Cơ hội nâng tỷ lệ sở hữu

Giá CP ở mức thấp đang mở ra cơ hội cho cổ đông nâng cao tỷ lệ sở hữu và nắm quyền kiểm soát tại các doanh nghiệp (DN) niêm yết.

Giá CP ở mức thấp đang mở ra cơ hội cho cổ đông nâng cao tỷ lệ sở hữu và nắm quyền kiểm soát tại các doanh nghiệp (DN) niêm yết.

Cổ đông nội bộ, lớn mạnh tay giải ngân

Giá CP thấp đang mở ra cơ hội cho NĐT - cổ đông nâng cao tỷ lệ sở hữu DN niêm yết. Ảnh: LÃ ANH

Giá CP thấp đang mở ra cơ hội cho NĐT - cổ đông nâng cao
tỷ lệ sở hữu DN niêm yết. Ảnh: LÃ ANH

Giá CP của hầu hết DN niêm yết đã giảm mạnh, đa phần rất rẻ nếu so với giá trị tài sản DN. Nếu đứng trên góc độ đầu tư dài hạn, khả năng sinh lời cao so với các kênh đầu tư khác như gửi ngân hàng, đầu tư bất động sản. Chính vì vậy, trong thời gian gần đây, hàng loạt cổ đông nội bộ, đặc biệt những người đang nắm vị trí lãnh đạo nhưng tỷ lệ nắm giữ cổ phần còn thấp liên tục đăng ký mua vào CP của DN do mình đang điều hành nhằm tăng tỷ lệ sở hữu.

Chẳng hạn, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC), vừa hoàn tất mua vào 34.500 CP FMC, nâng số CP FMC hiện đang nắm giữ lên 60.000 CP (chiếm 0,75% vốn điều lệ). Ông Lương Hoàng Mãnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Thủy sản Mê Kông (AAM), mua vào gần 237.000 CP AAM, nâng tỷ lệ sở hữu từ 2,93% lên 5,02%. Ông Trịnh Hữu Minh, Giám đốc CTCP In và Bao bì Mỹ Châu (MCP), mua vào 30.000 CP MCP, nâng tỷ lệ sở hữu từ 2,94% lên 3,3%. Ông Bùi Viết Minh, Giám đốc CTCP Xi măng Hải Vân (HVX), mua vào 50.000 CP HVX, nâng số CP HVX đang nắm giữ lên gấp đôi. Ngày 11-5, một NĐT cá nhân là bà Nguyễn Thị Hoa mua vào 646.000 CP của CTCP Khoáng sản Bình Thuận Hamico (KSA), đạt tỷ lệ nắm giữ 5,02%.

Với mục tiêu tương tự, các cổ đông lớn cũng mạnh tay mua vào số lượng lớn CP của các DN niêm yết trong bối cảnh giá CP liên tục sụt giảm nhằm bảo đảm quyền chi phối tại DN. Một trong những cổ đông lớn đăng ký mua CP với số lượng lớn nhất tính đến thời điểm hiện này là Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Phát triển Tân Việt. Chỉ trong ngày 12-5, DN này đã mua vào hơn 2,1 triệu CP của CTCP Xây dựng Cotec (CTD). Với số lượng CP sau khi mua vào này, Tân Việt đã nắm giữ hơn 3,2 triệu CP CTD và nâng tỷ lệ sở hữu từ 3,5% lên 10,45%. Quỹ Đầu tư Chứng khoán Bảo Việt mua hơn 1,8 triệu CP của CTCP Vận tải biển Việt Nam (VOS), nâng tỷ lệ sở hữu từ 0,2% lên 1,55%. CTCP Cơ điện lạnh (REE) vừa thông báo mua hơn 700.000 CP TBC của CTCP Thủy điện Thác Bà, nâng số CP nắm giữ tại DN này lên trên 5,7 triệu CP. Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM (Saigon Petro) đăng ký mua 400.000 CP của CTCP Vật tư xăng dầu (COM), nâng lượng CP nắm giữ từ 2,9 triệu đơn vị lên 3,3 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ 24,59%.

 Chiếm quyền kiểm soát

Ngoài mục đích tìm kiếm cơ hội đầu tư trong dài hạn, việc mua vào CP để nâng cao tỷ lệ sở hữu của các cổ đông trong thời gian gần đây còn với mục đích kiếm một chân trong HĐQT hay Ban kiểm soát (BKS). Thực tế, đây là mục tiêu không khó trong bối cảnh hiện nay. Giả sử một DN niêm yết có vốn điều lệ khoảng 130 tỷ đồng và giá thị trường đang dao động gần mệnh giá (trên thị trường, không hiếm DN như vậy), NĐT chỉ cần bỏ ra khoảng 9 tỷ đồng và chịu khó mua gom hàng mỗi ngày là có thể đạt được tỷ lệ khoảng 7%/vốn điều lệ.

Đối với những DN tầm trung này, thông thường cổ đông tổ chức nắm giữ cổ phần lâu dài (không muốn chuyển nhượng khi giá quá thấp) không lớn. Trong khi đó, cổ đông tổ chức và cá nhân thành viên HĐQT nắm giữ tỷ lệ 20-40%. Tỷ lệ còn lại thuộc các NĐT cá nhân và phần lớn là NĐT trên sàn. Với cơ cấu cổ đông như vậy, chỉ cần sở hữu khoảng 7% CP là đương nhiên đủ tiêu chuẩn vào HĐQT hay BKS mà không cần sự ủng hộ từ HĐQT hay NĐT khác. Trong trường hợp không đủ 9 tỷ đồng, 2 NĐT có thể hợp tác mỗi người bỏ 4,5 tỷ đồng để chia nhau một ghế HĐQT, một ghế BKS. Theo quy chế điều lệ mẫu về quản trị DN do Bộ Tài chính ban hành, nhóm cổ đông sở hữu từ 5%/vốn điều lệ có quyền cử người tham gia HĐQT và BKS. Nếu mở rộng đối tượng hợp tác, có thể một nhóm nhỏ NĐT nắm giữ cổ phần chi phối hoặc cổ phần phủ quyết hoặc có thể tham gia làm thành viên HĐQT, BKS ở nhiều DN.

Vậy NĐT căn cứ tiêu chí nào để chọn một DN niêm yết đầu tư nhưng vẫn bảo đảm bảo toàn vốn cũng như khả năng dễ dàng tham gia HĐQT, BKS? Theo khuyến cáo của Hiệp hội Các NĐT tài chính Việt Nam (VAFI), đó là những DN có vốn điều lệ dao động 100-150 tỷ đồng; giá trị sổ sách lớn gấp 1,5-2 lần vốn điều lệ; có lịch sử kinh doanh thuộc loại trung bình và khá trong 7 năm hoạt động gần đây; lợi nhuận sau thuế hàng năm dao động 20-30%; không vay nợ nhiều, tổng nợ vay ngân hàng thấp hơn hoặc dao động khoảng 50% vốn chủ sở hữu. Đây là những đặc tính thể hiện trình độ quản trị kinh doanh ở mức trung bình hoặc khá trong hệ thống các DN niêm yết. Đặc biệt, cần chú ý đến giá trị các loại tài sản vô hình ít thể hiện trên sổ sách như quyền sử dụng đất, công trình kiến trúc.

Các tin khác