Cổ phiếu dược, ai được ai thua?

(ĐTTCO) - Về lâu dài, ngành dược vẫn có khả năng  tăng trưởng tốt và ổn định, nhưng không đồng nghĩa với việc đầu tư vào CP dược là thắng. 

Thực tế cho thấy nhiều NĐT đã nếm vị đắng từ CP dược, vốn được xem là nhóm CP không chịu tác động của suy thoái kinh tế.

Tầm ngắm khối ngoại  

 Hiện nhiều mã CP dược phẩm vẫn đang giao dịch dưới mệnh giá (10.000 đồng/CP) hoặc gần như bất động trong thời gian khá dài, bất chấp sự sôi động của TTCK. Nhiều mã CP dược cũng đang trong tình trạng cạn kiệt thanh khoản do thiếu sức hút, như CTCP Dược Đồng Nai (DPP), CTCP Dược phẩm Phong Phú (PPP) hay CTCP Dược Trung ương Medipharco-Tenamyd (MTP).
Việt Nam nằm trong nhóm 22 quốc gia có tốc độ tăng trưởng dược phẩm cao nhất thế giới với mức tăng bình quân 9,6% (giai đoạn 2015-2020). Dự báo tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng này trong vòng 20-30 năm tới. Thực tế cho thấy khả năng sinh lời của doanh nghiệp dược phẩm đang dần được cải thiện trong những năm gần đây, nhờ ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, các chính sách cắt giảm chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp.
Xu hướng này nhiều khả năng sẽ tiếp diễn trong các năm tới khi nhiều doanh nghiệp đưa vào hoạt động các dây chuyền sản xuất thuốc đặc trị theo tiêu chuẩn EU-GMP. Đơn cử, CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP) với thế mạnh chủ lực là các dòng kháng sinh được sản xuất theo tiêu chuẩn EU-GMP. Ngoài ra, IMP còn đầu tư nhà máy sản xuất thuốc đặc trị (ung thư, tiểu đường, tim mạch, cơ xương khớp) với tổng vốn đầu tư 350 tỷ đồng và dây chuyền sản xuất thuốc kháng sinh hơn 250 tỷ đồng theo tiêu chuẩn EU-GMP. Với sự đầu tư này, kỳ vọng IMP sẽ ghi nhận được kết quả kinh doanh ấn tượng tại thị trường trong nước và xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. 

Hiện tại, CTCP Dược Hậu Giang (DHG) - doanh nghiệp dược lớn nhất cả về quy mô doanh thu lẫn hệ thống phân phối - đang rất hấp dẫn các đối tác ngoại, trong đó có tập đoàn dược phẩm hàng đầu Taisho của Nhật Bản. Để tạo điều kiện cho Taisho tăng tỷ lệ sở hữu, DHG vừa chốt quyền lấy ý kiến cổ đông về các vấn đề liên quan đến nâng giới hạn tỷ lệ sở hữu NĐTNN lên 100%.
Được biết, Taisho muốn nâng tỷ lệ sở hữu tại DHG từ mức 24,5% như hiện nay lên trên 51%, nhưng room cho NĐTNN của DHG gần như đã kín. Tuy nhiên, do SCIC hiện đang nắm 43% cổ phần DHG vẫn chưa có kế hoạch thoái vốn trong 2-3 năm tới, nếu việc nới room được thông qua, nhiều khả năng Taisho sẽ phải mua lại từ các cổ đông khác. Cũng nằm trong tầm ngắm của khối ngoại là CTCP Xuất nhập khẩu y tế Domesco (DMC). DMC là doanh nghiệp niêm yết khá đặc biệt khi chuyển từ doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối (SCIC nắm 35% vốn điều lệ) thành công ty con của CFR International SPA (nắm giữ 51%). Thế nhưng, đến năm 2014 DMC lại trở thành công ty con của Abbott. 

Sự góp mặt của cổ đông đến từ Hoa Kỳ này đã giúp DMC cùng nhóm CP dược ghi nhận được sự cải thiện về giá CP trong những năm gần đây. Theo thống kê của CTCK FPT (FPTS), VN Index đã có mức tăng trưởng khá ấn tượng từ 2007 đến nay. Nếu so với mức đáy tháng 2-2009 chỉ số này đã tăng hơn 190%, nhưng vẫn thấp hơn nhiều mức tăng trưởng chung của nhóm CP dược là 877% (tương ứng với mức tăng 26%/năm).
Ngành dược hiện có 25 doanh nghiệp đang niêm yết, trong đó có 8 doanh nghiệp trên HOSE, 6 trên HNX và 11 trên UPCoM. Dù vậy, P/E của các doanh nghiệp dược vẫn còn khá thấp so với mặt bằng chung của nhóm 22 quốc gia đang phát triển, đặc biệt là Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines và Indonesia.
Cổ phiếu dược, ai được ai thua? ảnh 1
Phân hóa ngày càng rõ nét
Tuy nhiên, trước sức ép cạnh tranh vẫn còn nhiều doanh nghiệp dược chậm đổi mới. Như CTCP Dược phẩm Cần Giờ (CGP) năm 2016 tổ chức ĐHCĐ bất thường nhằm tìm phương án chào bán nhà máy US Pharma với giá 33-35 triệu USD. Nguyên nhân do nhà máy này hoạt động tương đối lâu (năm 2008), thiết kế và công nghệ không đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của các tập đoàn nước ngoài.
Tương tự, CTCP Dược phẩm Trung ương 3 (DP3) có 2 nhà máy, trong đó 1 nhà máy sản xuất thuốc tân dược đạt chuẩn WHO-GMP (hoạt động từ năm 2007). Với dây chuyền sản xuất khá cũ nên danh mục sản phẩm của DP3 khá phổ thông và đang chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các đối thủ khác. Thiếu các sản phẩm đặc biệt, lại không có chiến lược đầu tư mở rộng hay nâng cấp các tiêu chuẩn cao hơn, DP3 đang thể hiện sự bế tắc trong hoạt động. 

CTCP S.P.M (SPM) lại là câu chuyện hoàn toàn khác với các trường hợp trên. Doanh nghiệp này khá nổi tiếng trên thị trường với viên sủi vitamin mang thương hiệu MyVita có thể cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm nhập khẩu. Ngoài ra, SPM cũng chủ động trong việc nghiên cứu sản xuất các loại thuốc mới thuộc nhóm tim mạch, ung thư và các dòng thực phẩm chức năng liên quan đến gan, thận, chăm sóc da.
Thế nhưng, trong khoảng 5 năm trở lại đây, SPM gặp đầu tư ngoài ngành quá nhiều, khiến việc huy động vốn để tập trung cho kinh doanh cốt lõi gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, việc điều hành của SPM cũng trong tình trạng bất ổn do các cổ đông lớn không đồng nhất trong các chiến lược đầu tư. Gần đây, SPM đã tiến hành hàng loạt bước đi nhằm tái cấu trúc toàn diện doanh nghiệp, nhưng hiệu quả vẫn chưa được thể hiện rõ ràng.  

Có thể nói, CP dược giúp nhiều NĐT thăng hoa nhưng ngược lại vẫn có không ít NĐT  nếm vị đắng. Thậm chí, nhiều NĐT mất trắng khi đầu tư vào nhóm CP dược như trường hợp của CTCP Dược Viễn Đông (DVD) cách đây vài năm. Việc mất trắng như DVD chỉ là chuyện hiếm hoi nhưng hiện tượng thua lỗ khi đầu tư vào CP dược dù bất thường nay đang trở thành bình thường trên TTCK ở thời điểm hiện tại. 

Các tin khác