Xây dựng quỹ đầu tư hạ tầng tránh thất thoát

(ĐTTCO) - Các dự án BT có những đóng góp nhất định vào sự phát triển của hệ thống hạ tầng giao thông, môi trường, góp phần hình thành nhiều khu đô thị lớn.
 
Xây dựng quỹ đầu tư hạ tầng tránh thất thoát
 Tuy nhiên, cơ chế chỉ định thầu và đổi đất của các dự án BT đang có nhiều bất cập. Nhà nước có được những dự án hạ tầng, môi trường nhưng phải trả giá khá đắt, thậm chí còn giao những khu đất lớn, không được xác định giá trị rõ ràng. Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế ĐINH TUẤN MINH khi trao đổi với ĐTTC về xu hướng đầu tư BT tại một số địa phương hiện nay.
Sức ép phải phát triển hạ tầng

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, đang xuất hiện một trào lưu đầu tư mới về BT tại một số địa phương, nhưng hiện khung pháp lý về PPP chưa hoàn thiện. Vậy ông có lo ngại những bất cập sẽ xảy ra với đầu tư BT thời gian tới giống như đầu tư BOT những năm qua?

Ông ĐINH TUẤN MINH: - Các địa phương đề xuất làm BT phát triển hạ tầng cho thấy sức ép về cơ sở hạ tầng phục vụ tăng trưởng kinh tế. Ngân sách không đủ đáp ứng cho nhu cầu phát triển nhanh hạ tầng, nên buộc các địa phương phải chuyển sang hợp tác đầu tư PPP, trong đó có các hình thức hợp đồng như BOT, BT, BTL, BOO…
Câu chuyện thiếu khung pháp lý cho thấy bài toán về phát triển hạ tầng đang gặp nhiều vấn đề. Cụ thể đang thiếu đội ngũ chuyên gia giỏi để đưa ra những quy định trong thực hiện BOT, BT sát với giá trị thực tế, hài hòa giữa nhà đầu tư và người dân.

Bản chất của phát triển hạ tầng giao thông nói riêng và hạ tầng nói chung nếu không áp dụng các hình thức đầu tư PPP như BT hay BOT, Nhà nước phải trả một khoản kinh phí từ tiền thuế của người dân để có được công trình hạ tầng. Do vậy với hợp đồng BT buộc phải sử dụng đất đai (tài sản công) để trả cho nhà đầu tư, bởi nếu không áp dụng BT phải sử dụng tiền thuế để xây dựng những con đường, nhưng ngân sách chúng ta hạn hẹp.
Thế nhưng, hành lang pháp lý cho đầu tư BT và BOT đến nay vẫn dừng ở các quy định chung chung trong luật và nghị định, do các hình thức đầu tư này hiện còn khá mới tại Việt Nam, ngay cả những người soạn thảo ra quy định cũng chưa một lần làm dự án BT và BOT. Vì vậy, nếu không sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về đầu tư dễ dẫn tới những lỗ hổng trong quản lý.

Thực tế hiện nay các địa phương như Hà Nội, Đà Nẵng hay TPHCM chưa hình thành các quỹ đầu tư phát triển hạ tầng thông qua công tác quy hoạch phát triển và đấu giá quyền sử dụng đất. Suy cho cùng là thiếu vốn trong khi sức ép phát triển hạ tầng ngày càng lớn, buộc các địa phương phải đổi đất lấy hạ tầng. Nếu không làm không có hạ tầng và không phát triển được.

- Theo quan điểm của ông với các hợp đồng BT nhiều ngàn tỷ đồng sẽ được triển khai trong thời gian tới, cần làm gì để tăng tính minh bạch và ràng buộc trách nhiệm của các bên?

- Cơ quan nhà nước là người đại diện cho người dân tham gia ký kết hợp đồng, vì vậy cần phải minh bạch trong quá trình đại diện cho người dân lựa chọn nhà đầu tư, đàm phán ký kết hợp đồng BT.
Đồng thời cơ quan nhà nước cũng phải đưa ra những tính toán đại diện được cho quyền lợi của người dân. Điều này đòi hỏi sự công tâm, năng lực và trách nhiệm của người đại diện cơ quan nhà nước tham gia ký kết hợp đồng với nhà đầu tư.

2 lần bị thất thoát cho dự án BT

- Ông nhìn nhận thế nào về cách thức làm dự án BT của các địa phương hiện nay?

- Quan điểm cá nhân tôi thấy rằng không hợp lý. Bởi với cách làm chỉ định nhà đầu tư BT như hiện nay, nhà đầu tư bỏ qua được 2 cuộc cạnh tranh. Thứ nhất, thông thường dự toán công trình BT do nhà đầu tư được chỉ định tự lập, tức họ bỏ qua được cuộc cạnh tranh về giá công trình BT. Bởi lẽ công trình BT không được đấu thầu nên không có tính cạnh tranh do dự toán lại do họ tự lập.
Cuộc cạnh tranh thứ 2 nhà đầu tư được chỉ định thực hiện dự án BT nên họ không phải đấu giá quỹ đất khi mang đổi dự án BT. Tóm lại không ai chắc chắn được giá trị công trình BT chính xác ra sao khi nhà đầu tư tự lập, cơ quan nhà nước chỉ thẩm định; về quỹ đất cũng không ai chắc chắn nó được định giá đúng với giá thị trường để mang đổi công trình. 

Trong phát triển cơ sở hạ tầng, kinh nghiệm của thế giới cần sớm hình thành quỹ đầu tư phát triển hạ tầng. Quỹ đầu tư này phải được hình thành dựa trên quy hoạch hợp lý. Chẳng hạn khi mở một con đường, các cơ quan quản lý cần quy hoạch để thu được giá trị gia tăng từ con đường,  thu gom quỹ đất mặt tiền 2 bên đường để bán đấu giá công khai, tạo nguồn cho quỹ đầu tư phát triển hạ tầng. Khi có quỹ này mới có thể đấu thầu công trình, thuê doanh nghiệp làm công trình.
Theo đó tạo ra những quỹ đất sạch để đấu giá đất, sau đó thu tiền đó về dùng để xây dựng các công trình hạ tầng. Thế nhưng hiện nay nhìn ở góc độ quốc gia hay cấp địa phương, đều chưa hình thành được quỹ đầu tư phát triển hạ tầng. Đây chính là khiếm khuyết lớn tạo ra áp lực phát triển hạ tầng hiện nay.

- Vậy cần làm gì để khắc phục những khiếm khuyết này trong thời gian tới, thưa ông?

- Thí dụ, Hà Nội cần một quỹ có khối lượng hàng trăm ngàn tỷ đồng để giải quyết các nút thắt về hạ tầng phát triển. Quỹ này phải có người quản, phải tính toán được sau khi mở con đường giá đất 2 bên đường sẽ tăng thế nào. Đà Nẵng những năm trước đây cũng đã từng mở đường, đấu giá đất 2 bên đường để lấy tiền làm những con đường khác và đã thành công.
Vì vậy nếu cứ duy trì tư duy phát triển hạ tầng như hiện nay, Nhà nước không thu được đồng nào từ đấu giá đất 2 bên đường, trong khi người dân 2 bên mặt đường lại hưởng hết giá trị gia tăng của con đường do Nhà nước đầu tư.

- Xin cảm ơn ông.
 Cần xem lại cơ chế đầu tư BT hiện nay và thay đổi tư duy phát triển hạ tầng. Trước sức ép phát triển hạ tầng hiện nay, một số địa phương đã lựa chọn đầu tư BT như một giải pháp tình thế, bởi không đầu tư cho hạ tầng không phát triển được. Nhưng không thể mãi giật gấu vá vai, các địa phương phải làm tốt công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển hạ tầng, qua đó hình thành quỹ đất để đấu giá. Nguồn thu này giúp hình thành quỹ đầu tư phát triển hạ tầng.

Các tin khác