Bao nhiêu CTCK là vừa?

(ĐTTCO) - Đề án cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến 2025 có phần cơ cấu lại tổ chức kinh doanh CK. Theo đó, các CTCK hoạt động lành mạnh sẽ được khuyến khích, ngược lại sẽ mạnh tay xử lý các CTCK yếu kém. Đối với nhóm CTCK hoạt động bình thường, cũng được khuyến khích các tổ chức tài chính có uy tín trong và ngoài nước tham gia sở hữu cổ phần. Điều này đồng nghĩa khả năng xuất hiện các thương vụ M&A CTCK trên thị trường trong tương lai. 

Từ lượng…
Cho đến nay các CTCK hoạt động lành mạnh có chỉ tiêu an toàn tài chính lớn hơn 180%, vốn chủ sở hữu lớn hơn 1.000 tỷ đồng và không có lỗ lũy kế không nhiều, trong khi nhóm CTCK hoạt động bình thường, có chỉ tiêu an toàn tài chính lớn hơn 180%, nhưng vốn chủ sở hữu nhỏ hơn 1.000 tỷ đồng hoặc còn lỗ lũy kế rất lớn.
Một thống kê tương đối, trong 80 CTCK hiện nay có khoảng 20 công ty hoạt động tích cực. Thời gian gần đây, ghi nhận một loạt công ty đã tăng vốn hoặc được đối tác nước ngoài hà hơi tiếp sức để phát triển trở lại. Như vậy, số lượng CTCK hoạt động tích cực thời gian tới có thể gia tăng hơn con số 20. Tuy nhiên, thị trường có bao nhiêu CTCK là vừa.
Hiện nay, top 10 CTCK chiếm khoảng 70% thị phần môi giới, như vậy số CTCK còn lại sẽ chiếm 30%. Giả định có thêm 20 CTCK nữa hoạt động tích cực, nghĩa là 20 đơn vị này sẽ chia nhau miếng bánh 30%, tức trung bình 1 đơn vị giữ khoảng 1,5% thị phần. Vậy 1,5% thị phần đủ sống hay không cần căn cứ vào nhiều yếu tố.
Trước tiên, kể từ năm 2017 đến nay, những phiên giao dịch thấp nhất của thị trường đạt khoảng 2.000 tỷ đồng/phiên, tức tăng từ gấp rưỡi đến gấp đôi so với quãng thời gian trước đó. Theo đó, cùng giữ một tỷ lệ thị phần, nhưng do quy mô của thị trường tăng, nên nguồn thu tính theo số tuyệt đối cũng sẽ tăng. 
Bao nhiêu CTCK là vừa? ảnh 1 SSI là một trong những CTCK có thế mạnh và luôn nằm trong top 10. 
Nhìn rộng hơn, nguồn thu của CTCK trong tương lai không chỉ từ thị trường cơ sở, mà còn là thị trường phái sinh, của các sản phẩm mới. Vì vậy, sản phẩm mới cũng có thể xem là miền đất hứa cho các CTCK tạm gọi là tốp dưới tìm kiếm cơ hội, trước để sinh tồn, sau để vươn lên tìm kiếm lợi thế cạnh tranh.
Đó cũng là lý do nhiều CTCK nhỏ đã không ngừng tìm mọi cách miễn, giảm phí để kéo bằng được khách hàng về giao dịch, dù quy mô của thị trường phái sinh hiện nay chưa thể giúp CTCK tính đến chuyện có lợi nhuận, tất cả sự đầu tư đều hướng đến lâu dài. Như vậy, trong ngắn hạn ngoài top 10 CTCK, sẽ có thêm top 20, thậm chí là top 20+. Nghĩa là nhóm CTCK nhỏ, tầm trung được tái cấu trúc và tìm đường phát triển. 
Đến chất…
Trước mắt, số lượng CTCK tích cực từ 20 có thể bổ sung thêm khoảng chục công ty nữa. Nhưng về lâu dài, nhiều khả năng sẽ có sự phân hóa, thanh lọc. Hiện nay, những CTCK nằm ở nửa dưới của top 10 thường có thị phần trên dưới 3%, trong khi một số CTCK ngoài top 10 vẫn có khả năng đạt thị phần trong tầm 2-3%, tiệm cận được top 10. Đó cũng là lý do vì sao một số quý vẫn xuất hiện một công ty nào đó lọt vào top 10, dù sau đó lại nhanh chóng rớt khỏi top. Hiện tượng này cho thấy khoảng cách giữa nhóm ngoài top 10 và top 10… ngày càng được thu hẹp. 
Trong thời gian tới đây, nếu sản phẩm của thị trường tăng lên, cộng với việc CTCK tăng cường đầu tư, mức độ cạnh tranh sẽ còn khốc liệt hơn nữa. Lúc này sẽ nảy ra tình huống, thị phần tối thiểu của CTCK nếu muốn vào top 10 từ 3% có thể nâng lên thành 4%. Câu hỏi lúc này là các CTCK sẽ làm gì để gia tăng thị phần ngoài việc giành giật lẫn nhau?
Câu trả lời nhiều khả năng sẽ là các hoạt động M&A hứa hẹn rất sôi động. Đơn cử, Yuanta là một trong những định chế tài chính lớn của châu Á. Sự phát triển của Yuanta ngoài việc có chiến lược kinh doanh hợp lý, còn có hoạt động M&A. Trong nhiều năm liền công ty này thực hiện việc M&A để mở rộng quy mô kinh doanh cũng như thị phần của mình. 
Thực tế, hoạt động M&A của các CTCK nhiều năm nay bị hạn chế bởi các công ty lớn, do vậy thà mở mới, bỏ chi phí có khi còn thấp hơn M&A. Tuy nhiên, khi thị phần tối thiểu của các công ty tốp dưới tăng, trong khi các công ty tốp trên với thị phần khá lớn, theo quy luật năng suất cận biên, cũng sẽ tiêu tốn nhiều chi phí hơn để tăng tiếp thị phần. Lúc này, việc mua lại có thể diễn ra dễ dàng hơn. 
Giữa những CTCK tốp dưới vẫn có thể M&A để tạo ra một thực thể mạnh hơn. Điều này sẽ tạo sức ép và buộc các CTCK khác cũng phải tính đến giải pháp này. Và khi vị thế của các đơn vị lớn bị đe dọa bởi các đối thủ bên dưới, hoạt động M&A lại tiếp tục được thực hiện.

Các tin khác