Bóng ma giải chấp

Tôi rất tâm đắc bài viết “TTCK phải chăng là đứa con rơi?” trên báo ĐTTC số ra ngày 30-5-2011. Nhân đây tôi cũng đưa ra quan điểm một trong những nguyên nhân làm cho TTCK lao dốc đó là “trái bóng giải chấp”. Không biết các cơ quan quản lý ngó lơ hay bất lực khi biết điều đó đang xảy ra nên “trái bóng giải chấp đã quay lại”.

Tôi rất tâm đắc bài viết “TTCK phải chăng là đứa con rơi?” trên báo ĐTTC số ra ngày 30-5-2011. Nhân đây tôi cũng đưa ra quan điểm một trong những nguyên nhân làm cho TTCK lao dốc đó là “trái bóng giải chấp”. Không biết các cơ quan quản lý ngó lơ hay bất lực khi biết điều đó đang xảy ra nên “trái bóng giải chấp đã quay lại”.

Nếu theo dõi một số khoản mục trên BCTC của một số CTCK, NĐT sẽ không khỏi giật mình. Chẳng hạn, khoản mục “Phải thu từ các thỏa thuận hỗ trợ tài chính cho NĐT” của CTCK Thăng Long (TLS) vào cuối năm 2009 chỉ khoảng 900 tỷ đồng, nhưng đã tăng gần gấp 3 lần lên hơn 2.400 tỷ đồng vào cuối năm 2010.

Tính đến cuối quý I-2011, tổng cộng khoản mục “Phải thu khách hàng về giao dịch chứng khoán” và “Các khoản phải thu khác” của CTCP FPT (FPTS) đạt trên 1.900 đồng, gấp gần 4 lần GTGD tại HOSE trong phiên cuối tuần qua. “Các khoản phải trả, phải nộp ngắn hạn khác” của FPTS cũng lên đến gần 2.200 tỷ đồng, gấp khoảng 5 lần vốn điều lệ (VĐL) công ty. Do vậy xếp FPTS vào nhóm CTCK đại gia e rằng hơi sớm, bởi những con số liên quan đến nợ và công nợ của FPTS rất khủng.

Không thể để áp lực giải chấp lại như bóng ma đe dọa thị trường. Ảnh: LÃ ANH

Không thể để áp lực giải chấp lại như bóng ma đe dọa thị trường.
Ảnh: LÃ ANH

Sẽ hơi thừa thãi nếu đặt câu hỏi rằng CTCK có bưng bít thông tin về việc giải chấp của mình hay không, thay vào đó nên xem lại những thủ thuật cũng như hệ lụy của sự việc này. Thông thường, các hợp đồng sử dụng đòn bẩy tài chính chỉ kéo dài khoảng 90 ngày, nhưng trong thực tế có thể kéo dài… tùy thích.

Cách thức kinh điển nhất là mở thêm một tài khoản khác, đến khi kết thúc thời hạn hoặc tỷ lệ nợ/vốn tự có đi quá mức quy định buộc phải giải chấp, sẽ có quá trình “đảo hàng” giữa 2 tài khoản cũ và mới. Việc trì hoãn thời gian giải chấp không chỉ mang tính “hỗ trợ” cho khách hàng mà còn là để cứu chính CTCK. Việc một CTCK lớn giải chấp, kéo theo hàng loạt CTCK ngang hàng hoặc nhỏ hơn giải chấp theo là điều đã được chứng minh.

Một câu hỏi cần đặt ra ở đây là tính thời điểm trong các BCTC của CTCK. Liệu có chắc rằng tại thời điểm 31-12-2010, khoản mục hỗ trợ tài chính cho NĐT là 1.000 tỷ đồng thực tế sẽ như vậy hay không? Câu trả lời là không vì sử dụng các thủ thuật để bùa chú con số không có gì quá khó, nhất là với những CTCK vốn còn đi “dạy” lại các doanh nghiệp (DN) khác về những chiêu này.

Cũng như thủ thuật “đảo hàng” giữa 2 tài khoản thuộc một CTCK, một biến thể khác xuất hiện tinh vi hơn đó là đảo hàng tại 2 CTCK khác nhau. Tất nhiên, 2 CTCK này phải có mối thân tình với nhau hoặc có chung một chủ nợ là công ty đầu tư hay công ty tài chính nào đó. Chiêu thức này được triển khai rộng rãi, sẽ nảy sinh tình trạng con nợ của CTCK này nhưng CP lại nằm ở CTCK khác. Và chỉ cần một mồi lửa giải chấp, hệ quả như thế nào ai cũng biết. 

Một dạng giải chấp cũng rất khó lường ở đây là câu chuyện nhân viên của một số CTCK được vay tiền mua CP với giá ưu đãi. Lấy thí dụ nhân viên ở CTCK Z được mua CP với giá ưu đãi 1.5, trong đó chỉ cần bỏ vốn 0.5, còn lại được cho vay 1.0. Giả sử CP bây giờ chỉ còn 0.8-0.9, những nhân viên đã được mua ưu đãi cũng đã mất trắng vốn, CTCK cũng bị âm theo từ 10-20%.

Đem số CP này bán ra thị trường, có khi giá lại tiếp tục giảm, nhưng nếu không bán cũng vẫn bị lỗ. Những trường hợp tương tự xảy ra đối với các CTCK đi tư vấn cho DN lên sàn, sau đó được “lại quả” bằng những khoản mua CP giá rẻ rồi đem về chia sẻ cho nhân viên của mình. Ước tính được con số thực dựa trên BCTC đã khó, những khoản mua ưu đãi theo kiểu “thâm cung bí sử” lại càng khó nhận biết hơn nữa.

Cũng liên quan đến yếu tố “ưu đãi” ở đây là việc sếp của các CTCK sử dụng đòn bẩy tài chính, sau đó thua lỗ lại tiến hành bán trở lại cho CTCK với giá cao. Theo như lời một trưởng phòng môi giới có nhiều kinh nghiệm, việc xác định động thái được cho là "tham nhũng kiểu mới" này không khó. Nhưng cần phải có những cấp thẩm quyền cực mạnh để tìm ra. Và chắc chắn, khi NĐT cá nhân “thấy” được như trường hợp của CTCK Hà Thành thì đã quá trễ.

Đã đến lúc phải công khai về hoạt động giải chấp, cho dù số CP giải chấp có lên đến hàng nghìn hay hàng chục nghìn tỷ đi nữa. Có thể “đau” hay “sốc” lúc đầu, nhưng từ đó NĐT sẽ có cái nhìn cụ thể hơn về thị trường. Không thể để tình trạng bẵng đi một thời gian, áp lực giải chấp lại như một bóng ma xuất hiện đe dọa thị trường.

Nhìn từ các cơ quan quản lý, có thể thấy từ năm 2009 đến nay, hoạt động sử dụng đòn bẩy được sử dụng rộng rãi nhưng lại không thấy một quy định cụ thể nào từ phía UBCKNN như tỷ lệ cho vay bao nhiêu, CTCK nào được triển khai và triển khai đến đâu… Vì vậy, cho dù TTCK có tiếp tục tăng trở lại trong thời gian tới, áp lực giải chấp vẫn sẽ tiếp tục ám ảnh và nguy cơ vỡ nợ hàng loạt vẫn còn.

Các tin khác