Xuất nhập khẩu 2017: Thừa lượng thiếu chất, núp bóng FDI

(ĐTTCO) - Năm 2017, Bộ Công Thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước. Còn theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, khả năng tăng trưởng xuất khẩu năm nay có thể đạt 10%. 
Tuy nhiên, những con số đạt được trong 5 tháng đầu năm và mục tiêu cả năm sẽ đạt hoặc vượt chỉ là sự đánh bóng, bởi vấn đề đặt ra là giá trị gia tăng trong xuất khẩu chúng ta đang chủ yếu xuất thô, hoặc gia công để xuất khẩu.
Mục tiêu kim ngạch 188 tỷ USD 
Hàng hóa xuất khẩu của ta đang thua thiệt với các nước do giá trị gia tăng mang lại từ hoạt động xuất khẩu rất ít. Có thể chúng ta đạt hoặc vượt mục tiêu con số xuất khẩu, nhưng liệu có gia tăng được giá trị xuất khẩu mới là điều quan trọng. Thực tế giá trị gia tăng xuất khẩu những năm qua quá thấp, đã làm cho những con số mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu không còn nhiều ý nghĩa. Bài toán xuất khẩu hiện nay là phần DN Việt Nam được hưởng phải tăng lên. 
GS.TS Đặng Đình Đào,
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước trong 5 tháng đầu năm 2017 đạt gần 80 tỷ USD, tăng 18,4%, tương ứng tăng hơn 12,45 tỷ USD  so với cùng kỳ năm 2016, đạt 42,5% mục tiêu đề ra cho cả năm 188 tỷ USD.
Trong cơ cấu xuất khẩu, trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt gần 56,66 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2016, chiếm 70,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cùng kỳ của cả nước.

10 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong 5 tháng qua lần lượt: điện thoại và các loại linh kiện đạt 16,28 tỷ USD; hàng dệt may 9,39 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 9,38 tỷ USD; giày dép các loại 5,65 tỷ USD, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng 5,05 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ 3,03 tỷ USD; hàng thủy sản 2,85 tỷ USD; phương tiện vận tải và phụ tùng 2,77 tỷ USD; cà phê 1,6 tỷ USD; xơ, sợi dệt các loại 1,37 tỷ USD. Nhìn chung so với cùng kỳ năm trước, 10 nhóm hàng xuất khẩu có giá trị lớn nhất đều tăng giá trị xuất khẩu, 2 nhóm hàng điện thoại, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện có mức tăng cao nhất. 

Về kim ngạch nhập khẩu, tính đến hết tháng 5, tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước đạt hơn 82,47 tỷ USD, tăng 24,7%, tương ứng tăng khoảng 16,32 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Riêng khu vực FDI nhập khẩu đạt 49,84 tỷ USD, tăng 28,1%,  tương ứng tăng khoảng 10,94 tỷ USD so với cùng kỳ 2016.
Các nhóm hàng hóa có kim ngạch nhập khẩu lớn chủ yếu là máy móc, linh kiện và nguyên phụ liệu phục vụ cho xuất khẩu. Trong đó máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất, đạt 14,95 tỷ USD; tiếp đó là máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện nhập khẩu 13,42 tỷ USD. Các nhóm mặt hàng nguyên phụ liệu như vải các loại nhập khẩu đạt 4,48 tỷ USD , sắt thép các loại 3,91 tỷ USD, chất dẻo nguyên liệu đạt 2,9 tỷ USD, nguyên phụ liệu dệt may, da giày 2,25 tỷ USD, hóa chất 1,62 tỷ USD…

Theo nhiều chuyên gia, giá trị gia tăng trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam hiện ở mức quá thấp. Nguyên nhân của tình trạng này do các sản phẩm xuất khẩu bao gồm cả khu vực FDI và DN trong nước vẫn tập trung chủ yếu ở 2 khâu gia công, lắp ráp và xuất thô. Ngay cả khu vực FDI được cho là có công nghệ hiện đại hơn, các sản phẩm xuất khẩu của Samsung, Canon, hay Intel vẫn tập trung ở các khâu gia công, lắp ráp.
Cụ thể, trong nhóm hàng hóa máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, giá trị xuất khẩu 5 tháng đầu năm đạt hơn 5 tỷ USD, nhập khẩu tới 14,95 tỷ USD. Tương tự, nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện xuất khẩu 16,28 tỷ USD thì nhập khẩu 5,12 tỷ USD; nhóm hàng máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện xuất khẩu 9,38 tỷ USD, nhập khẩu tới 13,42 tỷ USD; dệt may xuất khẩu 9,39 tỷ USD, nhập vải các loại và nguyên phụ liệu hơn 6,7 tỷ USD…Gia công và làm thuê
 Dù thị trường thế giới có nhiều biến động, có những diễn biến bất lợi, nhưng mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu 188 tỷ USD trong năm 2017 có thể đạt. Bởi 5 tháng đầu năm chưa phải thời điểm hoạt động xuất khẩu đạt kim ngạch lớn nhất. Vấn đề đặt ra là tình trạng nhập siêu chưa thể khắc phục, cán cân thương mại tiếp tục thâm hụt, quan trọng hơn cần cải thiện giá trị gia tăng trong xuất khẩu.
PGS. Trần Hoàng Ngân,
chuyên gia kinh tế
Giá trị gia tăng của Việt Nam trong xuất khẩu vẫn còn rất khiêm tốn khi nhìn vào kim ngạch xuất khẩu của khối FDI. Thí dụ, kim ngạch xuất khẩu của khối này tăng tới 20 điểm % trong vòng 10 năm qua, nhưng giá trị đóng góp vào nền kinh tế Việt Nam chỉ tăng 3-4 điểm %, cho thấy Việt Nam vẫn chỉ làm thuê, đóng gói, gia công và nhân công giá rẻ.
Điều này còn thể hiện rõ khi hàng dệt may có đến 60% nguyên liệu đầu vào vẫn nhập từ Trung Quốc. Từ những số liệu này, chúng ta cần hướng đến một cái nhìn cầu thị, hiện thực hơn về tình hình xuất khẩu, tránh việc tự ru ngủ là một cường quốc xuất khẩu, trong khi đó giá trị gia tăng hàng xuất khẩu lại rất khiêm tốn. Xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc quá lớn vào khối FDI (hiện chiếm trên 70%; riêng Samsung năm 2016 xuất khẩu 34,3 tỷ USD, chiếm tới hơn 18% tổng lượng xuất khẩu). Do vậy vấn đề đặt ra cần có những chính sách thiết thực, cụ thể hỗ trợ DN trong nước, trong đó sớm triển khai nhanh, hiệu quả tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế và triển khai tinh thần Luật Hỗ trợ DNNVV để hỗ trợ khu vực kinh tế trong nước. Như vậy con số tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 188 tỷ USD không nói lên nhiều điều, ngược lại còn có những tác động không tốt. Nếu chỉ nhìn vào con số mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu về số lượng, khối lượng nhưng không có chất lượng, con số tăng trưởng xuất khẩu đề ra không có nhiều ý nghĩa. Mặt khác, việc gia tăng xuất khẩu chủ yếu nằm trong khu vực FDI, hiện khu vực FDI chiếm khoảng 72% cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, khu vực trong nước chỉ còn chưa tới 28% kim ngạch xuất khẩu. Nhận định về hoạt động xuất nhập khẩu năm nay, nhiều ý kiến cho rằng bức tranh xuất khẩu 2017 chưa có nhiều khác biệt so với năm 2016, hàng loạt vấn đề đặt ra với tình trạng nhập siêu vẫn đang tiếp diễn. Ước tính nhập siêu năm 2017 khoảng 6,5 tỷ USD, tương ứng 3,45% tổng kim ngạch xuất khẩu. 5 tháng đầu năm, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 22 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2016; tiếp đến là Hàn Quốc đạt 18,6 tỷ USD, tăng 51,9%; các nước ASEAN 11,1 tỷ USD, tăng 16,6%; Nhật Bản 6,5 tỷ USD, tăng 15,5%; EU 4,6 tỷ USD, tăng 13,9%; Hoa Kỳ 3,8 tỷ USD, tăng 22%...
Xuất nhập khẩu 2017: Thừa lượng thiếu chất, núp bóng FDI ảnh 1 Dệt may Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng giá trị gia tăng thấp do chủ yếu gia công.
Ảnh: LONG THANH 
Nhập siêu tiêu thụ trong nước
Trong 5 tháng đầu năm, khu vực FDI xuất siêu 6,82 tỷ USD, nhưng tổng thể kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước vẫn nhập siêu khoảng 2,5 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa với khu vực DN trong nước đang nhập siêu gần 9,32 tỷ USD.
Lý giải về điều này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho rằng khu vực FDI đầu tư vào Việt Nam để khai thác những lợi thế đầu vào như lao động, điện, chi phí xã hội, hay các thuận lợi từ việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA). Hơn nữa họ đầu tư vào với mục đích sản xuất hàng hóa để xuất khẩu toàn thế giới, khi sản xuất xong họ tính đến việc xuất khẩu luôn. 

Vì sao khu vực trong nước luôn nhập siêu, các chuyên gia kinh tế cho rằng khác với khu vực FDI nhập khẩu để phục vụ lắp ráp, gia công sản phẩm xuất khẩu, DN trong nước nhập về để sử dụng hoặc làm thương mại. Nhập khẩu thép thời gian qua của các DN trong nước là một thí dụ điển hình khi trong 5 tháng giá trị nhập khẩu thép lên tới 3,91 tỷ USD. Đồng thời, bên cạnh việc nhập phôi thép về để cán thép thành phẩm, nhiều DN trong nước cũng nhập thép về để bán.
Ngoài ra, thị trường Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị rất lớn, và đây cũng là một phần dẫn đến nhập siêu khu vực DN trong nước tăng. Riêng khu vực FDI chỉ nhập linh kiện, nguyên phụ liệu về phục vụ sản xuất xuất khẩu ra bên ngoài, trong khi khu vực DN trong nước nhập khẩu để tiêu dùng và sản xuất trong nước nhưng không xuất khẩu nên rất dễ rơi vào tình trạng nhập siêu.

Để cải thiện tình trạng nhập siêu hiện nay, các DN cần đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa đi các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU. Đây là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất hiện nay của Việt Nam, đồng thời cũng là những thị trường tiêu thụ lớn của thế giới. Những năm qua Hoa Kỳ liên tiếp là đối tác thương mại đem lại thặng dư lớn nhất cho Việt Nam trong nhiều năm liền.
Cán cân thương mại hàng hóa Việt Nam - Hoa Kỳ trong tháng 4-2017 đạt thặng dư gần 3,04 tỷ USD, qua đó đưa cán cân thương mại hàng hóa Việt Nam - Hoa Kỳ trong 4 tháng năm 2017 đạt hơn 9,42 tỷ USD, bằng 75,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. 

Các tin khác