Bán lô lớn dễ hút NĐT lớn

(ĐTTCO) - Phiên đấu giá trọn lô 57,71% cổ phần của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tại Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) tuần qua đã thành công ngoài mong đợi. Trong đó, 1 NĐT tổ chức đã chấp nhận bỏ ra hơn 7.367 tỷ đồng (cao hơn 2.000 tỷ đồng so với giá khởi điểm) để mua trọn lô của SCIC. 

Bán lô lớn dễ hút NĐT lớn
Trao đổi với ĐTTC về sự kiện này, ông Nguyễn Chí Thành, Phó Tổng giám đốc phụ trách SCIC (ảnh), nhìn nhận với NĐT lớn, việc bán cổ phần theo lô lớn sẽ tạo cơ hội cho họ tham gia quản trị, từ đó việc thoái vốn cũng hiệu quả.
PHÓNG VIÊN: - Cuối năm 2017, SCIC từng chào bán 96,2 triệu cổ phần Vinaconex, tương đương 22% vốn của tổng công ty này nhưng kết quả không được như mong muốn. Kinh nghiệm để có đợt bán đấu giá thành công năm nay là gì, thưa ông?
Ông NGUYỄN CHÍ THÀNH: - Đợt đấu giá khi đó SCIC chỉ bán được 5,3 triệu cổ phần, tương đương 1,2% vốn điều lệ. Song thực chất việc bán phần vốn tại Vinaconex năm 2017 là để thăm dò mức độ hấp thụ của thị trường.
Và rút kinh nghiệm từ cuộc đấu giá này, trên cơ sở làm việc với công ty tư vấn và báo cáo các cơ quan có thẩm quyền, SCIC đã quyết định thay đổi phương thức bán vốn. Sau khi thực hiện phương thức bán theo hình thức chia nhỏ lô, bán 21% và giữ lại 36% để nắm quyền chi phối không thành công vào năm ngoái, chúng tôi quyết định bán toàn bộ lô 57,71% và đã thành công. 
Thành công của phiên đấu giá lần này, một lần nữa cho thấy khi bán một lô lớn đủ một tỷ lệ hấp dẫn đối với những NĐT trong và ngoài nước có tham vọng thâu tóm một tổng công ty lĩnh vực xây dựng, thương vụ thoái vốn chắc chắn thành công.
Cụ thể, việc bán vốn năm nay thành công dựa trên một số yếu tố: lựa chọn thời điểm bán vốn, mức giá khởi điểm, khối lượng thoái vốn đủ hấp dẫn thị trường, việc giới thiệu thông tin đến NĐT một các đầy đủ và rộng rãi.
- Khối lượng như thế nào được coi là đủ lớn để hấp dẫn NĐT và để thị trường hấp thụ được, thưa ông?
- Với Vinaconex, nếu đưa ra thị trường một mức độ nhỏ, bối cảnh thị trường hiện nay vẫn có thể hấp thụ được. Song điều quan trọng là làm sao phải bán có hiệu quả, đảm bảo tỷ lệ chi phối để NĐT khi mua có thể thực hiện được vai trò quản trị. Với NĐT lớn cách bán như vậy hấp dẫn hơn phương thức bán lẻ.
Về việc SCIC đưa ra mức giá khởi điểm khác nhau cho 2 đợt đấu giá, như năm 2017 mức giá khởi điểm 25.600 đồng/CP, còn đợt đấu giá vừa qua 21.300 đồng/CP, là do theo các quy định của pháp luật có điều chỉnh theo Nghị định 32/2018/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp) và Thông tư 59/2018/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 91 và Nghị định 32.
Trong đó có nội dung thuê 2 tư vấn thẩm định giá. Phương thức xác định giá khởi điểm theo các quy định trên cộng với giá trị doanh nghiệp và căn cứ vào giá thị trường ở 30 phiên giao dịch gần nhất.
- SCIC hiện đang đẩy mạnh việc nhận vốn nhà nước tại doanh nghiệp từ các bộ, ngành, địa phương. Kinh nghiệm thoái vốn từ Vinamilk, Vinaconex có giúp được gì khi thoái vốn tại những doanh nghiệp khác, nhất là với doanh nghiệp quy mô nhỏ, hoạt động chưa hiệu quả, thưa ông?
- Thứ nhất là tiếp nhận doanh nghiệp.
Thứ hai là thực hiện quản trị để làm doanh nghiệp tốt lên, thay đổi về chiến lược, nhân sự… rồi sau đó thông tin đến với thị trường công khai, minh bạch.
Với mỗi doanh nghiệp, việc thoái vốn có cách lựa chọn khác nhau, không có công thức nào hoàn thiện cho tất cả. Kinh nghiệm thoái vốn hơn 12 năm tại hơn 900 doanh nghiệp, cho thấy mỗi doanh nghiệp, tùy thuộc vào đặc thù riêng để lựa chọn phương thức thoái vốn phù hợp nhất.
- Có những doanh nghiệp thua lỗ sẽ xử lý thế nào, thưa ông?
- Với những doanh nghiệp thua lỗ, bán 2-3 lần không thành công có thể SCIC sẽ có báo cáo riêng với Thủ tướng và các cơ quan có thẩm quyền, để nhóm các doanh nghiệp này với nhau và có cách thực hiện khác, không chỉ là thoái vốn.
Trên thực tế, SCIC cũng đã phân chia doanh nghiệp theo các nhóm A, B, C. Nhóm bán nhiều lần không thành công áp dụng phương thức khác để quản trị các doanh nghiệp này.
- Tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp nhà nước vừa qua, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch SCIC đề cập đến việc chuyển giao vốn nhà nước về SCIC rất chậm. Liệu việc này sắp tới có chuyển biến, nhất là sau khi SCIC đã thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp?
- Như Chủ tịch SCIC đã đề cập, dù đã có đầy đủ các quy định, từ nghị định, quyết định của Thủ tướng... nhưng do tính tuân thủ và thực hiện các quy định pháp luật của một số nơi chưa theo đúng chỉ đạo nên chậm chuyển giao. Thủ tướng cũng đã nói là sẽ có chỉ thị về hội nghị, trong đó có nội dung liên quan đến đẩy mạnh bàn giao doanh nghiệp về SCIC.
Về vấn đề đầu tư kinh doanh hiệu quả của SCIC, hiện chúng tôi đang xây dựng dự thảo chiến lược đầu tư, quản trị danh mục để báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Khi ủy ban này thẩm định, báo cáo Thủ tướng phê duyệt, sẽ biết được danh mục là bao nhiêu, doanh nghiệp nào thoái vốn hay tiếp tục tái đầu tư...
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác