Có hay không “đội lái phái sinh”

(ĐTTCO) - “Có đội lái trên sàn phái sinh hay không?”. Đây là chủ đề đang được rất nhiều NĐT bàn tán. Nhưng tất cả cũng chỉ ở trạng thái nghi ngờ, phỏng đoán dựa trên một số hiện tượng “có vẻ hợp lý”. 

Cơ sở để nghi ngờ
Hôm qua 18-7, VN Index đã có phiên tăng mạnh nhất trong vòng 1 tháng với hơn 21 điểm, tương đương 2,3% lên hơn 942 điểm. Nhưng cách đó một tuần, thị trường không yên ả như vậy, đặc biệt vào phiên 11-7 mà đến giờ có thể tin tưởng một cách khá chắc chắn rằng, đây là phiên tạo đáy của VN Index.
Từ mức 911 điểm của phiên hôm trước, VN Index nhanh chóng thủng luôn ngưỡng 900 điểm sau đợt ATO, và đến giữa phiên đã có lúc giảm còn 885 điểm, tức chỉ số “bay” khoảng 25 điểm. Lúc này nhiều NĐT đã nghĩ đến viễn cảnh VN Index phải về 850 điểm, thậm chí vùng 700-800 điểm như một số dự báo từ nhiều nguồn chuyên gia, CTCK… 
Nhưng “may mắn” rằng, ngưỡng giảm 25 điểm được thu hẹp về cuối phiên và VN Index chỉ mất gần 18 điểm để xuống còn 893 điểm, và từ đó đến nay là 5 phiên tăng liên tiếp. Để thu hẹp đà giảm trong phiên hôm đó, trong đợt khớp lệnh ATC, một điểm đáng chú ý là một số CP từ chỗ bị bán mạnh, bán rất gắt trước đó, đột nhiên xuất hiện lực mua giá kịch trần, rồi lệnh ATC với khối lượng lớn đẩy giá tạm tính tăng mạnh, thậm chí tăng gần kịch trần. 
Diễn biến theo kiểu phiên 11-7, là một trong những cơ sở để NĐT nghi vấn về chuyện đội lái xuất hiện trên phái sinh. VN Index giảm mạnh, VN30 cũng sẽ giảm tương ứng, mà đây lại là chỉ số để “quy chiếu” cho giá các hợp đồng tương lai (HĐTL) trên thị trường phái sinh. Khi thị trường nói chung và VN30 giảm nói riêng, tất nhiên NĐT sẽ tiến hành bán (short) HĐTL với kỳ vọng giá xuống, và càng giảm sâu đến khi mua lại (long) sẽ càng lãi lớn. 
Có hay không “đội lái phái sinh” ảnh 1
Giả sử: VN30 đang là 900 điểm và giá của HĐTL là 90 triệu đồng, thì thường nếu VN30 giảm 10 điểm, giá HĐTL có thể giảm tương ứng xuống 1 triệu đồng. Tất nhiên giá trị giao dịch của HĐTL sẽ do cung-cầu quyết định, tuy nhiên VN30 hay VN Index tăng/giảm mạnh cũng sẽ tác động đáng kể lên giá giao dịch.
Khó có chuyện VN30 giảm mạnh mà giá HĐTL giảm nhẹ, hoặc VN Index tăng mạnh mà giá của HĐTL chỉ nhích nhẹ. Nói đến đây có thể tạm hiểu, nếu thị trường giảm thì phe “short” có lợi, còn thị trường tăng thì phe “long” có lợi trên thị trường phái sinh. Nhưng một NĐT bình thường không thể đoán định được điều này, nên rất dễ nghi ngờ rằng có đội lái để làm cho thị trường tăng giảm nhằm có lợi cho mình. 

Ai đủ sức?
Một kịch bản dễ tin nhất được đưa ra là đội lái “đạp” bằng cách xả hàng cho thị trường cơ sở (tức VN Index) giảm, và tiến hành “short” HĐTL rồi sau khi giảm sâu lại tiến hành “long” HĐTL để mua vào, đẩy cho thị trường cơ sở lên. Lý thuyết là vậy, nhưng thực tế có thể thực hiện hay không lại là chuyện khác.
Dẫn chứng thanh khoản những phiên đỏ lửa đoạn cuối tháng 6 và đầu tháng 7 có thanh khoản khá cao được đưa ra. Theo đó, với thanh khoản thấp, lực cầu yếu, chỉ cần “đạp” blue chips thì VN Index sẽ giảm sâu mà không sợ mất hàng. 
Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là nếu muốn đạp phải có “hàng”, nhưng hàng ở đâu ra khi chuyện mượn CP hiện nay không được thực hiện. Chưa kể, mượn blue chips khối lượng lớn cũng không phải muốn mà được.
Nghe chừng có lý nhất chỉ là các “tay to” thay vì tiến hành bắt đáy CP giá rẻ ở vùng 900 điểm, thì chưa vội mua vào mà tranh thủ lúc NĐT còn e ngại tại vùng đáy, bán tháo khiến cho chỉ số biến động thất thường để short phái sinh ở vùng cao, mua CP lẫn phái sinh ở giá thấp giống như một hình thức cân bằng (hedge) rủi ro.  
Một giả thiết khác được đưa ra ở đây là một số NĐT giữ được nguồn hàng lớn trên thị trường có thể bán mạnh để “hù dọa”, kèm theo short phái sinh rồi sau đó mua lại cả hai thị trường. Nhưng đây cũng là một giải pháp đầy tính rủi ro và thách thức các bên khác. Bởi lẽ, nếu chỉ một bên bán ra mạnh, nhưng không có sự đồng thuận, có thể dẫn đến tình trạng bên bán bị mất hàng, thậm chí bị “đánh up”.
Nghĩa là sau khi short thị trường không giảm mà lại tăng, những ai tiến hành short sẽ cầm chắc thua lỗ nặng. 
Cũng phải nói thêm rằng, GTGD của thị trường phái sinh những ngày cao điểm đã vượt con số 10.000 tỷ đồng, một con số “khủng” mà có lẽ không thể một hay vài nhóm “cá mập” nào đủ sức can thiệp.
Ông Lê Anh Trí, Giám đốc Chi nhánh quận 3, CTCK Phú Hưng cho biết: Khi nghe nói đến thị trường phái sinh hấp dẫn trong bối cảnh thị trường cơ sở điều chỉnh, NĐT lại càng muốn “thử”, kể cả đã tìm hiểu kỹ hay chưa. Số lượng người bán, kẻ mua nhiều, đa dạng dẫn đến các hành động cũng có thể khó đoán, đám đông có lúc đồng thuận, nhưng có khi cũng phân tán.
Một NĐT đã có thâm niên trong lĩnh vực quản trị rủi ro chia sẻ: “Tôi đã thử đánh phái sinh để trải nghiệm cảm giác và khẳng định đừng bao giờ nói rằng “dễ ăn” hoặc ăn đó rồi cũng thua đó mà thôi”.
Chính sự khó lường này của thị trường phái sinh đã khiến nhiều người thua lỗ tỏ ra không phục, khi thua đổ thừa tại thị trường nên cho rằng có đội lái nào chi phối, trong khi khó lường là đặc tính của thị trường phái sinh đã được cảnh báo từ rất lâu. Chuyện đội lái trên phái sinh có lẽ chỉ là thuyết âm mưu giống như chuyện mùa World Cup chứng khoán giảm, vì dòng tiền rút đi… cá độ bóng đá.

Các tin khác