Cổ phiếu phân bón nóng nhờ thuế

(ĐTTCO) - Bộ Tài chính vừa đưa ra định hướng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT), theo đó chuyển nhóm phân bón từ đối tượng không chịu thuế (không được hoàn thuế VAT) sang đối tượng chịu thuế 0% (được hoàn thuế VAT) nếu kê khai đầy đủ. 
Thông tin này đã có tác động tích cực đến nhóm CP phân bón đang niêm yết trên TTCK vốn gặp nhiều khó khăn trong năm 2016.
Dự báo tăng trưởng

Năm 2016, diện tích gieo trồng lúa, hoa màu và cây công nghiệp trên cả nước đều giảm do tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn trong nửa đầu năm 2016. Do đó, nhu cầu tiêu thụ các loại phân bón Ure, DAP và NPK đều sụt giảm so với năm 2015, trong đó DAP sụt giảm mạnh nhất.
Nhu cầu tiêu thụ Ure sụt giảm ít nhất 0,48% trong nhóm phân bón, một phần do nhu cầu nông dân và hộ thương mại tự phối trộn NPK để tiết kiệm chi phí. Với tình hình này, năm 2017 có tính chất quan trọng đối với các doanh nghiệp phân bón, khi thị trường phân bón được dự báo sẽ tăng trưởng về nhu cầu tiêu thụ do tình hình thời tiết và thổ nhưỡng có nhiều thuận lợi hơn.
Theo báo cáo nghiên cứu của Công ty Phân tích và Dự báo thị trường Việt Nam (Agromonitor), tiêu thụ phân bón nội địa của Ure và NPK dự báo lần lượt tăng 2,15% và 5,33% trong năm 2017. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ phân hỗn hợp NPK của các công ty sản xuất sẽ tăng trưởng tích cực.
Do tình hình giá Ure tăng mạnh vào đầu năm 2017, đã làm giảm một phần nhu cầu tự phối trộn của nông dân và nhu cầu dịch chuyển sang sử dụng phân hỗn hợp NPK có thương hiệu. 

Tuy nhiên, kỳ vọng lớn nhất của các doanh nghiệp phân bón là sự thay đổi chính sách thuế VAT. Các công ty trong ngành hy vọng luật thuế sẽ được thay đổi đưa phân bón từ mặt hàng miễn thuế VAT thành mặt hàng chịu thuế VAT 0%. Cụ thể trong năm 2015-2016, khi luật thuế cũ (số 71/2014/QH13) quy định, các công ty phân bón, đặc biệt là sản xuất phân đơn, không được khấu trừ các chi phí sản xuất đầu vào làm gia tăng giá vốn hàng bán.
Vì vậy, sau khi luật thuế được thay đổi sẽ làm gia tăng biên lợi nhuận gộp cho các công ty phân bón, đặc biệt là phân đơn, như CTCP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (LAS), CTCP Phân bón Miền Nam (SFG), CTCP Phân bón dầu khí Cà Mau (DCM), CTCP Phân bón và Hóa chất dầu khí (DPM). 

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, việc đưa phân bón từ mặt hàng không chịu thuế VAT sang chịu thuế 0%, có thể giúp ngành phân bón trong nước tiết kiệm 2.500 tỷ đồng chi phí mỗi năm, tạo sức cạnh tranh về giá so với hàng nhập khẩu. Có thể lấy dẫn chứng từ LAS, doanh nghiệp này vốn áp lực lớn về giá bán và sản lượng tiêu thụ trong bối cảnh nguồn cung gia tăng ở khu vực phía Bắc.
Mặc dù thời tiết trong năm nay tương đối thuận lợi, nhưng tăng trưởng sản lượng tiêu thụ trong nửa đầu năm 2017 của LAS vẫn rất khiêm tốn. Sản lượng tiêu thụ của LAS chỉ tăng nhẹ 2% trong quý I trước khi giảm mạnh 5% trong quý II. Chính vì vậy, chính sách thuế VAT 0% nếu được áp dụng, LAS sẽ được khấu trừ thuế đầu vào khoảng 100 tỷ đồng. Khoản tiền này tương ứng hơn 50% lợi nhuận trước thuế cả năm 2016 của LAS.
Cổ phiếu phân bón nóng nhờ thuế ảnh 1 Dự báo tiêu thụ phân bón sẽ tăng trong năm 2017. 
Chỉ kỳ vọng từ 2019
Chính vì vậy, ngay khi thông tin Bộ Tài chính công bố đã hoàn thành luật sửa đổi bổ sung về thuế VAT đối với nhóm phân bón, LAS đã tăng 20% sau 2 phiên trần. LAS hiện đang giao dịch trong khoảng 15.000-16.000 đồng/CP (mức giá cao nhất của mã này trong 1 năm trở lại đây). Các mã còn lại dù không đạt mức tăng như LAS nhưng giao dịch cũng rất khởi sắc.
Chẳng hạn, khối lượng giao dịch của DPM trong tuần qua hồi phục mạnh và vượt qua giá trị bình quân trong 20 phiên trước đó. Tương tự, khối lượng giao dịch của DCM đang dần ổn định trở lại sau thời gian trồi sụt thất thường. Nổi bật nhất vẫn là SFG với khối lượng giao dịch trong những phiên gần tăng hàng chục lần so với thời điểm chưa có thông tin về thuế.

Tuy vậy, theo giới phân tích, dự án luật này dự kiến được trình Chính phủ trong tháng 9 và sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào cuối năm nay. Nếu được thông qua, nhiều khả năng sẽ có hiệu lực từ 2019. Do vậy, quyết định này sẽ chưa có ảnh hưởng gì lên kết quả kinh doanh 6 tháng cuối năm 2017 và cả năm 2018 của các doanh nghiệp phân bón.
Thậm chí, có doanh nghiệp còn bị ảnh hưởng từ quy định thuế mới này, như trường hợp của CTCP Phân bón Bình Điền (BFC) do nguyên liệu đầu vào là thành phẩm, không chịu thuế VAT đầu vào. Không những thế, BFC có thể gặp bất lợi trong cạnh tranh về giá khi các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước được giảm chi phí giá thành sản xuất nhờ chính sách thuế VAT 0%. 

Các tin khác