Cổ đông lớn nổi sóng tại VSH

(ĐTTCO) - Tưởng chừng ĐHCĐ thường niên 2017 của CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh (VSH) sẽ diễn tra suôn sẻ với kết quả kinh doanh tương đối khả quan trong năm vừa qua.
 Tuy nhiên, hàng loạt tờ trình quan trọng của doanh nghiệp đã không được cổ đông thông qua, do những quan điểm trái chiều của các cổ đông lớn.
Bác hàng loạt tờ trình  

 Theo thống kê, tham dự ĐHCĐ của VSH có 28 cổ đông và người được ủy quyền, đại diện cho 176,3 triệu cổ phần (tương đương 85,48% vốn điều lệ). Tính trên số cổ phần tham dự ĐHCĐ, Genco 3 nắm giữ 35,7% quyền biểu quyết (tỷ lệ đủ để phủ quyết các nội dung trình đại hội). Phía ngược lại, nhóm cổ đông REE và Perfectto cũng nắm tỷ lệ vừa đủ để phủ quyết các nội dung trình đại hội.
Theo tờ trình kết quả sản xuất kinh doanh năm 2016, tổng doanh thu của VSH đạt 502,22 tỷ đồng (bằng 96,66% kế hoạch năm), trong đó doanh thu từ sản xuất điện và dịch vụ thực hiện được 448,17 tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động tài chính đạt 52,95 tỷ đồng (đạt 149,16% kế hoạch); lợi nhuận trước thuế đạt 280,84 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn bằng 12,52%; cổ tức được thực hiện trong năm 2016 giữ mức ổn định 10%.
Với kết quả này, HĐQT của VSH trình tờ trình về thù lao cho HĐQT và BKS hơn 1,6 tỷ đồng và tỷ lệ chi trả cổ tức 10%. Tuy nhiên, tất cả tờ trình này bất ngờ bị cổ đông bác bỏ với tỷ lệ đồng ý thấp hơn 40% số cổ đông tham gia. 

Không đồng thuận với kết quả kinh doanh năm 2016, cổ đông VSH còn bác luôn tờ trình về kế hoạch kinh doanh năm 2017. Cụ thể, HĐQT của VSH đặt kế hoạch sản lượng điện thương phẩm 730,13 triệu kWh cho năm 2017 (tăng 8,8%). Với giá bán điện bình quân ước tính 674 đồng/kWh, kế hoạch doanh thu 492,15 tỷ đồng (tăng 10%), lợi nhuận sau thuế 264,36 tỷ đồng (tăng 2,4%).
Đại diện cổ đông lớn là CTCP Cơ điện lạnh (REE) đề nghị ban điều hành lên kế hoạch chi tiết hơn về doanh thu dự kiến theo hợp đồng và doanh thu theo thị trường phát điện cạnh tranh; thống kê số liệu tham gia thị trường phát điện cạnh tranh các năm trước để chủ động trong việc chào giá trên thị trường, nâng giá bán điện bình quân. Bên cạnh đó, nhà máy Vĩnh Sơn và Sông Hinh đã hết khấu hao nên chi phí sản xuất giảm, lợi nhuận sau thuế từ sản xuất điện tăng nên cổ tức không thể duy trì mãi ở mức 10%. 

Một trong những vấn đề nóng tại ĐHCĐ là tờ trình về dự án thủy điện Thượng Kon Tum (công suất 220MW). Kế hoạch sử dụng vốn cho dự án này trong năm 2017 cũng không được thông qua (tăng từ 5.744 tỷ đồng lên 7.407 tỷ đồng). Dự án Thượng Kon Tum là công trình trên cùng hệ thống bậc thang thủy điện sông Sê San.
Dự án gồm 2 tuyến chính là tuyến áp lực và tuyến năng lượng. Tuyến áp lực dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 6-2017, trong khi tuyến năng lượng, trong đó hạng mục khó khăn và quan trọng nhất là gói thầu thi công hầm dẫn nước bằng thiết bị khoan hầm TBM dự kiến hoàn thành cuối năm 2018. Tổng chiều dài hầm thi công bằng máy TBM là 12.449m, trong đó nhà thầu Trung Quốc trước đây đã thi công 2.000m, còn lại 10.449m do Liên danh nhà thầu Robbins (Hoa Kỳ) và CTCP Xây dựng C47 (C47) thi công.
Năng suất thi công của liên danh nhà thầu hiện nay cao gấp 3 lần nhà thầu Trung Quốc trước đây. Toàn bộ dự án dự kiến hoàn thành và phát điện vào cuối quý I-2019 hoặc đầu quý II-2019. Đến ngày 30-4-2017, tổng giá trị thực hiện tại dự án là 4.414,2 tỷ đồng, gồm 2.941,7 tỷ đồng vốn vay và 1.472,5 tỷ đồng vốn tự có. 

Đối với dự án này, cổ đông lớn là Tổng công ty Phát điện 3 (Genco 3) yêu cầu ban điều hành kiểm soát chặt chẽ chi phí của dự án, đặc biệt là chi phí lãi vay và chi phí dự phòng; xem xét thương lượng giảm lãi suất vay (hiện nay lãi suất của đa số các khoản vay tính bằng lãi suất tiết kiệm VNĐ kỳ hạn 12 tháng). Liên quan đến gói thầu thi công hầm bằng máy TBM, VSH đang theo vụ kiện do nhà thầu Hoa Đông Trung Quốc khởi kiện sau khi 2 bên chấm dứt hợp đồng vào tháng 7-2014.
Trong BCTC năm 2016 đã có thuyết minh về nợ tiềm tàng liên quan đến vụ tranh chấp này; theo đó công ty chưa trích lập dự phòng liên quan đến vụ tranh chấp này do kết quả sau cùng chưa được xác định. Đây là một trong những lý do khiến tờ trình kết quả kinh doanh 2016 không được thông qua.
Cổ đông lớn nổi sóng tại VSH ảnh 1 Thiết bị TBM - đào và làm đường hầm bằng phương pháp nghiền nát đá, hoàn toàn không gây nổ tại Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh. 
Bất đồng về nhân sự 
Cuối năm 2016, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã thoái toàn bộ vốn tại VSH. Trước đó, SCIC nắm giữ gần 49,5 triệu CP (tương đương 24% vốn điều lệ). Thế chỗ của SCIC hiện tại là REE, đang nắm giữ 20% vốn điều lệ. Ngoài REE, nhóm cổ đông lớn của VSH còn có Genco 3 (nắm 30,55% vốn điều lệ), Công ty TNHH Perfectto (nắm 14,18% vốn điều lệ) và Halley Sicav (nắm 9,11% vốn điều lệ).
Sau khi SCIC rút khỏi VSH, HĐQT đã công bố Nghị quyết về việc miễn nhiệm thành viên HĐQT đại diện cho phần vốn của SCIC và bổ nhiệm 1 đại diện của REE giữ chức danh thành viên HĐQT là ông Lê Tuấn Hải. Trước ngày tổ chức ĐHCĐ, 1 thành viên HĐQT độc lập là ông Phan Hồng Quân bất ngờ nộp đơn xin từ nhiệm. 

Để bổ sung vào ghế trống này, Genco 3 đề cử ông Vương Thái Hòa, nguyên Phó Giám đốc Công ty Thủy điện An Khê - Khê Ka Na với hơn 35 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thủy điện. Trong khi đó, Perfectto đề cử ông Quách Vĩnh Bình, Phó Giám đốc REE, chuyên ngành tài chính. Tuy nhiên, đề xuất của  Perfectto đã bị Genco 3 bác với lý do ông Bình là người liên quan đến cổ đông lớn REE, nên không đủ tiêu chuẩn là ứng cử viên thành viên HĐQT độc lập. 

Do bất đồng trong việc đề cử bầu bổ sung thành viên HĐQT (không đủ tỷ lệ 65%) nên các cổ đông đã đề nghị ông Quân tiếp tục là thành viên HĐQT độc lập. Trước đề nghị của các cổ đông, ông Quân đã rút đơn từ nhiệm. Đây là nội dung duy nhất được 100% cổ đông biểu quyết thông qua tại ĐHCĐ của VSH.

Các tin khác