BSR “vùi dập” tài khoản nhà đầu tư

(ĐTTCO) - Từ vị thế của một trong những doanh nghiệp có lợi nhuận khủng trên TTCK, CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) bất ngờ báo lỗ hơn 1.000 tỷ đồng trong quý IV-2018. Kết quả này khiến giá CP liên tục đi xuống và BSR trở thành nỗi ám ảnh của NĐT đang nắm giữ cổ phần.
Bất ngờ sa sút
Theo báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý IV-2018, BSR ghi nhận doanh thu thuần 29.238 tỷ đồng, nhưng do giá vốn hàng bán lên tới 30.069 tỷ đồng dẫn đến lỗ gộp 831 tỷ đồng. Sau khi cộng thêm các khoản chi khác như chi phí lãi vay, bán hàng, quản lý… con số lỗ của BSR lên đến 1.010 tỷ đồng, trong khi quý trước đó doanh nghiệp này vẫn báo lãi 1.200 tỷ đồng.
Theo tính toán của Bloomberg, các doanh nghiệp lọc hóa dầu khu vực châu Á lỗ khoảng 7,2USD/thùng tồn kho trong quý IV-2018 do giá dầu giảm 40%.
Dù kết quả cả năm 2018 vẫn ghi nhận tổng doanh thu đạt 112.635 tỷ đồng (tăng 43,7%) và lợi nhuận đạt 3.557 tỷ đồng, nhưng đây vẫn là con số đáng thất vọng của BSR nếu “cân đo” kết quả kinh doanh năm 2017. Theo BCTC năm 2017, doanh thu BSR đạt 81.333 tỷ đồng (tăng 10,4% so với năm 2016), lợi nhuận đạt 7.673 tỷ đồng (tăng 73% so với năm 2016).
Nguyên nhân khiến BSR lỗ nặng trong quý IV-2018 do thị trường dầu thô thế giới biến động bất thường đẩy giá vốn tăng cao. Cụ thể, trong kỳ giá dầu thô giảm từ 86,16USD/thùng ngày 4-10 xuống còn 50,21USD/thùng ngày 28-12, tương đương giảm gần 36USD/thùng (giảm 42%), kéo theo giá sản phẩm giảm theo.
Với đặc thù về sản xuất, chế biến liên tục của nhà máy, BSR luôn phải duy trì một lượng dầu thô và cần thời gian chế biến từ dầu thô cho ra sản phẩm xuất bán. Do đó, khi giá dầu thô và sản phẩm giảm, giá vốn sẽ cao hơn giá thị trường. 
Đây cũng là nguyên nhân khiến BSR tiếp tục ghi nhận những con số kém khả quan trong nửa đầu năm 2019. Theo BCTC quý II vừa được công bố, tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của BSR đạt 27.845 tỷ đồng (giảm hơn 15%), lợi nhuận sau thuế đạt 300 tỷ đồng (giảm hơn 86%).
Lũy kế 6 tháng đầu năm, BSR đạt doanh thu thuần 50.915 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 900 tỷ đồng. Với kết quả này BSR đã hoàn thành hơn 50% chỉ tiêu doanh thu cả năm nhưng lợi nhuận chỉ đạt hơn 30%.

Quỹ đầu tư “lão làng” cũng lỗ
BSR chào sàn UPCoM đầu tháng 3-2018 với giá tham chiếu 22.400 đồng/CP. Thời điểm đó, với lợi nhuận năm 2017 đạt trên 7.673 tỷ đồng, BSR được xem là hàng hiếm của UPCoM, thậm chí là con số trong mơ của không ít đại gia đang niêm yết trên HOSE.
BSR “vùi dập” tài khoản nhà đầu tư ảnh 1 Từ một DNNN được “bảo bọc”, khi chuyển sang CTCP BSR gặp muôn vàn khó khăn.
Chính vì vậy, ngay phiên chào sân, BSR đã gần như hút hết dòng tiền trên UPCoM, với hơn 14 triệu CP được chuyển nhượng ở mức giá bình quân đạt 30.638 đồng/CP, tương đương 431 tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng chính kết quả kinh doanh quý IV-2018 đã kéo BSR vào vòng xoáy lao dốc sau đó, thậm chí mã CP này giảm dưới mốc 10.000 đồng/CP trong phiên giao dịch 24-7 vừa qua.
Như vậy, nếu tính từ giá tham chiếu 22.400 đồng/CP, BSR giảm 55%. Còn nếu tính từ đỉnh 31.300 đồng/CP trong phiên chào sàn, BSR đã giảm khoảng 75%. Đây là con số khủng của NĐT đang nắm giữ cổ phần tại BSR, trong đó có cả những tổ chức được đánh giá là “lão làng” trên TTCK.
Đơn cử VEIL, quỹ đầu tư lớn nhất trên TTCK Việt Nam do Dragon Capital quản lý. Theo thống kê, VEIL đã rót hơn 10,5 triệu USD vào BSR trong đợt phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) đầu năm 2018. Trong phiên IPO này, BSR đã bán thành công 241 triệu cổ phần (tương đương 7,79% vốn điều lệ) với giá đấu thành công bình quân 23.043 đồng/CP. Đến thời điểm cuối năm 2018, khoản đầu tư của VEIL đã sụt giảm hơn 36%. 
Dự báo vẫn tiếp tục khó khăn
Tại ĐHCĐ thường niên 2019, kết quả kinh doanh sa sút là chủ đề được cổ đông của BSR mang ra mổ xẻ nhiều nhất. Theo đại diện BSR, sau khi chuyển đổi thành công sang mô hình CTCP, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và bất lợi khi thị trường dầu thô thế giới biến động bất thường.
Thêm vào đó, BSR chịu tác động khi khoảng chênh lệch giữa dầu thô và các sản phẩm bị thu hẹp. Ngoài ra, nguyên liệu đầu vào là mỏ dầu thô Bạch Hổ suy giảm, nguyên liệu nhập ngoại là dầu thô Azeri bị áp thuế suất, cùng sự cạnh tranh quyết liệt từ Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, cũng là nguyên nhân khiến BSR gặp nhiều khó khăn.
ĐHCĐ của BSR đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2019 với doanh thu và lợi nhuận sau thuế giảm mạnh so với 2018, đạt lần lượt 97.979 tỷ đồng và 2.939 tỷ đồng. Dù HĐQT của BSR đã chủ động giảm chỉ tiêu năm 2019, nhưng với dự báo khó lường của giá dầu và những khó khăn doanh nghiệp này đang phải đối mặt, khả năng hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh 2019 không dễ dàng. 
Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), công suất lọc dầu thế giới sẽ tăng thêm khoảng 2,6 triệu thùng/ngày, trong khi đó nhu cầu sử dụng sẽ chỉ tăng khoảng 1 triệu thùng/ngày trong năm 2019. Đây sẽ là năm khó khăn với các doanh nghiệp lọc hóa dầu nói chung, khi công suất gia tăng mạnh gây áp lực lớn lên biên lợi nhuận.
BSR đã hoạt động tối đa công suất, nên tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận phụ thuộc chủ yếu vào khả năng tăng giá bán và biên lợi nhuận. Trong khi đó, giá bán phụ thuộc vào giá thế giới và biên lợi nhuận có xu hướng giảm do dư thừa cung cầu sản phẩm hóa dầu trong khu vực.
Một trong những vấn đề được cổ đông BSR quan tâm là kế hoạch chuyển niêm yết từ UPCoM lên HOSE, bởi vấn đề này liên quan đến lộ trình thoái vốn của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) tại BSR. Tuy nhiên, theo đại diện HĐQT, do BCTC 2016-2017 có phần ngoại trừ liên quan đến công ty con là CTCP Nhiên liệu sinh học dầu khí miền Trung (BSR - BF), nên không đủ điều kiện niêm yết trên HOSE. 
BSR - BF là liên doanh giữa BSR với CTCP Đầu tư và Thương mại tạp phẩm (Tocontap), với sản phẩm chính là cồn ethanol từ sắn lát. Tuy nhiên, do giá bán ethanol trên thị trường thấp hơn giá thành, liên doanh này tạm ngừng hoạt động từ tháng 4-2015. Sau 3 năm đóng cửa, đến tháng 10-2018, BSR - BF khởi động sản xuất lại, nhưng mục tiêu cũng chỉ tự cân đối đủ tiền chi trả lương cho lao động. 

Các tin khác