Báo chí - chỉ báo quan trọng TTCK

(ĐTTCO) - Có rất nhiều chỉ báo trên TTCK như dòng tiền, tâm lý, chỉ số… thậm chí cả ảnh chế, thơ ca. Nếu quan sát kỹ mối tương quan giữa báo chí và thị trường, có thể nói báo chí cũng là một loại chỉ báo quan trọng. 

Báo chí - chỉ báo quan trọng TTCK
Chuyên gia kế toán, kiểm toán Bùi Đăng Bảo nhớ lại, giai đoạn bùng nổ đầu tiên 2006-2007 của TTCK anh lưu trữ không thiếu số nào của bản tin chứng khoán từ HOSE vì lúc đó không “đào” đâu ra cơ sở dữ liệu. Thời gian này những bài báo mổ xẻ BCTC của doanh nghiệp niêm yết (DNNY) cũng rất ít ỏi, nguyên nhân có lẽ cũng do NĐT chưa quan tâm vì đây là giai đoạn mông muội cho việc “cứ mua là thắng”.
Các vấn đề liên quan đến số liệu bắt đầu xuất hiện nhiều hơn trong giai đoạn nửa cuối 2008 trở đi, khi các DNNY bắt đầu thua lỗ vì liên quan đến hoạt động đầu tư tài chính, các khái niệm như “chi phí tài chính” hay “dự phòng” được phản ánh nhiều hơn. Lúc này, bắt đầu xuất hiện những trang tin điện tử cộng với việc một số CTCK xây dựng cho mình cơ sở dữ liệu để tổng hợp, thống kê các chỉ số liên quan đến DN và TTCK.
Làm việc tại HOSE, sau đó chuyển sang làm việc tại nhiều CTCK, có thể xem ông Hoàng Thạch Lân là một trong những người tiên phong trong việc tổng hợp, thống kê số liệu, qua đó đưa ra những nhận định hết sức thú vị, được định tính, định lượng rõ ràng trên báo chí. 
TS. Đàm Thế Thái, người đã làm việc nhiều năm trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng, chia sẻ đây là giai đoạn anh vẫn thường xuyên trao đổi với nhiều phóng viên trẻ, mới tham gia viết mảng tài chính-chứng khoán, để trao đổi thêm về các vấn đề chuyên môn liên quan đến nghiệp vụ ngân hàng. “Việc tiếp thu nhanh chóng kiến thức chuyên ngành đã giúp các nhà báo đưa ra các phân tích sâu sắc, đã góp phần đáng kể để DNNY phải liên tục nâng cao độ minh bạch trong công bố thông tin và BCTC.
Càng ngày, những vấn đề nóng của thị trường, dù liên quan đến các nghiệp vụ phức tạp cũng được phân tích đa chiều hơn trên báo chí, qua đó trở thành công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền lợi cho cổ đông, NĐT” - TS. Đàm Thế Thái khẳng định. 
Là một người dễ mến, TS. Phạm Linh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Việt Á, rất sẵn lòng trả lời báo chí. Ông bày tỏ giai đoạn cách đây 10 năm khi đang điều hành CTCK ban đầu cũng rất “run” vì sợ nói hớ các vấn đề nhạy cảm: “Trả lời các phóng viên cũng là một cách để người điều hành DN rèn luyện bản lĩnh cũng như khả năng diễn đạt của mình. Nói trên báo chí tốt tức doanh nhân có khả năng thuyết phục được công chúng. Vì thế, từ trước đến nay tôi luôn quan điểm cứ nói đầy đủ, mạch lạc và chia sẻ một cách chân thật không bao giờ sợ sai hay nói hớ”. 
Từ chỗ sẵn sàng chia sẻ các quan điểm với báo giới, những người làm trong ngành tài chính nói chung còn trực tiếp tham gia viết báo với tư cách chuyên gia để tạo nên cái nhìn đa chiều hơn trên thị trường. Ông Bùi Đăng Bảo nhớ lại bài báo đầu tiên mình viết trên báo SGGP Đầu tư Tài chính phân tích về BCTC của DN trong lĩnh vực khoáng sản: “Khi đó, tôi phải tự đặt mình trong vai của nhiều nhóm bạn đọc, chẳng hạn như cổ đông, rồi DN, rồi thậm chí cả đồng nghiệp sẽ suy nghĩ như thế nào khi đọc bài mình viết. Đến khi báo lên trang, người đọc đầu tiên là mẹ tôi, cho biết là dễ hiểu lúc đó mới giảm bớt áp lực”. 
Có thể nói, các ý kiến của chuyên gia với hàm lượng chuyên môn cao, sắc sảo đã tạo ra những bài báo có sức nặng, các ý kiến phản biện rất hữu ích cho cả DNNY và các cơ quan quản lý. Giai đoạn 2008-2010 đã có không ít bài báo bóc mẽ các chiêu trò làm giá trên thị trường, đưa ra những cảnh báo cho NĐT và cả những “cá mập” có liên quan. Và đến cuối năm 2010, vụ việc làm giá Dược Viễn Đông (DVD) trở thành vụ làm giá đầu tiên bị xử lý hình sự. Cũng nên nhớ rằng trước đó một loạt ý kiến, cảnh báo của các chuyên gia trên báo chí về việc phải tiến đến việc xử lý hình sự các vụ lừa đảo, làm giá trên TTCK.
Một thời, các ĐHCĐ với các sự kiện “hot” theo kiểu xung đột lợi ích giữa các cổ đông lớn, giữa cổ đông trong nước và nước ngoài, rồi lãnh đạo to tiếng với cổ đông nhỏ lẻ… với sự hiện diện của báo chí luôn được phản ánh một cách nhanh chóng đến bạn đọc. “Rút kinh nghiệm”, một số ĐHCĐ được dự báo sẽ trở thành điểm nóng, đã hạn chế báo chí với chiêu chỉ cổ đông mới được dự đại hội. Lúc này, các phóng viên cũng sẽ sẵn sàng trở thành cổ đông, thông qua việc mua vào CP để dự đại hội.
Và nhiều năm qua gần như không có đại hội nào có thể giới hạn báo chí, khi các thông tin được cập nhật theo thời gian thực (live) trên các báo mạng. Các ý kiến, bức xúc của cổ đông đều được ghi nhận, thậm chí quay clip để có thể phản ánh, lan truyền nhanh hơn, qua đó tạo ra áp lực rất lớn buộc DN phải biết tôn trọng NĐT, bảo vệ quyền lợi của NĐT.
Nửa thập niên trở về trước, khi số lượng DNNY còn ít, gần như ĐHCĐ của DN lớn nào cũng tập trung đông đảo báo giới, nhưng hiện nay khác. Nếu xem việc xuất hiện trên báo chí là cơ hội chia sẻ, quảng bá của DN trong mùa ĐHCĐ, quả thực đang có một sự cạnh tranh khốc liệt.
Đơn cử như trường hợp ĐHCĐ của CTCK SSI luôn tập trung rất nhiều phóng viên. Điều này cũng bắt nguồn từ sự cởi mở và hóm hỉnh mà Chủ tịch HĐQT Nguyễn Duy Hưng dành cho báo giới vào giờ nghỉ giải lao. Thậm chí có cổ đông còn cho biết chỉ quan tâm đến phần “hỏi xoáy đáp xoay” rất thú vị này. Và những ý kiến của người đứng đầu SSI cũng đã được phản ánh trên báo rất nhanh chóng. 

Các tin khác