Cách mạng 4.0 cho cổ phiếu điện

(ĐTTCO) - Cổ phần hóa (CPH) và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp (DN) điện không chỉ đem đến cơ hội cho NĐT mà còn là động lực cho chính các DN có bước thay đổi lớn trong quản lý và vận hành.
 Thậm chí có ý kiến cho rằng, CPH và thoái vốn nhà nước cũng chính là một phần trong cuộc Cách mạng 4.0 đối với CP điện.
Xu hướng tất yếu
 Ngành điện Việt Nam hiện nay ngoài chủ thể chính là EVN, còn có sự tham gia của các các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước như: PVN, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Sông Đà.
Giai đoạn 2015-2016 là khoảng thời gian đáng quên nhất của các DN ngành điện Việt Nam. Chu kỳ El Nino mạnh và kéo dài nhất trong lịch sử, đã khiến sản lượng của DN thủy điện sụt giảm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, giá biên trên thị trường phát điện cạnh tranh (VCGM) lần đầu tiên sụt giảm xuống 1.169 đồng/kWh (giảm 8,6%), khiến tình hình kinh doanh của các DN trong ngành càng trở nên khó khăn. 

Tuy nhiên, tình hình cả ngành đã có nhiều chuyển biến tích cực trong nửa đầu năm 2017. Chu kỳ hạn hán ở khu vực miền Trung và Tây nguyên kết thúc, trùng với hiện tượng La Nina diễn ra vào mùa khô 2017, khiến một loạt DN thủy điện có sự tăng trưởng tích cực về kết quả kinh doanh. Nhiều DN thủy điện có sự bứt phá mạnh mẽ về mặt sản lượng trong những tháng đầu năm 2017, thậm chí vượt qua cả năm 2014, vốn là năm kỷ lục về sản lượng của nhiều nhà máy điện. 
Câu chuyện “thắng thua tại trời” của các DN điện niêm yết, một lần nữa cho thấy ngành điện Việt Nam đang phải đối mặt với một cuộc cách mạng toàn diện về cả chất và lượng. Theo nhận định của CTCK MB (MBS), nhu cầu điện Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai để đảm bảo tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, sự phát triển nguồn cung sẽ vấp phải nhiều khó khăn do nhiều vấn đề, như thu xếp nguồn vốn đầu tư, sự phân hóa về vùng miền của nguồn nhiên liệu, sự phân hóa nguồn cung điện, vấn đề môi trường.
Sự phân hóa vùng miền của cung cầu điện đòi hỏi hệ thống điện phải nhanh chóng đầu tư mạnh cho hạ tầng truyền tải điện, để giải phóng điện từ khu vực dư cung phía Bắc xuống giải quyết vấn đề thiếu điện ở miền Nam. Trong khi đó, năng lượng tái tạo đang là một xu hướng lớn của thế giới, Việt Nam có đi ngược lại câu chuyện chung hay không sẽ là một chủ đề đầu tư rất quan trọng trong giai đoạn tới. 
Theo đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu DN thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giai đoạn 2017-2020, tập đoàn này tiếp tục nắm giữ các đơn vị như Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, 5 tổng công ty điện lực, các công ty thủy điện hạch toán phụ thuộc, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, Công ty Mua bán điện, Công ty Viễn thông điện lực và Công nghệ thông tin. Song song đó, Thủ tướng cũng yêu cầu EVN tiếp tục thực hiện thoái toàn bộ vốn tại DN hoạt động trong lĩnh vực tài chính (EVN Finance), cơ khí, phát điện. Đối với các đơn vị tư vấn, EVN chỉ giữ lại 2 DN  và thoái vốn khỏi 2 DN.
Cách mạng 4.0 cho cổ phiếu điện ảnh 1 Nhu cầu điện Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai. 
“Bom tấn” hay “bom xịt”?
Có thể thấy, điểm nhấn không chỉ CPH các tổng công ty phát điện, mà thoái vốn của EVN tại các DN phụ trợ trong ngành. Quá trình CPH và thoái vốn nhà nước tại các DN ngành điện sẽ tạo ra nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn cũng như động lực cho chính các DN này có bước thay đổi lớn trong quản lý và vận hành. 
Theo lộ trình, từ đây đến cuối năm 2017, sẽ có 2 tổng công ty trong lĩnh vực này tiến hành đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) là Tổng công ty Phát điện 3 (Genco 3) và DN trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là Tổng công ty Điện lực dầu khí (PV Power). Do đây là 2 DN lớn của ngành, nên kế hoạch IPO của các DN này trở thành sự kiện được giới đầu tư trông đợi nhất ở thời điểm hiện nay.
Theo ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN, phương án CPH Genco 3 đã được Bộ Công Thương xem xét phê duyệt và chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ. Năm 2018, EVN sẽ tiếp tục tiến hành CPH 2 công ty phát điện còn lại là Genco 1 và Genco 2. Đối với Genco 3, EVN đề xuất IPO 13% cổ phần và bán 36% cổ phần cho NĐT chiến lược. Để có được lộ trình cụ thể cho Genco 3 không hề đơn giản đối với EVN, bởi DN trực thuộc này vốn đang chịu rất nhiều áp lực, đặc biệt là gánh nặng lãi vay. 
Theo BCTC năm 2016 của EVN, vay nợ của các tổng công ty phát điện trực thuộc tiếp tục tăng cao. Trong đó, chỉ riêng Genco 3, vay nợ tài chính (cả ngắn và dài hạn) thời điểm cuối năm 2016 lên đến 69.180 tỷ đồng (tăng gần 1.000 tỷ đồng so với cuối năm 2015). Vay nợ lớn nhưng hiệu quả kinh doanh của Genco 3 lại không tương xứng.
Theo BCTC năm 2016, dù doanh thu tăng mạnh từ 28.167 tỷ đồng lên 35.942 tỷ đồng nhưng do chi phí tài chính (chiếm phần lớn là chi phí lãi vay) cũng tăng từ 2.377 tỷ đồng lên 3.223 tỷ đồng nên lợi nhuận sau thuế của Genco 3 chỉ khiêm tốn ở mức 281 tỷ đồng, tương đương tỷ suất lợi nhuận trên vốn ở mức 2,7% (vốn chủ sở hữu 10.562 tỷ đồng).
Trong khi đó, PV Power cho biết sẽ tiến hành IPO trong tháng 12 năm nay và chào bán 20% cổ phần, tương đương 468,37 triệu cổ phần với giá khởi điểm dự kiến khoảng 14.329 đồng/cổ phần. Với mức giá này, giá trị cổ phần được DN này mang ra IPO sẽ lên đến 6.711 tỷ đồng (tương đương 294 triệu USD).
Theo đề án CPH, Nhà nước sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại DN trực thuộc PVN từ 100% xuống 51%. Do vậy, cùng với việc IPO 20% vốn điều lệ, PV Power sẽ bán cho các NĐT chiến lược 28,882% vốn điều lệ (tương đương 676,38 triệu cổ phần) và phát hành cho người lao động 2,76 triệu cổ phần. 
Đánh giá về mức giá chào bán của PV Power, CTCK TPHCM (HSC), nhận định dù giá khởi điểm không rẻ, nhưng đợt IPO sắp tới của PV Power sẽ thu hút NĐT với triển vọng tăng trưởng khả quan và vị thế quan trọng của công ty trên thị trường điện Việt Nam. Cũng theo HSC, tổng công ty này hiện đang đóng góp 12% tổng công suất sản xuất điện cả nước. Trong khi đó, Việt Nam được dự báo sẽ là thị trường tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á, với tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện trung bình 7,1% trong giai đoạn 2016-2020. 

Các tin khác