Đầu tư vào công ty chứng khoán

Cổ đông cần chữ tín và chữ tâm

Việc CTCK Kim Long (KLS) dự kiến chuyển thành công ty đầu tư và bổ sung mảng kinh doanh bất động sản là hồi chuông cảnh báo về hiệu quả hoạt động của các CTCK. Đồng vốn của cổ đông góp vào các CTCK đang có nguy cơ bị sử dụng sai mục đích.

Việc CTCK Kim Long (KLS) dự kiến chuyển thành công ty đầu tư và bổ sung mảng kinh doanh bất động sản là hồi chuông cảnh báo về hiệu quả hoạt động của các CTCK. Đồng vốn của cổ đông góp vào các CTCK đang có nguy cơ bị sử dụng sai mục đích.

Cả thị trường hố hàng

Cuối tuần qua, KLS đã công bố sẽ không đưa ra phương án thay đổi ngành nghề kinh doanh tại ĐHCĐ thường niên lần 2 được tổ chức vào ngày 15-4 tới đây. HĐQT cho biết thời điểm hiện nay chưa phù hợp để thực hiện phương án này, do đây là quá trình khó khăn và có nhiều ý kiến không đồng thuận. Khi KLS đưa ra ý định chuyển đổi từ CTCK sang công ty đầu tư, người chê cũng nhiều, nhưng cũng có những lời khen về sự dũng cảm của công ty. Lãnh đạo KLS “vẽ” ra một số hình ảnh tươi sáng sau khi chuyển đổi, nên một số người đã đồng tình. Trong khi dư luận đang chờ đợi xem KLS sẽ chuyển đổi như thế nào, HĐQT lại đột ngột dừng phương án, khiến không ít người hụt hẫng.

Nhiều cổ đông đã bất ngờ khi KLS tuyên bố thay đổi ngành nghề kinh doanh. Ảnh: LÃ ANH

Nhiều cổ đông đã bất ngờ khi KLS tuyên bố thay đổi ngành nghề kinh doanh. Ảnh: LÃ ANH

Chuyện KLS từ lâu bỏ rơi mảng môi giới, chủ yếu tập trung tự doanh là điều ai cũng biết. Phần đông NĐT quan tâm đến CP này chỉ bởi tính chất đầu cơ hơn là yếu tố cơ bản. Đây cũng là tình trạng chung của CP CTCK, chẳng mấy ai muốn nắm giữ trong một thời gian dài, nhất là khi TTCK diễn biến không thuận lợi trong 2 năm vừa qua. có nhiều NĐT cá nhân quan tâm đến chuyện KLS sẽ tiếp tục có sóng hay không hơn là KLS có nên chuyển đổi.

Lâu nay, tại nhiều ĐHCĐ vẫn xảy ra tình trạng NĐT cá nhân cứ nói, còn lãnh đạo doanh nghiệp nghe hay không lại là chuyện khác. Vậy những ai không đồng thuận với phương án chuyển đổi mô hình của KLS, có phải là cổ đông nhỏ lẻ hay không? Nếu ai đó nghi ngờ phương án này đang vướng một số khó khăn khác nên phải tạm ngưng và lý do cần có sự đồng thuận chỉ là cái cớ để cho thấy công ty biết lắng nghe.

Cổ đông bị gài?

KLS được xếp vào nhóm CTCK có tốc độ tăng vốn “khủng” nhất trên thị trường, hiện nay công ty có vốn điều lệ 2.025 tỷ đồng, lớn gấp 112,5 lần so với lúc mới thành lập vào năm 2006, chỉ có 18 tỷ đồng. Việc huy động vốn quá dễ dàng cũng đồng nghĩa với rủi ro sử dụng không hợp lý, thậm chí sai mục đích tăng lên.

Lật lại bản cáo bạch chào bán ra công chúng để tăng vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng lên 2.025 tỷ đồng được công bố vào ngày 22-2-2010, trong phần kế hoạch sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán, KLS đã liệt kê 3 mục đích: Thứ nhất, nâng cao năng lực tài chính nhằm đẩy mạnh hoạt động đầu tư tự doanh và tăng cường năng lực bảo lãnh phát hành, mở rộng thị phần hoạt động môi giới. Thứ hai, đầu tư đẩy mạnh các hoạt động nghiệp vụ hiện có khác, chuẩn bị triển khai một số dịch vụ mới trong tương lai như giao dịch ký quỹ (margin trading), giao dịch trái phiếu... Thứ ba, bổ sung nguồn vốn để phục vụ cho các kế hoạch, mục tiêu hoạt động kinh doanh khác. Thực tế KLS đã thực hiện đúng mục đích nào, tự doanh hiệu quả thế nào, chỉ cần nhìn vào KQKD thua lỗ của công ty có thể nắm rõ. Các hoạt động môi giới, giao dịch ký quỹ… gần như không tồn tại đối với KLS.

Đáng nói hơn, khi các mục đích trên chưa được thực hiện đến nơi đến chốn, KLS lại có ý định thay đổi bằng việc chuyển sang mô hình công ty đầu tư. những cổ đông tham gia đợt phát hành của KLS năm ngoái dựa vào 3 mục đích nêu trên nói rằng họ bị “lật lọng”, thậm chí “lừa đảo” không phải không có lý. Theo lãnh đạo của KLS, với mô hình công ty đầu tư, họ có thể sở hữu lượng cổ phần lớn hơn, tham gia vào quá trình kinh doanh và chia sẻ lợi nhuận với doanh nghiệp, kiểm soát tốt hơn khoản đầu tư.

Đành rằng tự doanh của CTCK trong những năm qua gặp khó khăn, nhưng vẫn có CTCK làm ăn hiệu quả. Kiểm soát tốt các khoản đầu tư đâu nhất thiết phải nắm giữ tỷ lệ lớn cổ phần. Và quan trọng hơn cả, liệu KLS có đủ lực để đầu tư theo dạng này hay không, khi ai cũng thấy rằng từ lâu công ty chỉ lướt sóng trong khi đầu tư dài hạn chẳng thấy đâu. Một cổ đông đã tếu táo rằng KLS đầu tư CK không hiệu quả, lại có ý định chuyển sang đầu tư bất động sản, vậy nếu đầu tư bất động sản không hiệu quả, có khi công ty chuyển sang đầu tư vàng (nếu được phép) cũng nên.

Cổ đông nắm đằng lưỡi

NĐT bỏ tiền mua CP của CTCK tất nhiên sẽ trở thành cổ đông, thành “ông chủ” của CTCK. Về lý là vậy, nhưng trong thực tế “ông chủ” thực sự của các CTCK chỉ gồm có những người điều hành công ty mà thôi. Một chuyên gia tài chính phân tích: Đối với những CTCK có CP trôi nổi ra bên ngoài quá nhiều, ban lãnh đạo sở hữu cổ phần với tỷ lệ thấp, ắt cổ đông nhỏ lẻ chết chắc. Thí dụ tỷ lệ sở hữu của HĐQT lẫn ban điều hành của một CTCK chỉ là 20%, phần còn lại là những cổ đông nhỏ lẻ bên ngoài. Nếu 80% này liên kết lại, chắc chắn sẽ có tiếng nói rất lớn, nhưng thực tế lại khó xảy ra. Không chịu sự ràng buộc về cổ phần, trong khi lại nắm trong tay một số tiền lớn sẽ rất dễ dẫn đến hành vi trục lợi. Câu chuyện sếp của các CTCK sử dụng vốn của công ty phục vụ cho mục đích đầu tư của mình vẫn được dân CK thường xuyên nhắc đến.

Hiện giờ KLS vẫn chưa thể thực hiện phương án chuyển đổi mô hình kinh doanh. Nhưng trong thời gian tới, nếu phương án này thành công, không loại trừ sẽ có hàng loạt CTCK khác bắt chước KLS. Khi đó, rất dễ tạo ra trào lưu huy động vốn nói một đằng, đến khi sử dụng không hiệu quả hoặc không đúng mục đích lại nói một nẻo, rồi chuyển đổi mô hình kinh doanh, xóa trắng những sai lầm của mình. Cũng có người cho rằng chuyển đổi mô hình thực chất chỉ là một động tác dìm hàng từ phía KLS để tạo cơ hội mua CP với giá rẻ và chờ cơ hội đánh lên. Lý lẽ được đưa ra ở đây là vì một số vị trí quản lý cao cấp của KLS trước đây đã làm việc tại UBCKNN, nên hiểu quá rõ về luật, chuyện có thể chuyển đổi hay không đâu cần phải thăm dò hay thử thách này nọ. Sau khi ý định của lãnh đạo KLS được công khai ra bên ngoài, CP này đã giảm mạnh và chỉ chịu dừng lại ở mốc 0.9. Đây cũng là lý do vì sao CP của các CTCK hiện giờ được xếp vào nhóm CP “khó chơi” nhất trên thị trường. Đừng để đến lúc NĐT thấy rằng bỏ vốn vào các CTCK có nhiều rủi ro mà lợi nhuận thu về lại không có gì.

Các tin khác