm sàn khiến VN Index không thể tăng mạnh dù nhiều mã CP lớn hồi phục nhờ lực cầu bắt đáy. 
Không chỉ có NĐT nội, NĐTNN cũng bán ròng mạnh trong đợt điều chỉnh này. Đơn cử phiên giao dịch 22-5, khối ngoại bán ròng hơn 613 tỷ đồng trên sàn HOSE. Mã CP bị NĐTNN bán ròng nhiều nhất trong phiên này là VIC (300,6 tỷ đồng). Như vậy, đây cũng là phiên thứ 3 liên tiếp VIC bị khối ngoại bán ròng với ổng giá trị bán ròng 435 tỷ đồng. Bên cạnh đó, HPG (Hòa Phát) và VJC (Vietjet Air) cũng bị bán ròng khá mạnh với lần lượt 96,4 tỷ đồng và 50,8 tỷ đồng.
Theo nhận định của các CTCK, dù VN Index đảo chiều tăng điểm trong phiên 23-5 nhưng xu hướng thị trường vẫn trong giai đoạn nhạy cảm do VIC vẫn còn dư địa giảm về mức 10.0. Ngoài ra, những mã nằm trong Top 10 vốn hóa như BVH, GAS (PVGas), VNM (Vinamilk) vẫn chưa có tín hiệu tạo đáy và có thể trở thành nhân tố khiến VN Index giảm điểm mạnh. 
Kịch bản tích cực xảy ra nếu dòng tiền vào thị trường tạo ra phiên bắt đáy có khối lượng giao dịch trên 200 triệu CP làm tâm lý hưng phấn lan tỏa sẽ giúp thị trường tích lũy trở lại và tăng trưởng trong thời gian ngắn. Lúc này chỉ số VN Index có thể chỉ mang yếu tố tham khảo và vận động của thị trường sẽ dựa vào các nhóm CP ít ảnh hưởng đến chỉ số thay vì những mã có tác động mạnh như VIC, BVH hay SAB (Sabeco). 
Ngược lại, kịch bản tiêu cực xảy ra khi dòng tiền vẫn yếu như ở thời điểm hiện tại khiến thị trường tiếp tục giảm sâu trong thời gian dài. Tâm lý thị trường sẽ trở nên tiêu cực khiến thị trường chung mất nhiều thời gian để tích lũy đi ngang chờ thông tin hỗ trợ trước khi tăng lại. Giai đoạn tích lũy có thể từ 2-3 tháng hoặc lâu hơn tùy mức độ điều chỉnh của chỉ số.

Các tin khác