Bất động sản - Kẻ chán, người thèm

Trong khi không ít doanh nghiệp (DN) niêm yết thuộc ngành bất động sản (BĐS) đang gặp bế tắc, nhiều DN ngành khác lại rất hào hứng nhảy vào lĩnh vực này.

Trong khi không ít doanh nghiệp (DN) niêm yết thuộc ngành bất động sản (BĐS) đang gặp bế tắc, nhiều DN ngành khác lại rất hào hứng nhảy vào lĩnh vực này.

Tìm đường thoát

Hiện nay hầu hết DN hoạt động trong lĩnh vực BĐS đều thận trọng khi đề ra kế hoạch kinh doanh. Có DN gia hạn hoặc siết lại các khoản đầu tư BĐS, thậm chí tính chuyện chuyển sang lĩnh vực đầu tư khác hiệu quả hơn. Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) là một trong những DN BĐS hàng đầu tại Việt Nam, nhưng tại ĐHCĐ mới đây, lãnh đạo DN này cho biết BĐS vẫn là mảng kinh doanh chính của HAG, nhưng theo lộ trình, HAG sẽ cố gắng giảm tỷ lệ này xuống chỉ còn 20% vào năm 2013-2014, thay vào đó là chiến lược đầu tư trồng cao su. Nguyên nhân HAG chọn cao su là ngành ưu tiên số 1 thay vì BĐS vì ngành cao su đang có tỷ suất sinh lời cao (1 lời 6), trong khi BĐS lại gặp quá nhiều khó khăn. Với chiến lược mới này, HAG sẽ ưu tiên nguồn vốn vào cây cao su, áp dụng quy trình mới, nhập khẩu hệ thống tưới nước hiện đại để tăng năng suất, thâm canh.

Một đại gia khác trong lĩnh vực BĐS là CTCP Đầu tư và Công nghệ Tân Tạo (ITA) có kế hoạch gia hạn các dự án đầu tư BĐS trong năm nay. Theo kế hoạch, để thực hiện các dự án, nhu cầu vốn cần huy động thêm vào khoảng 2.000 tỷ đồng. Đây là con số rất lớn và khó có thể huy động được trong thời điểm hiện nay. Vì lẽ đó, tại ĐHCĐ năm nay, ITA sẽ xin gia hạn thực hiện góp vốn điều lệ tại hàng loạt dự án, trong đó có 300 tỷ đồng để đền bù giải tỏa và đầu tư xây dựng thành phố khoa học - công nghệ cao và đô thị Tân Tạo - Hanel, diện tích khoảng 200ha tại Hà Nội.

Tại ĐHCĐ thường niên 2011 của CTCP Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (SVC), HĐQT thông báo sẽ tập trung vào lộ trình cắt giảm tổng tài sản, cơ cấu nguồn vốn, ưu tiên giảm vốn đầu tư trong lĩnh vực BĐS và tài chính từ 300-500 tỷ đồng. Theo HĐQT SVC, việc cắt giảm 300-500 tỷ đồng chủ yếu từ 2 dự án BĐS tại Thủ Đức, bao gồm dự án tại Quốc lộ 13 và dự án Hiệp Bình Phước (Thủ Đức). Theo kế hoạch ban đầu, dự án tại Quốc lộ 13 có mục đích xây dựng căn hộ. Tuy nhiên, trong bối cảnh chính sách thắt chặt tín dụng vào lĩnh vực phi sản xuất nói chung và BĐS nói riêng, HĐQT nhận thấy dự án này không còn phù hợp và đã chuyển nhượng cho một công ty đầu tư khác. Đối tác này đã thanh toán trước cho SVC 20%, khoảng 36 tỷ đồng. Bên cạnh đó, SVC cũng cắt giảm việc rót vốn vào dự án căn hộ, nhà liên kế tại Hiệp Bình Phước bằng cách chuyển đổi từ chức năng căn hộ qua thương mại và dự kiến hoàn thành giao dịch trong năm nay. Dự kiến 2 dự án này giúp SVC cắt giảm được khoảng 480 tỷ đồng.

Hào hứng chen vào

Trái ngược với sự chán chường của các DN trong lĩnh vực BĐS, các DN không có hoạt động cốt lõi BĐS lại tỏ ra rất hào hứng với lĩnh vực “cũ người mới ta” này. Điển hình là trường hợp của CTCP Vận tải biển và BĐS Việt Hải (VSP). Do hoạt động chính là lĩnh vực vận tải biển gặp khó, DN này quyết định bán bớt tàu để lấy vốn đầu tư vào BĐS. Tại ĐHCĐ của VSP mới đây, lãnh đạo DN này không ngần ngại tuyên bố sẽ lấy định hướng trung và dài hạn tập trung vào các dự án BĐS. Tương tự là trường hợp của CTCK Phố Wall (WSS), do hoạt động trong lĩnh vực tài chính không như mong muốn, lãnh đạo CTCK này đã quyết định chuyển hướng đầu tư vào các dự án BĐS trong năm 2011. Dự kiến những dự án BĐS này chiếm đến 70% vốn đầu tư của WSS.

Không gặp khó khăn trong hoạt động chính nhưng ĐHCĐ của CTCP Giao nhận vận tải ngoại thương (VNT) đã thông qua kế hoạch bổ sung ngành nghề kinh doanh BĐS trong năm 2011. Tại ĐHCĐ của TCTCP Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI) mới đây, có nhiều ý kiến cho rằng PVI quản lý vốn đầu tư không hiệu quả khi thu nhập trên tài sản chỉ đạt 7%. Thế nhưng, DN này lại dự định bỏ ra số vốn khoảng 1.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng tòa nhà 26 tầng tại Hà Nội. ĐHĐC của CTCP Đầu tư CMC (CMC) trong tháng 4 vừa qua đã thông qua việc phát hành 3,6 triệu CP để tăng vốn lên 66,88 tỷ đồng. Theo kế hoạch, với nguồn vốn thu được từ đợt phát hành này, ngoài việc đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh, CMC còn dùng để đầu tư vào lĩnh vực BĐS. Tương tự, ĐHCĐ mới đây của CTCP Hồng Hà Dầu khí (PHH) cũng thông qua kế hoạch tiếp tục chuyển hướng sang kinh doanh BĐS và xem đây là lĩnh vực mũi nhọn mang lại lợi nhuận cao cho DN.

Trên thực tế, không thiếu DN thiếu vốn sản xuất nhưng vẫn hào hứng vay tiền đầu tư vào lĩnh vực BĐS. Điển hình là trường hợp của CTCP Thủy sản Số 4 (TS4). Từng thất bại với kế hoạch tăng vốn trong năm 2010, nhưng TS4 dự định sẽ thực hiện lại kế hoạch tăng vốn từ 115 tỷ đồng lên 234 tỷ đồng này nhằm lấy vốn đầu tư vùng nguyên liệu. Điều đáng nói là dù thiếu vốn sản xuất nhưng DN này lại dám bỏ ra 90 tỷ đồng để đầu tư xây dựng chung cư tại quận 4, TPHCM. Đến thời điểm hiện nay, TS4 vẫn còn hàng chục căn hộ chưa bán hết và DN vẫn phải trả lãi cho số vốn đầu tư vào dự án chung cư này. Khác với TS4, CTCP Thiết bị phụ tùng Sài Gòn (SMA) lên phương án vay vốn ngân hàng. Thế nhưng, thay vì tập trung vào lĩnh vực sản xuất chính, DN này dự định dùng số vốn vay triển khai 2 dự án BĐS với tổng số vốn lên đến 3.000 tỷ đồng.

Các tin khác