Cổ phiếu vua gia cố vị thế

(ĐTTCO)-Việc HOSE vừa có quyết định đưa BID (Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam) vào rổ VN30 đã giúp CP ngân hàng (NH) gia cố vị thế của nhóm CP đầu ngành. Đặc biệt, với kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm tương đối ấn tượng, nhóm CP NH được dự báo là “đầu kéo” cho các chỉ số trong thời gian tới. 
VCB hiện là mã cổ phiếu có thị giá cao nhất trên TTCK trong rổ chứng khoán ngân hàng.
VCB hiện là mã cổ phiếu có thị giá cao nhất trên TTCK trong rổ chứng khoán ngân hàng.
“Đầu kéo” chỉ số
Theo công bố của HOSE, BID và BVH (CTCP Tập đoàn Bảo Việt) là 2 mã CP được cho vào rổ VN30, thay thế cho 2 mã bị loại là CII (CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM) và DHG (CTCP Dược Hậu Giang). Quyết định này chính thức có hiệu lực vào đầu tháng 8, khi đó BID và BVH sẽ chiếm tỷ trọng 0,9% trong rổ VN30.
Với việc thêm mới BID, nhóm CP NH sẽ có 9 đại diện trong rổ VN30, bao gồm BID, CTG (NHTMCP Công thương Việt Nam), EIB (NHTMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam), HDB (NHTMCP Phát triển TPHCM), MBB (NHTMCP Quân đội), STB (NHTMCP Sài Gòn Thương tín), TCB (NHTMCP Kỹ thương Việt Nam), VCB (NHTMCP Ngoại thương Việt Nam), VPB (NHTMCP Việt Nam Thịnh vượng), với tổng tỷ trọng lên đến 31,6%.
Như vậy, tỷ trọng của nhóm CP NH lớn hơn 2 lần so với nhóm CP họ Vingroup gồm VIC (CTCP Tập đoàn Vingroup), VHM (CTCP Vinhomes) và VRE (CTCP Vincom Retail). Hiện bộ 3 CP này đang chiếm tỷ trọng khoảng 15%.
Theo thống kê, hiện có 17 mã CP NH đang niêm yết trên cả 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM. Ngoài 9 mã trong VN30 kể trên, 8 mã CP NH còn lại gồm ACB (NHTMCP Á Châu), SHB (NHTMCP Sài Gòn - Hà Nội), TPB (NHTMCP Tiên Phong), LPB (NHTMCP Bưu điện Liên Việt), KLB (NHTMCP Kiên Long), BAB (NHTMCP Bắc Á), VIB (NHTMCP Quốc tế Việt Nam), NVB (NHTMCP Quốc dân).
Các NH này đều có vốn hóa lớn nên có sức tác động mạnh đến các chỉ số. Đơn cử, phiên giao dịch ngày 17-7 khi VCB giảm 1.000 đồng (tương đương 1,3%), đã kéo VN Index giảm 0,69 điểm. Trong khi phiên giao dịch ngày 16-7, với mức tăng đạt 2,9%, chỉ riêng mã VCB đã giúp VN Index tăng 1,07 điểm.

Tăng bất thường
 VN30 là chỉ số tham chiếu của quỹ VFMVN30 ETF với quy mô danh mục gần 6.800 tỷ đồng. Trong đợt tái cơ cấu này, VFMVN30 ETF sẽ rót khoảng 61,7 tỷ đồng vào BID và 64,3 tỷ đồng cho BVH. Phía ngược lại, quỹ này sẽ bán ra toàn bộ CP CII (42,1 tỷ đồng) và DHG (38,7 tỷ đồng).
Tính từ đầu năm đến đầu tháng 7 có 11/17 CP NH giảm giá, trong đó TCB dẫn đầu về mức sụt giảm với tỷ lệ 20,5%, kế đến là LPB khoảng 15%. Phía ngược lại, EIB bất ngờ trở thành CP NH tăng mạnh nhất với mức tăng lên đến 30%.
Có thể xem đây là hiện tượng lạ, bởi NH này vẫn gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh, đặc biệt đang vướng vào những lùm xùm về tranh chấp nhân sự cấp cao. Với sóng tăng kéo dài từ nửa cuối tháng 1 đến nay, EIB hiện giao dịch trên mốc 18.000 đồng/CP, mức giá cao nhất của NH trong 10 năm trở lại đây.
Song mức tăng bất thường của EIB bị lu mờ bởi CP đầu ngành là VCB. Đây là mã CP NH có thị giá cao nhất trên TTCK khi đang giao dịch trên mức xấp xỉ 8.0. Giá CP VCB hiện trở thành tâm điểm chú ý của giới đầu tư trên TTCK sau tin đồn Hoa hậu Mai Phương Thúy gom vào lượng lớn CP NH này, với mức giá chỉ 6.0 và sẽ chốt lời ở mức 8.0.
Thời điểm VCB đạt mức 7.0, trên trang cá nhân của mình, Mai Phương Thúy chia sẻ: “Chỉ những người mua VCB mức giá 4.0 và 5.0 mới hiểu cảm giác của tôi lúc này. Mọi người chắc đã chốt ở mức 6.0 nhưng tôi ôm đến 8.0”.
Với giới đầu tư, chia sẻ của Mai Phưong Thúy giống như thông tin “phím hàng”, kéo theo nhiều NĐT nhảy vào VCB với kỳ vọng thắng lớn như cô hoa hậu. Ngoài VCB, danh mục đầu tư của Mai Phương Thúy còn có VJC (CTCP Hàng không Vietjet) và HPG (CTCP Tập đoàn Hòa Phát). 

Kỳ vọng CP vua
Hạn mức tăng trưởng tín dụng do NHNN đặt ra cho toàn ngành NH trong năm 2019 là 14%. Vì vậy, các chuyên gia NH dự báo tăng trưởng tín dụng của các NH sẽ chậm lại so với năm 2018 và 2017. Nhưng kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm được các NH công bố lại ghi nhận được mức tăng trưởng hết sức ấn tượng.
Đơn cử, VCB xác lập kỷ lục của ngành với lợi nhuận 6 tháng lần đầu tiên vượt mốc 10.000 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính bán niên 2019, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VCB đạt 11.280 tỷ đồng (tăng 40,7% so với cùng kỳ, theo đó đã hoàn thành 55% kế hoạch năm). Nhiều NH niêm yết cũng công bố kết quả kinh doanh với lợi nhuận cao kỷ lục và đạt hơn 50% kế hoạch năm.
Như STB đạt lợi nhuận trước thuế gần 1.500 tỷ đồng (55% kế hoạch năm). Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu của NH này giảm từ 2,11% xuống còn 1,96%. Cụ thể, STB đã thu hồi nợ xấu và tài sản tồn đọng hơn 11.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Các NH hoàn thành trên dưới 50% kế hoạch năm có thể kể đến như ACB, VIB, KLB, TPB. 
Theo dự báo, lợi nhuận của các NH sẽ tiếp tục tăng trưởng 20-33%, thậm chí có thể đạt 40% trong năm nay. Theo CTCK Bảo Việt (BVSC), dù đã có giai đoạn giao dịch trầm lắng, thậm chí đi xuống nhưng CP NH trong nước vẫn hấp dẫn hơn so với CP NH trong khu vực.
Cụ thể, khi so sánh tương quan giữa P/B với ROE bình quân 5 năm trở lại đây, CP NH Việt Nam đắt hơn các quốc gia trong khu vực.
Nhưng khi so sánh mức định giá hiện tại với ROE năm 2019, CP NH Việt Nam đang ở dưới giá trị. Với bức tranh lợi nhuận nhiều gam màu sáng, nhóm CP NH đang dẫn dắt thị trường đúng như kỳ vọng và tên gọi CP vua.

Các tin khác