Chờ đợi trước đợt cơ cấu danh mục ETF

(ĐTTCO) - Theo kế hoạch, 2 quỹ ETF tại Việt Nam là VanEck Vectors Vietnam (VNM ETF) và FTSE Vietnam UCITS ETF (FTSE) sẽ thực hiện đợt tái cơ cấu danh mục đầu tiên của năm 2018 trong phiên giao dịch ngày 16-3. 
Chờ đợi trước đợt cơ cấu danh mục ETF
Đây có thể xem là đợt cơ cấu cực kỳ quan trọng, do lo ngại về khả năng rút vốn của các quỹ sau thời gian tăng nóng của TTCK.
Chiều ngày 2-3, FTSE đã công bố danh mục CP trong đợt tái cơ cấu quý I-2018. Theo đó, FTSE sẽ thêm 3 CP vào danh mục trong đợt tái cơ cấu gồm: VRE (CTCP Vincom Retail), TCH (CTCP Đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy) và PDR (CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt). Phía ngược lại, FTSE sẽ loại GTN (CTCP GTNfoods) ra khỏi danh mục (FTSE hiện đang nắm giữ khoảng 6,3 triệu CP GTN). Như vậy, ngoại trừ trường hợp TCH, các mã CP được FTSE dự kiến loại ra và thêm vào đều nằm trong dự báo trước đó của các CTCK.
Theo CTCK KIS Việt Nam (KIS), với số liệu được cập nhật đến ngày 23-2, VRE sẽ là CP thỏa mãn những tiêu chí sàng lọc về vốn hóa, thanh khoản, freefloat và room NĐTNN để được thêm vào rổ chỉ số. Mặc dù VRE mới được niêm yết vào tháng 11-2017, nhưng mã CP này đã thỏa điều kiện phụ của quỹ là giao dịch trên 3 tháng.
Do đó, VRE sẽ được thêm vào trong kỳ tái cơ cấu tới với tỷ trọng được thêm vào được dự báo lần lượt là 6% (tương đương hơn 9 triệu CP). Ở chiều ngược lại, sẽ có những CP bị loại ra khỏi danh mục khi không đáp ứng đủ các điều kiện. Chẳng hạn, GTN bị loại ra do không đáp ứng về điều kiện về vốn hóa và thanh khoản. 
Đối với VNM ETF, theo số liệu được cập nhật đến ngày 23-2, nhiều khả năng có 6 CP thỏa mãn các điều kiện để được lựa chọn vào chỉ số của quỹ này, bao gồm: DXG (CTCP Dịch vụ và Xây dựng địa ốc Đất Xanh), LDG (CTCP Đầu tư LDG), CII (CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM), HBC (CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình), PDR và VRE. VNM ETF hiện có tổng tài sản 429 triệu USD với 2 loại CP thành phần, trong đó có 18 CP Việt Nam và 8 CP nước ngoài. Dựa vào những diễn biến trong những lần cơ cấu danh mục gần đây cùng với các tiêu chí của quỹ, sẽ có 2 kịch bản có thể xảy ra. 
Kịch bản 1, quỹ sẽ thêm vào DXG và không loại bất cứ mã CP nào của Việt Nam. Trong số 6 mã CP thỏa mãn điều kiện được thêm vào rổ trong đợt cơ cấu trên, LDG sẽ không được thêm vào chỉ số do chưa lọt vào top 85% về giá trị vốn hóa của rổ, còn HBC vừa bị loại ở kỳ tái cơ cấu trước. Chính vì vậy, DXG nhiều khả năng sẽ là CP được lựa chọn với tỷ trọng 1% (tương ứng gần 2 triệu CP).
Hiện tại, DXG đáp ứng đầy đủ các điều kiện như mức vốn hóa gần 443 triệu USD, tỷ lệ freefloat và room cho khối ngoại lần lượt là 75% và 11%. Bên cạnh đó, nền tảng kinh doanh tích cực cùng với quy mô vốn hóa cao hơn là yếu tố chính giúp DXG được đánh giá cao hơn mã CP còn lại khác. Ở kịch bản này, VRE sẽ không được thêm vào do điều kiện thời gian niêm yết. Ngoài ra, trong trường hợp có CP nào đó (CP nước ngoài hoặc Việt Nam) bị loại ra thì thứ tự các CP được ưu tiên tiếp theo được kỳ vọng là CII và PDR. Đồng thời, cơ cấu danh mục của quỹ vẫn đảm bảo tỷ trọng của CP Việt Nam là 72,4% như kỳ tái cơ cấu quý IV-2017. 
Với kịch bản 2, VNM ETF sẽ thêm vào VRE và DXG và không loại bất cứ mã CP nào của Việt Nam. Cụ thể, VNM ETF sẽ giữ nguyên toàn bộ danh mục của CP Việt Nam và thêm vào VRE với tỷ trọng 3%. VRE có triển vọng được vào rổ danh mục nhờ đạt trên mức yêu cầu về các yếu tố như: vốn hóa, thanh khoản và freefloat dù bị hạn chế bởi thời gian niêm yết. Trong khi đó, DXG vẫn được cân nhắc thêm vào rổ danh mục với tỷ trọng 1%. 
Theo CTCK Rồng Việt (VDSC), từ nửa cuối năm 2017 đến những tháng đầu năm 2018, dòng vốn nước ngoài gián tiếp (FII) gia nhập TTCK khá mạnh mẽ thông qua các quỹ đầu tư ETF và quỹ mở. Chính vì vậy, mức độ tham gia của NĐTNN trên TTCK đã tăng từ mức 10-11% trong các năm trước lên khoảng 15%. Do đặc điểm đầu tư riêng biệt của quỹ ETF và quỹ mở là phân bổ danh mục đầu tư tập trung vào nhóm CP có tỷ trọng vốn hóa lớn trong rổ VN30.
Điều đáng nói là mức định giá P/E ở nhóm CP vốn hóa lớn đã tăng rất mạnh trong những tháng đầu năm 2018. P/E nhóm VN30 tại thời điểm cuối tháng 1-2018 vào khoảng 19,4x, cao hơn 56% so với P/E của nhóm vốn hóa trung bình. Với mức P/E khá cao như hiện tại thì rủi ro đi cùng ở nhóm này cũng cao tương ứng nếu các quỹ mở đột ngột bị rút vốn. 

Các tin khác