Chọn mặt gửi tiền nhóm ngành địa ốc

(ĐTTCO) - Điểm nổi bật trong mùa ĐHCĐ năm này là các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) lên kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng cho năm 2018. 
Dù vậy, với nhiều NĐT, thị trường BĐS vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là khả năng bong bóng sau thời gian tăng trưởng nóng.
Mục tiêu đầy tham vọng
Mùa ĐHCĐ năm nay ghi nhận việc nhiều doanh nghiệp BĐS khá tự tin khi đặt ra mục tiêu tăng trưởng hết sức ấn tượng. Nổi bật trong số này có thể kể đến CTCP Tập đoàn Đầu tư địa ốc NoVa (NVL) với doanh thu dự kiến 21.780 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.200 tỷ đồng (tăng trưởng lần lượt 87% và 55% so với thực hiện năm 2017).
Tương tự, CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt (PDR) với kế hoạch doanh thu lên tới 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 800 tỷ đồng (tăng lần lượt vượt 51% và 45,2% mức thực hiện trong năm 2017).
Là tân binh trên thị trường BĐS lẫn sàn CK, nhưng tại ĐHCĐ được tổ chức cuối tháng 5 vừa qua, HĐQT của CTCP BĐS Netland (NRC) cũng có tờ trình chỉ tiêu kinh doanh 2018 khá ấn tượng. Cụ thể, doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 150 tỷ đồng và 70 tỷ đồng (tăng lần lượt 66,45% và 110,75% so với năm 2017). 
 Doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp BĐS niêm yết trong năm 2017 tăng lần lượt 45% và 10% so với năm 2016. Với mức tăng trưởng kinh doanh ấn tượng, BĐS là một trong những nhóm CP tăng trưởng ấn tượng nhất trong năm 2017 với tỷ lệ 52%, cao hơn mức tăng 48% của VN Index.
Sự tự tin của các doanh nghiệp BĐS còn thể hiện qua chỉ tiêu bán hàng cụ thể cho từng phân khúc. Đơn cử, CTCP Đầu tư Nam Long (NLG) đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận 2018 ở mức 3.855 tỷ đồng và 614 tỷ đồng (tăng 22% và 15% so với năm 2017).
Thậm chí, HĐQT của NLG còn đưa ra kế hoạch phát triển đến năm 2020 với mục tiêu tung ra thị trường 15.800 sản phẩm (giai đoạn 2018-2020), trong đó 2.400 sản phẩm Ehome, 11.000 sản phẩm Flora và 2.400 sản phẩm Valora. Tương tự, ĐHCĐ thường niên 2018 của CTCP Dịch vụ xây dựng và Địa ốc Đất Xanh (DXG) cũng đã thông qua kế hoạch bán 28.131 sản phẩm trong năm 2018, doanh thu ước tính 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.068 tỷ đồng (tăng 42% so với năm 2017). 
Đối với các đại gia BĐS, ngoài chỉ tiêu cụ thể cho từng phân khúc, tham vọng được thể hiện qua những con số khủng.
Tại ĐHCĐ thường niên 2018 của CTCP Tập đoàn Vingroup (VIC) tổ chức ngày 1-6 vừa qua, HĐQT của tập đoàn này công bố kết quả kinh doanh 2017 với các chỉ số tăng trưởng mạnh so với năm trước. Cụ thể, doanh thu năm 2017 đạt 89.350 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 5.655 tỷ đồng (tăng trưởng lần lượt 55% và 27% so với năm 2016). Đáng chú ý, các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, trong đó có BĐS bứt phá mạnh mẽ.
Cụ thể, lĩnh vực BĐS đã bàn giao gần 14.000 sản phẩm (căn hộ, biệt thự, nhà phố thương mại, biệt thự biển), đưa vào vận hành 12 dự án tại 5 tỉnh thành. Mảng BĐS bán lẻ đã có bước tiến vượt bậc với việc đưa hơn 1,9 tỷ CP của CTCP Vincom Retail (VHM) niêm yết thành công trên TTCK, nâng số lượng trung tâm thương mại trên toàn quốc lên con số 46. Với kết quả này, HĐQT của VIC đã mạnh dạn đặt ra kế hoạch 2018 với doanh thu 120.000 tỷ đồng (tương đương 5,3 tỷ USD), lợi nhuận sau thuế khoảng 8.500 tỷ đồng (tăng trưởng lần lượt 34% và 50% so với 2017).
Chọn mặt gửi tiền nhóm ngành địa ốc ảnh 1 Khách hàng tham quan một dự án của Đất Xanh. 
Rủi ro dễ đến
Một trong những nguyên nhân tạo nên sự tự tin cho các doanh nghiệp BĐS chính là kết quả kinh doanh năm 2017. Theo thống kê, phần lớn doanh nghiệp BĐS đang niêm yết đều ghi nhận được kết quả kinh doanh hết sức khả quan, thậm chí nhiều doanh nghiệp có mức tăng trưởng lợi nhuận đạt trên 100%.
Kết quả này tạo ra nền tảng tích cực, khuyến khích tâm lý lạc quan cho doanh nghiệp. Dù được đánh giá gặp nhiều khó khăn, nhất là khi dòng vốn tín dụng dần bị siết lại, nhưng thị trường BĐS năm 2017 vẫn phát triển ổn định với tỷ lệ hấp thụ trung bình đạt 66% ở Hà Nội và 75% tại TPHCM.
Bên cạnh đó, tiềm năng tăng trưởng ngành vẫn tiếp tục ghi nhận ở mức tốt khi thanh khoản, giao dịch gia tăng cùng mức giá tăng trưởng ổn định. Đặc biệt, BĐS là một trong những lĩnh vực thu hút được nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất với 3,05 tỷ USD trong năm 2017 (cao nhất trong 10 năm trở lại đây). 
Về tổng thể, kỳ vọng tăng trưởng của các doanh nghiệp BĐS trong năm 2018 tiếp tục đến từ diễn biến lãi suất thấp, lạm phát đang được kiểm soát và nhu cầu về nhà ở vẫn còn rất lớn. Tuy vậy, theo giới phân tích, thị trường BĐS vẫn tiềm ẩn những rủi ro thường trực. Nổi bật nhất vẫn là cơ cấu nguồn vốn của các doanh nghiệp chủ yếu phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng.
Theo báo cáo của NHNN, tổng dư nợ tín dụng BĐS năm 2017 đạt 471.022 tỷ đồng. Trong đó, những lĩnh vực có dư nợ tín dụng lớn nhất (trên 100.000 tỷ đồng), gồm cho vay đầu tư, kinh doanh các dự án xây dựng khu đô thị, phát triển nhà ở đạt 102.413 tỷ đồng; cho vay xây dựng, sửa chữa và mua nhà để ở, nhà để ở kết hợp với cho thuê được khách hàng trả nợ bằng các nguồn thu nhập không phải là tiền lương, tiền công đạt 100.083 tỷ đồng; cho vay kinh doanh khác đạt 112.561 tỷ đồng.
Đây là lý do khiến NHNN phát đi tín hiệu cho thấy sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn dòng vốn chảy vào BĐS. 
Cụ thể, Thông tư 19/2017/TT-NHNN của NHNN quy định kể từ ngày 1-1 đến ngày 31-12-2018, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giảm xuống còn 45% và còn 40% kể từ ngày 1-1-2019. Đồng thời NHNN vẫn quy định các khoản vay BĐS có hệ số rủi ro là 200%. 

Các tin khác